Phát huy truyền thống và sức trẻ, ngành sẽ vượt qua khó khăn

CSVN – Gần 40 năm làm việc và cống hiến trong ngành cao su, kinh qua nhiều công việc, chức vụ, đơn vị công tác khác nhau, nguyên Phó TGĐ VRG Nguyễn Hồng Phú chứng kiến ít nhất 3 lần ngành cao su rơi vào khó khăn. Ông từng giữ chức vụ Bí Thư Đoàn Thanh niên – Tổng Công ty Cao su VN, nên tin rằng với truyền thống, bản lĩnh và sức trẻ của thanh niên, VRG sẽ sớm vượt qua khó khăn hiện nay.
Phó TGĐ Nguyễn Hồng Phú trong chuyến công tác  tại Công ty CPCS Điện Biên. Ảnh: Tùng Châu
Phó TGĐ Nguyễn Hồng Phú trong chuyến công tác tại Công ty CPCS Điện Biên. Ảnh: Tùng Châu
Trưởng thành từ phong trào thanh niên

Nguyên Phó TGĐ Nguyễn Hồng Phú cho rằng, hiện nay hệ thống tổ chức Đoàn TN VRG đã hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ Đoàn đã trưởng thành do được học tập và đào tạo bài bản, có bản lĩnh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Những hoạt động của Đoàn đóng góp rất thiết thực trong các phong trào lao động sản xuất, cũng như đời sống của toàn Tập đoàn nói chung và từng đơn vị nói riêng.

“Trong những lúc điều kiện kinh tế – xã hội có nhiều biến động, không có lợi cho hoạt động SXKD từng công ty, đơn vị như hiện nay, anh em đoàn viên thanh niên (ĐVTN) phải nêu cao tinh thần trách nhiệm; kiên trì bám trụ trên các cương vị lao động sản xuất; tinh thần không nao núng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để cùng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta có lợi thế, phần lớn CB.CNVC-LĐ của Tập đoàn trong tuổi thanh niên. Đây là lực lượng nòng cốt, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất kinh doanh. Vì thế, thanh niên hãy mạnh dạn phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để giảm nhẹ sức lao động, nâng cao hiệu quả làm việc”, ông Phú bày tỏ.

Ngoài ra, ông Phú còn khẳng định, với bề dày truyền thống, lòng quyết tâm, kinh nghiệm, bản lĩnh cùng tinh thần muốn được cống hiến của người trẻ, tuổi trẻ VRG sẽ làm được và làm tốt vai trò của mình. “Thực tế cho thấy, trong phong trào CLB 2 tấn/ha của Tập đoàn, nhiều năm qua đi đầu luôn là lực lượng thanh niên. Cụ thể hơn, đội ngũ kế cận lãnh đạo từ Tập đoàn đến các công ty, hiện nay có nhiều người trưởng thành từ phong trào thanh niên”, ông Phú dẫn chứng.

Triệt để tiết kiệm để vượt qua khó khăn

Trò chuyện cùng chúng tôi, nguyên Phó TGĐ Nguyễn Hồng Phú cho biết gần 40 năm làm việc trong ngành cao su, chứng kiến 3 lần ngành rơi vào khó khăn do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, giá cao su tụt giảm. Mỗi lần, thời gian kéo dài khoảng 3 đến 5 năm, rồi lần nào ngành cũng khắc phục và vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, lần này ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế gây khó khăn nặng nề đến hoạt động SXKD, doanh thu, lợi nhuận và tiền lương, đời sống người lao động.

Đối phó tình hình đó, với kinh nghiệm và truyền thống của ngành, không còn cách nào khác, chúng ta phải tích cực tiết kiệm các khoản chi phí đầu tư trên mỗi hecta, làm sao chi phí đầu tư giảm đi nhiều nhất có thể. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất, cải tiến máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để năng suất vườn cây, năng suất lao động cao nhất, sản phẩm làm ra với giá thành thấp nhất.

“Hai năm qua, để ứng phó với khủng hoảng, Tập đoàn đã có chủ trương tiết giảm suất đầu tư, hạ giá thành sản phẩm. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, sát thực với ngành lúc khó khăn và được các công ty, đơn vị triển khai thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, một mặt chúng ta tiết kiệm để giảm chi phí, đảm bảo hiệu quả đầu tư, lợi nhuận, một mặt phải cố gắng duy trì được đời sống, đảm bảo thu nhập để ổn định cuộc sống người lao động. Được như vậy, CNLĐ mới an tâm gắn bó công ty, vườn cây, nhà máy, nếu chúng ta không quan tâm đến nơi, đến chốn, khi sản xuất phục hồi trở lại, việc vận hành sẽ khó khăn do thiếu người làm.

Với tình hình chính trị, kinh tế thế giới hiện nay, nhất là giá dầu được cải thiện, có xu hướng đi lên trong những ngày qua, tôi tin rằng từ cuối năm 2016 trở đi ngành cao su sẽ tốt hơn do giá phục hồi trở lại”, ông Phú phân tích.

Phan Thắng