“Đi đâu xa cũng không bằng cao su gần nhà”

CSVNN – Giá cao su sụt giảm, lương thấp, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn. Nhiều người vì chén cơm manh áo đã bỏ nghề, tìm kế khác sinh nhai. Trong hoàn cảnh ấy, công nhân đồng bào dân tộc vẫn quyết gắn bó với vườn cây, với nghiệp cạo mủ cao su.
Công nhân Nghinh (Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang)  bên vườn chanh dây chuẩn bị thu hoạch 22
Công nhân Nghinh (Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang) bên vườn chanh dây chuẩn bị thu hoạch
Nghỉ ít hơn người Kinh

Nghinh, người dân tộc Bana đang là CN khai thác của Tổ 12 – NT K’Dang thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang chia sẻ: “Mình đi cạo từ năm 2004 đến nay cũng được hơn 10 năm rồi, vợ chồng mình đã trải qua nhiều khó khăn do giá bán cao su có năm thấp, năm cao. Những lúc giá cao su tốt ai cũng muốn làm CN cao su, nhưng khi giá bán thấp, tiền lương ít thì họ lại rủ nhau xin nghỉ để đi tìm công việc khác có thu nhập cao hơn. Cá nhân mình nghĩ rằng, nếu có nghỉ cạo mủ cao su để làm việc khác thì đi làm ở nơi khác dù có nhiều tiền cũng không bằng cây cao su gần nhà”.

Anh Nghinh là một trong số những CN tiêu biểu nhất của tổ và cũng là một nhân tố tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình với 300 cây cao su, gần 1 ha cà phê, 2 sào chanh dây và một ít lúa nước. Tổng thu nhập từ nguồn kinh tế gia đình khoảng 130 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, anh Rcom Blíu – Phó Giám đốc NT Ia Phú của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh cho biết: “Năm 2015 là năm người CN cao su xin nghỉ nhiều nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên số CN là đồng bào dân tộc xin nghỉ lại ít hơn CN người Kinh. Do đặc thù văn hóa buôn làng, nên đồng bào dân tộc không muốn đi làm xa nhà, xa làng. Mặt khác, điều kiện kinh tế gia đình của CN đồng bào dân tộc cũng không tốt bằng số CN khác nên rất chăm chỉ, nhiệt tình và gắn bó với công việc vì đây là nguồn thu nhập chính của họ”.

Còn CN Y Chương của NT Dục Nông – Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thì cho hay: “Dù giá bán cao su thấp hay cao thì mình vẫn thích là một CN cạo mủ, bởi đây là công việc mình đã chọn từ trước, nghỉ làm cao su mình không biết làm gì nữa”.

Nỗ lực cùng đơn vị vượt qua khó khăn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm 2015 đến nay CN tại các công ty cao su nộp đơn xin nghỉ rất nhiều. Tuy nhiên, CN là đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm số ít. Hầu hết các công ty đều không hoặc ít tuyển lao động mới mà chuyển qua chế độ cạo D4 nên tỷ lệ lao động là đồng bào dân tộc tại các công ty ngày một chiếm tỷ lệ lớn.

Trong tình hình hết sức khó khăn khi công ty phải điều chỉnh kế hoạch, Đảng viên trẻ Kpă Toa ở NT Đoàn kết – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh bày tỏ: “Là một trong số ít người CN dân tộc thiểu số là Đảng viên, tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền cho đồng nghiệp, bạn bè hiểu sự quan trọng của công việc đang làm, bản thân tôi luôn gương mẫu trong công việc. Mình hiểu rằng đây chưa phải là khó khăn nhất, những lúc như thế này mình phải có trách nhiệm cùng với công ty chia sẻ khó khăn, cùng nhau nỗ lực vượt qua. Để gắn bó lâu dài với vườn cây, với nông trường những CN chúng tôi hiện đang tích cực giúp nhau phát triển kinh tế gia đình để đảm bảo nguồn thu nhập và trang trải cuộc sống”.

Thể hiện quyết tâm của một CN cạo mủ, chị Rơ Châm Hyuih của Đội Sản xuất Xã Gào – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh nói: “Dù giá bán cao su thấp, lương ít nhưng mình sẽ không bỏ việc đâu. Lương hiện nay không cao như năm trước, nhưng vẫn là nguồn thu nhập chính, thường xuyên của gia đình mình”.

Bài, ảnh: Văn Vĩnh