Doanh nghiệp phải xem người lao động là thành viên “hữu cơ”

CSVN – Tổng LĐLĐ VN vừa có hướng dẫn cách thức tổ chức chương trình “Cảm ơn thành viên” tại doanh nghiệp (DN). Trên cơ sở đó, trong “Tháng Công nhân” 2016, CĐ Cao su VN cũng hướng dẫn CĐ các đơn vị tổ chức các hoạt động “Cảm ơn thành viên” dành cho người lao động (NLĐ). Vì sao phải “cảm ơn” NLĐ và “cảm ơn” như thế nào?
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV CS Bình Long quan tâm, thăm hỏi, động viên CN tại vườn cây. Ảnh: Tùng Châu
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV CS Bình Long quan tâm, thăm hỏi, động viên CN tại vườn cây. Ảnh: Tùng Châu

Có thể nói, việc tổ chức chương trình “Cảm ơn thành viên” là việc làm ý nghĩa nhằm thể hiện sự ghi nhận đóng góp quan trọng của NLĐ đối với DN, xã hội. Đây còn là dịp để chủ DN nói lời tri ân, động viên NLĐ gắn bó hơn với DN.

Quanh năm làm lụng vất vả, nếu được nhận những lời cảm ơn chân thành sẽ khiến NLĐ cảm nhận được sự quan tâm, sẻ chia của DN, từ đó họ sẽ gắn bó hơn với DN, coi DN như là ngôi nhà thứ hai của mình.

Hình thức và phương thức tổ chức chương trình “Cảm ơn thành viên” như thế nào là tùy tình hình thực tế và điều kiện mỗi đơn vị. Dù thế nào thì lễ tôn vinh NLĐ cần được tổ chức trang trọng, ấm cúng; khẳng định những đóng góp nổi bật của NLĐ đối với sự phát triển bền vững của DN.

Về hình thức, theo hướng dẫn của Tổng LĐLĐ VN thì CĐ các cấp tổ chức lễ báo công hoặc sơ kết phong trào thi đua lao động giỏi – lao động sáng tạo. Cá nhân được tôn vinh phải nêu được cảm nghĩ về quá trình lao động sáng tạo, cống hiến cho DN, đồng thời cảm ơn chủ DN đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu, phát huy sáng kiến.

Trong mối quan hệ giữa CĐ với DN, các cấp CĐ cũng nên biểu dương DN làm tốt chính sách việc làm, đời sống NLĐ, tạo thuận lợi cho CĐ hoạt động. Dịp này, các cấp CĐ cũng nên phối hợp với DN tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện, như trao tặng nhà “Mái ấm CĐ”, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ cán bộ, Đoàn viên, CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn, CNLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; động viên CNLĐ đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn.

Không chỉ theo “mùa vụ” hay “đóng gói” trong một chương trình nào đó, các cấp CĐ cần sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc của CNLĐ để kịp thời tham gia với DN giải quyết, tháo gỡ những “nút thắt” về mặt tư tưởng và cơ chế. Đó là các chế độ chính sách liên quan sát sườn đến đời sống việc làm của NLĐ, như lương công bằng, thưởng thỏa đáng, các chế độ như BHXH, BHYT, bảo hộ lao động, bữa ăn giữa ca được bảo đảm…

Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào thì NLĐ luôn là vốn quý của DN. Vì thế, DN phải xem NLĐ là thành viên “hữu cơ” để DN phát triển. Vì thế, việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định là việc làm hết sức cần thiết của DN, trong đó có vai trò và sự tham gia của tổ chức CĐ. Một khi ổn định tư tưởng, có môi trường làm việc lành mạnh, chế độ chính sách được đảm bảo và thu nhập tốt thì NLĐ sẽ yên tâm gắn bó, cống hiến, làm việc hết mình và đem lại lợi ích cho DN.

C.Đ