“Chiến đấu” trên miền nhựa trắng

CSVN – Trụ sở của Tạp chí CSVN đóng tại TP. HCM, nhưng địa bàn hoạt động trải dài gần như khắp nước, từ miền Đông, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên đến các tỉnh miền núi phía Bắc, qua cả Campuchia, Lào; là những đơn vị thường khởi nghiệp ở những vùng đất mới sâu, xa, hoang hóa. Vì thế mà PV, BTV thường xuyên “chiến đấu” trên những “chiến trường” xa hút, cách “trung tâm chỉ huy” hàng trăm, hàng ngàn cây số, mỗi chuyến công tác đi năm ba ngày, thậm chí cả tuần lễ, nửa tháng là chuyện bình thường.
Tác giả, nhà báo Sáu Vườn Ươm viết bài ngay trên vườn cây. Ảnh: Tùng Châu
Tác giả, nhà báo Sáu Vườn Ươm viết bài ngay trên vườn cây. Ảnh: Tùng Châu

Là một người có gần 30 năm công tác trong tờ báo ngành, nên tôi hiểu biết khá rõ về những đồng đội cầm bút của mình. Có thể kể ở đây lứa đầu mùa gồm các anh, chị Năm Xuân, Phan Xê, Hưng Văn, Xuân Biết, Quỳnh Lệ, Quang Minh, Lê Bân, Nam Cao, Diệp Hồng Phương, Hồ Tú Anh, Lê Sỹ Ngọ… Lứa kế tiếp là các bạn trẻ hơn như Phi Long, Trần Hậu, Nguyễn Cường, Văn Vĩnh, Nguyên Khánh, Văn Thắng, Vũ Phong, Tùng Châu, Ngọc Cẩm, Minh Tâm, Quỳnh Mai, Hồng Lý…

Nói đến Cao su Việt Nam thì không thể không nhắc tới anh Phan Xê. Anh xuất hiện tại tờ báo ngành từ năm đầu thành lập 1982, với vai trò Thư ký tòa soạn chứ không phải phóng viên. Thế nhưng vào những lúc rảnh chuyện “bếp núc” thì anh cũng thường khăn gói lên đường cùng anh em cho nó có “thực tế”. Với bút danh Phan Lê Phương, anh thường có bài nêu về những khó khăn của ngành để tìm cách tháo gỡ, về những việc còn có thể làm tốt hơn trong chăm lo đời sống công nhân. Bạn đọc rất ưng giọng văn “rề rề” bình dân mà sâu sắc, ý nhị của anh.

Năm 1992, tôi có một chuyến công tác cùng anh (lúc ấy đã là Tổng Biên tập) vào vùng cao su Krông Búk. Anh em ở cơ quan công ty được giới thiệu nhà báo Phan Lê Phương đã rất vui, rồi họ kể về một số bài báo anh đã viết. Nghe anh em chưa gặp mà “rành” về mình như vậy, anh rưng rưng nước mắt.

Cùng về Báo Cao su sớm như anh Phan Xê là anh Hưng Văn, xin chuyển vào từ báo Nghĩa Bình năm 1982. Với tư duy nghiệp vụ sắc bén, anh thường xuyên có những bài “đinh” trên báo. Năm 1991, khi Tổng cục Cao su (từ trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng) chuyển thành Tổng Công ty Cao su (trực thuộc Bộ Nông nghiệp) đã có hướng cho sáp nhập tờ Cao su VN vào báo Nông nghiệp VN (Nhưng lãnh đạo báo Nông Nghiệp cho biết chỉ nhận có 2 người). Sau sự kiện này thì nhiều phóng viên đã như chim rời tổ.

PV Nguyễn Cường - một "tay máy" xuất sắc của Tạp chí Cao su VN.
PV Nguyễn Cường – một “tay máy” xuất sắc của Tạp chí Cao su VN.

Anh Hưng Văn về báo Nông Nghiệp (phụ trách tin, bài phía Nam); anh Lê Bân chuyển qua làm Tổng Thư ký tòa soạn báo Người Lao Động; anh Diệp Hồng Phương về làm Thư ký tòa soạn tờ Long An số đặc biệt, anh Nam Cao đến với Thời báo Kinh tế Sài Gòn, anh Nguyễn Thiện Sơn về báo Công An TP.HCM. Chỉ còn chị Quỳnh Lệ, anh Quang Minh, anh Sỹ Ngọ ở lại cầm cự. Sau này anh Phan Xê giữ lại được tờ báo, ba vị này trở thành “kỳ cựu”, đến năm 1998 thì chị Quỳnh Lệ lên làm Tổng Biên tập.

Tiếp nối thế hệ đầu tiên ấy là thế hệ thứ hai xuất hiện từ sau những đợt thi tuyển phóng viên của Tổng Biên tập Hồ Tú Anh. Trúng tuyển vào Tạp chí Cao su năm 2001, anh Phi Long sớm bộc lộ năng khiếu, trình độ qua các bài viết đặt nhiều vấn đề sát thực của ngành. Chỉ mấy năm sau, từ năng khiếu và trình độ này, anh được đề bạt Thư ký tòa soạn rồi Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung. Trưởng Ban Biên tập hiện tại là anh Nguyên Khánh, điềm đạm “chậm mà chắc”.

Và đặc biệt nhất là sự xuất hiện của anh Hồ Trung Trực, một nhà báo về tuổi đời thì thuộc thế hệ đầu tiên, nhưng tinh thần làm việc thì luôn trẻ trung, sung mãn như lớp trẻ đương thời. Ngoài viết lách, anh còn chủ trì thực hiện sách Kỷ yếu cho hàng trăm đơn vị trong ngành, với những thành phẩm đẹp trang trọng, được sự tin tưởng và ngày càng có thêm nhiều khách hàng tìm đến. Như một sự thư giãn qua những phút giây lãng mạn, anh còn đều đặn “Chia sẻ” với bạn đọc khắp nơi qua từng số báo với bút danh Đức Trung đã trở nên quen thuộc.

PV Ngọc Cẩm và Minh Tâm trong chuyến tác nghiệp thử việc đầu tiên.
PV Ngọc Cẩm (bìa trái) và Minh Tâm (thứ 3 từ trái qua) trong chuyến tác nghiệp thử việc đầu tiên.

Các phóng viên thì luôn năng nổ, hết lòng vì nhiệm vụ. Trong đợt tuyên truyền cho Hội diễn Văn nghệ Ngành Cao su năm 2012, anh Nguyễn Cường từng đi từ Tây Bắc đến Quảng Trị, xuống Vũng Tàu rồi về TP.HCM, mất đúng một tháng! Cô Ngọc Cẩm trúng tuyển năm 2010, đến với tờ báo ngành ngoài cây bút còn có khả năng viết kịch bản truyền hình khá tốt, đã mở thêm một chương mới cho báo, với những phóng sự truyền hình minh họa sinh động cho các báo cáo tại Hội nghị công chức, các sự kiện của tạp chí, và đã “lây lan” sang nhiều đơn vị khác.

Cô Quỳnh Mai hiện là một phóng viên “chủ lực” của tạp chí, đi nhiều, viết nhiều. Quỳnh Mai trúng tuyển báo ngành năm 2011 với điểm số cao, bài thi viết súc tích, trình bày đẹp. Khi vào vòng đi thực tế đã có bài viết khá thuyết phục về bảo vệ môi trường của Nhà máy Chế biến mủ Cao su Phú Riềng (bắt nguồn từ một ao nuôi cá từ nước thải đã qua xử lý của nhà máy).

Sau gần 30 năm công tác trong tờ báo ngành, tôi nghỉ hưu năm 2012, nhưng vẫn tiếp tục viết báo với vai trò là cộng tác viên thường xuyên của Cao su Việt Nam. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, anh em ở tòa soạn đề nghị tôi có những góp ý cho tờ tạp chí. Nhưng do trang báo có hạn, tôi chỉ tinh lọc một số góp ý cho phóng viên – lực lượng “chiến đấu” thường trực trên “miền nhựa trắng”.

Thứ nhất, hãy không ngừng nâng cao trình độ nhận thức và khả năng viết lách thông qua học tập theo như tinh thần của Lênin: “Học, học nữa, học mãi!”. Học qua tài liệu, qua đồng nghiệp, qua những tài năng, qua cả những tầm thấp, bởi ở đấy vẫn có những cái hay dù hiếm hoi, để học. Có thế mới thích nghi, mới sâu sắc trong nhận thức, mới làm mềm mại được những xù xì gai góc của cuộc sống qua ngòi bút của mình – để đạt mục đích cuối cùng là có được những tác phẩm báo chí giá trị.

Thứ hai, cần dành thời gian để tìm hiểu sâu hơn nơi các đối tượng. Bởi có thâm nhập sâu, có lặn lội đến chơi nhà công nhân mới hiểu thấu đáo tâm tư nguyện vọng, cùng những góp ý vào bước phát triển ngành của công nhân mình. Góp ý của bà con có thể nhỏ, nhưng nhiều cái nhỏ góp nhặt lại cho giá trị lớn. Đến với công nhân, rất cần tránh những hời hợt, cho có. Tôi nhớ có lần đến tận nhà để viết về một gương điển hình trong làm kinh tế gia đình, mỗi năm có thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng ở Nông trường Phú Riềng Đỏ (Phú Riềng).

PV Văn Vĩnh (bìa phải) tác nghiệp trên vườn cây những ngày đầu tiên làm việc tại Tạp chí Cao su VN.
PV Văn Vĩnh (bìa phải) tác nghiệp trên vườn cây trong những ngày đầu tiên làm việc tại Tạp chí Cao su VN.

Chị Hoàng Thị Chín tiếp tôi và tâm sự về chuyện nghề, chuyện kinh tế phụ rất chân thành, rồi chị còn dắt tôi ra tận vườn cao su tiểu điền 3 năm tuổi của gia đình được trồng xen đậu xanh lên mát mắt. Cái quý là chị sẵn lòng truyền đạt cách làm sao để có thể có hiệu quả nhất trong làm kinh tế phụ. Tôi cùng chị say sưa trao đổi đến gần hết một buổi chiều. Chị nói vui: “Anh hỏi nhiều thật đấy, chả bù với trước đây tôi từng tiếp một nhà báo. Ảnh chỉ hỏi qua loa năm ba phút rồi về, sau đó cũng chẳng thấy bài được đăng trên báo!”. Bạn ơi, ngoài tìm hiểu kỹ cũng cần giữ uy tín. Đã trao đổi, phỏng vấn thì phải có bài đăng. Với tôi, sau khi báo đăng bài, tôi đều cẩn thận gởi đến cho đối tượng của mình một cuốn.

Thứ ba, trong làm nghề, phóng viên rất thường được đãi… nhậu! Điều này không cấm, nhưng chúng ta nên vừa vừa phải phải, tránh sa đà, dễ dẫn tới mất tư cách, mất cơ hội thu thập thông tin và lãng phí thời gian trong tác nghiệp. Còn nhớ vào năm 1986 tại Công ty Cao su Phú Riềng, tôi đã rất vinh dự được gặp bác Nguyễn Mạnh Hồng (khi ấy đã ngoài 80 tuổi), nguyên là một phu công tra từ quê nhà Hà Nội vào thăm lại Đồn điền Phú Riềng xưa.

Bác Nguyễn Mạnh Hồng là một trong 6 Đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, là một nhân chứng sống của phong trào công nhân vùng lên đấu tranh ở Phú Riềng Đỏ năm 1930. Hôm đó, sau một ngày làm việc vất vả, nhóm phóng viên được công ty mời chút rượu bia, tôi đã xin không đi để dành thời gian gặp bác Hồng. Qua hơn tiếng đồng hồ trao đổi cùng bác, tôi đã có được nhiều tư liệu quý, sau đó viết được nhiều bài có tính độc quyền về sự kiện Phú Riềng Đỏ từ nhân chứng sống lịch sử này. Nếu mà hôm đó tôi ngồi vào chiếu rượu, thì đã bỏ mất một cơ hội thu thập thô.

Tôi xin kết thúc bài viết này bằng suy nghĩ: Phóng viên chúng ta phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để hun đúc tài năng và tâm huyết, phấn đấu cống hiến hơn nữa để xứng đáng với sự tin yêu, tình nghĩa của bạn đọc, của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn mà “Khó khăn mấy thì tiết giảm các thứ khác chứ quyết không bỏ báo ngành!”.

Sáu Vườn Ươm