30 năm làm cán bộ Công đoàn

CSVN – 30 năm là cán bộ Công đoàn, trong đó 20 năm trên cương vị Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, ông Nguyễn Đức Luật chính là nhân chứng sống trong sự hình thành và phát triển của Công ty Mang Yang, cũng như chứng kiến những gian lao khó nhọc của người công nhân, nơi vùng đất được mệnh danh cao su trên “cổng trời”.
 Ông Nguyễn Đức Luật tặng quà cho công nhân nghèo nhân dịp Tết cổ truyền
Ông Nguyễn Đức Luật tặng quà cho công nhân nghèo nhân dịp Tết cổ truyền
Thấu hiểu nỗi cực nhọc của người công nhân

Nghỉ hưu năm 2014, nhưng ông vẫn luôn hướng về người công nhân mỗi khi chúng tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc. Ông chia sẻ: “Với tinh thần hết lòng với nghề, yêu công việc, tôi luôn đồng hành cùng người công nhân, bởi nhờ gắn bó nên tôi rất thấu hiểu nỗi cực nhọc của người công nhân”.

Theo như lời ông Luật kể: Năm 1984 được nhận vào công tác tại Công ty Cao su Mang Yang, ông đã trải qua tất cả những phần việc của một người công nhân. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo công ty, ông được cử đi học lớp Công đoàn và trở thành cán bộ Công đoàn từ năm 1985. Đến năm 1987 ông chính thức được Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai – Kon Tum công nhận là cán bộ Công đoàn chuyên trách.

Trên cương vị này, ông đã nỗ lực hết mình vì người lao động, không quản ngại gian khó, tận tâm với công việc nên được lãnh đạo tin tưởng, công nhân quý mến bầu làm Chủ tịch Công đoàn Công ty Cao su Mang Yang từ năm 1994 đến khi nghỉ hưu vào năm 2014.

Không thể thành công nếu không có người tâm huyết với nghề

Nhớ lại quãng thời gian 30 năm làm việc, ông hồi tưởng:“Giai đoạn làm tôi trăn trở, suy nghĩ nhiều nhất là từ năm 1998 – 2000. Lúc này giá cao su còn thấp hơn giá thành, công nhân xin nghỉ hàng loạt, thậm chí cả những Đảng viên có thâm niên, trình độ… Giai đoạn ấy người công nhân thật sự khó khăn, tư tưởng dao động rất lớn. Trên cương vị Chủ tịch Công đoàn, tôi luôn giữ vững lập trường tư tưởng hướng về người lao động, tìm mọi cách giữ chân họ, tuyên truyền và vận động để họ nhận thức vấn đề. Những lúc như thế mới thấy vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn”.

Rồi ông tâm đắc chia sẻ: “Thời bấy giờ, người lao động nói chung và công nhân nói riêng xuất phát điểm rất thấp, sự chênh lệch khá lớn về trình độ nhận thức, do vậy rất khó khăn để công ty thực hiện công tác huấn luyện, đào tạo tay nghề theo tác phong công nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó đã có tổ chức Công đoàn với những con người hết lòng vì nhiệm vụ, chúng tôi đã từng bước tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cây cao su để người dân từng bước làm quen, kể cả người dân tộc thiểu số. Tôi cho rằng, giai đoạn đó không có những con người tâm huyết với nghề nghiệp, với công việc thì không thể thành công, không thể có lực lượng lao động lành nghề và có trình độ như ngày hôm nay”.

Tin tưởng và hy vọng

Hiện nay, giá bán mủ cao su đang ở mức thấp, người công nhân đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng so sánh với mặt bằng chung của xã hội trên địa bàn thì công nhân cao su vẫn có được cuộc sống ổn định, thậm chí có những gia đình khá giả với kinh tế gia đình từ cà phê, hồ tiêu và mô hình kinh tế khác.

Chính vì thế, ông Luật tin tưởng và hy vọng: “Trong những năm tới, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của VRG, của Đảng ủy, Ban TGĐ Công ty Mang Yang sẽ từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách đưa công ty phát triển, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của người công nhân. Đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân trên địa bàn”.

“Để làm được điều này, theo tôi công ty cần xây dựng đơn vị một cách đồng bộ hơn, nhất là cơ cấu bộ giống cần tốt hơn, năng suất hơn và thuần hơn nhưng cũng phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của tiểu vùng. Cùng với đó là tích cực thâm canh vườn cây, tính toán và nghiên cứu để có thể sử dụng đất một cách có hiệu quả hơn, có như thế năng suất lao động và đời sống người công nhân mới mong cải thiện”, ông trăn trở.

Bài, ảnh: Văn Vĩnh