CSVN – Hơn 37 năm gắn bó với ngành cao su, đến khi nghỉ hưu vẫn miệt mài đi khắp nơi để hỗ trợ các đơn vị về lĩnh vực công nghiệp, chế biến trong lúc khó khăn khi giá thấp. Ông Đặng Quang Trung – Nguyên Trưởng Ban Công nghiệp VRG đã chia sẻ với PV Tạp chí Cao su VN về một số giải pháp thiết thực hỗ trợ các đơn vị vượt khó.
Sinh năm 1956 tại Nam Định, tháng 5/1979, sau khi tốt nghiệp loại ưu ngành Cơ Điện tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, ông Đặng Quang Trung được Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ NN & PTNT) phân công về công tác tại Ban Cơ điện – Chế biến của Tổng cục Cao su VN. “Lúc đó, tôi lần đầu tiên đặt chân vào miền Nam, không có kiến thức gì về cây cao su, lại nghe nói vào cao su khổ cực vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mới ra trường còn nhiều bỡ ngỡ, lại phải sống xa gia đình, lúc đó tôi hoang mang lắm.
Bù lại, tôi được các anh chị Tổng cục Cao su VN quý mến, hỗ trợ rất nhiều. Để có thêm kiến thức về cây cao su, năm 1980, tôi được bác Năm Vinh – Nguyên Tổng Cục phó Tổng cục Cao su VN cho đi thực tế tại Công ty Cao su Đồng Nai 1 năm. Năm 1982, tôi đi học về quản lý và chế biến cao su ở Liên Xô 6 tháng. Cuộc đời tôi gắn liền với cây cao su ròng rã 37 năm cho đến lúc tôi về hưu, vẫn hợp tác làm việc với các đơn vị về mảng công nghiệp, chế biến cao su” – ông Trung tâm sự.
Năm 2001, ông Trung giữ chức Phó Ban Quản lý Kỹ thuật VRG và tháng 4/2011, ông giữ chức Trưởng Ban Công nghiệp. Điều ông tâm đắc nhất là lãnh đạo VRG rất quan tâm về phát triển công nghiệp cao su -1 trong 4 nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho VRG. 1kg thành phẩm làm từ nguyên liệu cao su có giá trị gấp nhiều lần so với 1kg cao su nguyên liệu xuất khẩu, bên cạnh đó còn tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. VRG đã sản xuất được những loại mủ đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là do lợi thế của VRG là đại điền nên đã sản xuất được những loại mủ SVR 3L, CV 50, CV60, latex… với chất lượng cao. Về thiết bị và công nghệ chế biến cao su, ngày trước phải nhập toàn bộ của Westfalia (Đức), Alfalaval (Thụy Điển), Ý, Malaysia…
Nhưng bây giờ Công ty CP Cơ khí Cao su đã chế tạo toàn bộ các thiết bị từ dây chuyền mủ khối đạt tiêu chuẩn TCVN – 3769:2004, vừa cung cấp cho các đơn vị cao su trong nước, vừa xuất khẩu sang Malaysia, Myanmar… “Tôi mong rằng trong thời gian tới, VRG sẽ có những chính sách phù hợp để thu hút các nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực công nghiệp cao su. Song song đó, VRG cần liên doanh với những hãng sản xuất lốp xe uy tín trên thế giới để mua công nghệ theo kịp các nước trong khu vực và thế giới theo đúng lộ trình phát triển.
Vì theo lộ trình phát triển về lĩnh vực công nghiệp chế biến cao su của VRG thì từ năm 2015 – 2020: phát triển công nghiệp nhẹ (găng tay, sợi chỉ thun, nệm mút…). Từ 2021 – 2030: phát triển công nghiệp nặng bằng cách liên doanh với những nhà sản xuất lớn có uy tín về thương hiệu như Goodyaer Tires để mua công nghệ sản xuất vỏ ruột xe hơi” – ông Trung cho biết.
Chia sẻ về những khó khăn của các đơn vị ngành cao su, ông Trung trăn trở: “Với kinh nghiệm 37 năm công tác trong ngành cao su, theo tôi, trước tình hình giá cao su xuống thấp, VRG cần thực hiện tái cơ cấu theo lộ trình Chính phủ đã yêu cầu. Chỉ phát triển cao su ở những nơi có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng phù hợp. Đẩy mạnh giảm suất đầu tư nông nghiệp, đưa cơ giới vào trong công tác trồng mới và chăm sóc cao su để giảm bớt công lao động. Giảm suất đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, nhất là phần xây dựng (điều này đã có nhiều đơn vị phản ánh, vì vậy, chỉ nên tập trung vào những khâu quan trọng như: thiết bị và công nghệ).
Giảm bớt chi phí chế biến xuống dưới 3 triệu đồng/tấn. Áp dụng triệt để sản xuất sạch, giảm sử dụng hóa chất trong chế biến mủ Skim Lock… Chất lượng cao su của VRG đạt tiêu chuẩn TCVN – 3769:2004, ngang bằng với cao su quốc tế. Nhưng hiện nay cao su tiểu điền chiếm gần 70%. Do vậy VRG, Hiệp hội Cao su VN cần phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng tốt thương hiệu Cao su VN, để Cao su VN có uy tín ngang bằng với cao su các nước trong khu vực, thì mới tiêu thụ được dễ dàng và có giá bán ngang bằng với các nước trong khu vực”.
Ngọc Cẩm (ghi)
Related posts:
- Kiều Đình Thỏa: "cây sáng kiến" tại cao su Tân Biên
- Nhiệt huyết của một Đảng viên trẻ
- Lò Thị Nết - gương mẫu, tận tụy với công việc
- Bà con Việt kiều tại Biển Hồ: Ổn định cuộc sống khi về với cao su
- "Em ơi, anh đã về"
- Gia đình 3 thế hệ xây dựng tương lai bằng nghề cao su
- Người tổ trưởng "số đỏ"
- Còn sức khỏe là còn gắn bó
- Đội ngũ công nhân cao su ra đời
- Vợ chồng thợ giỏi đồng hành trên mọi nẻo đường