Làm cao su kết hợp kinh tế gia đình để bền vững

CSVN – Dù đã về hưu nhưng ông Trần Văn Hoàng – nguyên Đội trưởng Đội Cao su Ea Khal, Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’Leo vẫn theo dõi và luôn dành cho ngành cao su những tình cảm quý báu nhất. Bởi từ nghề làm cao su, các con ông được ăn học đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Không chỉ riêng ông mà nhiều người đều ghi nhận nhờ có cao su, địa phương mới phát triển như hôm nay.
Ông Trần Văn Hoàng
Ông Trần Văn Hoàng

Năm 1987, ông Trần Văn Hoàng cùng gia đình vào lập nghiệp tại Ea H’Leo, Đắk Lắk. Cũng như nhiều gia đình khác, ông xin vào làm việc tại Công ty TNHH MTV CS Ea H’Leo và được phân công làm Tổ trưởng vườn ươm Đội Ea Khal.

Ông cho biết: “Thời kỳ đó, bà con từ miền Trung vào Tây Nguyên lập nghiệp, làm kinh tế mới rất nhiều. Ở quê khổ cực, nên mọi người quyết tâm gầy dựng cơ sở trên vùng đất mới. Thời kỳ đầu khó khăn đủ thứ, thêm vào đó bệnh sốt rét hoành hành nhưng quyết tâm của Nhà nước, quyết tâm của tỉnh phát triển cao su ở Tây Nguyên nên chúng tôi vẫn bám trụ. Khi nhà cửa còn là túp lều tranh tạm bợ, chợ búa còn heo hút, điều kiện văn hóa xã hội thiếu thốn, trình độ dân trí thấp thì chúng tôi, những người tha hương luôn xác định đây sẽ là quê hương thứ hai của mình, có khổ cách mấy cũng chịu được”.

“Vậy đó, thời gian thoăn thoắt trôi, nhiều gia đình ở đây khá lên, giàu có lên cũng nhờ có cao su mà ra. Từ đồng lương cao su, họ chắt chiu dành dụm mua thêm miếng đất gầy dựng kinh tế gia đình trồng hoa màu, tiêu, cà phê, sửa sang nhà mới, đủ tiền cho con ăn học”, ông kể.

Ông chia sẻ: “Cao su xuống giá là quy luật của thị trường, không riêng gì cao su mà những mặt hàng nông sản khác cũng sẽ không tránh khỏi vòng tròn thị trường đó. Vì vậy, nhiều người khi thấy giá mủ cao thì ồ ạt xin vào làm công nhân nhưng khi đủ lông đủ cánh rồi thì ra riêng để phát triển kinh tế. Cũng không nên trách họ làm gì nhưng ở đây hầu như thu nhập của gia đình nào cũng từ 2 – 3 nguồn, công việc có nhưng vẫn có thêm nguồn thu từ vườn tiêu, hoặc cà phê. Vừa làm cao su vừa phát triển kinh tế gia đình thì mới bền vững được”.

Khi còn công tác, với vai trò là Bí thư chi bộ, đội trưởng và Chủ tịch Công đoàn, ông luôn cố gắng chăm lo tốt nhất cho NLĐ, đảm bảo quyền lợi cho họ.

Dù đã về hưu nhưng ông Trần Văn Hoàng – nguyên Đội trưởng Đội Cao su Ea Khal, Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’Leo vẫn theo dõi và luôn dành cho ngành cao su những tình cảm quý báu nhất. Bởi từ nghề làm cao su, các con ông được ăn học đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Không chỉ riêng ông mà nhiều người đều ghi nhận nhờ có cao su, địa phương mới phát triển như hôm nay.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Ông quan niệm, càng trong khó khăn mới càng thể hiện rõ trách nhiệm, càng phải gắn bó với cao su. “Tôi cũng có con làm trong ngành cao su nhưng tuyệt nhiên không nghe con mình nói đến nhảy việc, tôi mừng vì điều đó. Có lẽ, nhận thức được những ngày đầu thế hệ chúng tôi vất vả mới có được như hôm nay nên chúng thấu hiểu và càng phải gắn bó hơn nữa”, ông tâm sự.[/stextbox]

Ở ông, người ta thấy một người đứng đầu đơn vị luôn tận tụy với công việc, hết lòng vì NLĐ, bởi theo ông: “Con người là nhân tố quan trọng nhất, vì vậy hãy luôn quan tâm đến họ, càng khó thì càng gắn bó với NLĐ, thời giá mủ cao thì có thể cho đi du lịch xa một chút, thưởng cao một chút, khi giá mủ xuống thấp có thể động viên NLĐ bằng những chuyến đi gần, thưởng ít nhưng vẫn phải có”.

Đặc biệt, ông cho rằng, những thắc mắc về quyền lợi của NLĐ thì cố gắng giải quyết hợp tình, hợp lý. Càng trong khó khăn thì năng lực của người làm công tác quản lý được phát huy. Đối với người quản lý, người đứng đầu đơn vị thì đừng “được chăng hay chớ” mà cần phải trách nhiệm, công tâm, dám nhận khuyết điểm, mềm mỏng và quyết liệt khi cần, có được những yếu tố đó thì dù có khó đến đâu NLĐ cũng sẽ không bỏ mình.

Lâm Khanh