“Tôi thương các cháu công nhân lắm”

CSVN – Từng làm Chủ tịch Công đoàn của Nông trường (NT) Ia Phú (Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh) suốt 15 năm, đã nghỉ hưu nhưng đến nay ông Ksor Grít vẫn mong muốn ngành cao su tiếp tục quan tâm nâng cao hơn nữa đời sống, tay nghề công nhân (CN) người đồng bào dân tộc.
Thôi làm cao su, ông Ksor Grít vẫn rất bận rộn với vườn cà phê, vườn tiêu của gia đình
Thôi làm cao su, ông Ksor Grít vẫn rất bận rộn với vườn cà phê, vườn tiêu của gia đình
7 người con thì 5 người làm công nhân cao su

Nói chuyện về quãng thời gian làm cao su, ông Ksor Grít cho biết: “Đó là khoảng thời gian đẹp trong cuộc đời tôi”. Gia đình ông có 7 người con thì có đến 5 người làm CN cao su, trong đó có một người làm Tổ trưởng của NT Ia Phú. Năm 1993 cao su được trồng ở Ia Phú, đang từ một cán bộ của xã, ông đã quyết định chuyển về làm ở NT.

Tại Hội nghị người lao động của NT ngày 1/8/1996, với sự kính trọng và tín nhiệm cao, ông được người công nhân bầu làm Chủ tịch Công đoàn nông trường cho đến ngày nghỉ hưu năm 2011. Quãng thời gian tròn 15 năm công tác. Làm Chủ tịch Công đoàn, chịu trách nhiệm trong công tác dân vận nên ông thường xuyên vào làng thăm hỏi bà con, người thân của CN. Nhiều khi trước lúc đi làm phải ghé qua uống cà phê với già làng để có thông tin, rồi nhờ già làng giúp đỡ nói với dân làng không đi lấy trộm mủ, nói với công nhân chịu khó làm việc.

“Ra ngoài lô, công nhân thích tôi lắm vì tôi là người đồng bào nói được nhiều tiếng. Lúc mới có cao su khai thác, không phải ai cũng nói rõ tiếng phổ thông nên tôi ra ngoài lô nói chuyện với công nhân bằng tiếng địa phương, họ hiểu nên chia sẻ nhiều thứ.”, ông kể.

Mong đời sống người CN đồng bào dân tộc ngày càng tốt hơn

Về việc vận động CN, ông nhớ lại: “Những ngày đầu đi làm khổ lắm, không có đường nhựa như bây giờ, CN chủ yếu đi xe đạp nhưng họ rất vui. Nhiều CN có nương rẫy nên thường xuyên bỏ việc đi làm việc nhà. Khi đó tôi mới nói các cháu tính xem làm lúa cả một năm chỉ được vài chục bao, còn đi làm cao su một tháng mua được mấy chục bao gạo. Vậy tại sao mình lại bỏ việc cao su mà lo làm lúa không thôi, phải biết sắp xếp thời gian để hoàn thành cả việc của nông trường và việc nhà”. Nghe lời ông, từ đó CN đi cạo đầy đủ, không bỏ ngày cạo nào.

Quãng thời gian dài công tác, ông đã chứng kiến nhiều giai đoạn lên xuống của giá cao su, đời sống người CN cũng theo đó mà thay đổi. Ông tâm đắc: “Tôi thương các cháu CN lắm, hồi xưa đời sống CN người đồng bào còn thấp do trình độ dân trí thấp, tiếp thu kỹ thuật cạo mủ cao su chưa tốt, tay nghề không bằng nên lương thưởng thường ít hơn CN người Kinh. Văn hóa, ngôn ngữ lúc đầu cũng không được gần nhau như bây giờ nên người CN dân tộc thiểu số khổ lắm”.

Bây giờ đã nghỉ hưu, người CN các dân tộc đã xích lại gần nhau hơn từ văn hóa, ngôn ngữ đến trình độ nhận thức, tay nghề và tiền lương, nhưng ông vẫn mong muốn ngành cao su nói chung và Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh nói riêng làm sao để tiếp tục cải thiện tay nghề, đời sống của lao động người dân tộc thiểu số ngày được tốt hơn nữa.

Với những công việc đã làm, ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2005, Bộ NN&PTNT tặng 2 Bằng khen vào các năm 2009 và 2010. Ngoài ra ông còn là Chiến sỹ thi đua cấp TCT Cao su Việt Nam năm 2006 cùng nhiều danh hiệu cao quí khác.

Bài, ảnh: Gia Linh