Quan tâm, chăm lo nhiều hơn để giữ chân người lao động

CSVN – Đây là một trong những giải pháp được ông Trần Văn Rạnh – Nguyên Phó TGĐ Công ty CPCS Tây Ninh đề xuất, nhằm ứng phó tình trạng biến động lao động tại các doanh nghiệp cao su hiện nay.
Ông Trần Văn Rạnh (bên trái) cùng lãnh đạo VRG trong một chuyến công tác tại Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam năm 2012
Ông Trần Văn Rạnh (bên trái) cùng lãnh đạo VRG trong một chuyến công tác tại Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam năm 2012

Ông Rạnh cho rằng, xu hướng chuyển dịch lực lượng lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ là tất yếu. Vấn đề này dẫn đến khủng hoảng về lao động, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành cao su.

Theo ông, đâu là giải pháp khả thi giúp các CTCS vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh CNLĐ có xu hướng nghỉ việc ngày càng nhiều?

Ông Trần Văn Rạnh: Theo quan điểm của tôi, các CTCS cần tập trung thực hiện tốt một số việc sau đây:

Thứ nhất, với người lao động (NLĐ) phải có chính sách quan tâm nhiều hơn nữa. Quan tâm trước nhất về mặt đời sống vật chất, thu nhập, với mức hợp lý. Trong điều kiện giá cao su như hiện nay là điều không đơn giản, nhưng không có nghĩa không làm được. Ngoài ra, cố gắng đảm bảo được đời sống tinh thần, các chế độ chính sách cho NLĐ.

Thứ hai, phải nâng cao năng suất vườn cây lên hơn nữa. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, khai thác cũng nên tiếp tục đầu tư để làm sao có được vườn cây tốt, năng suất cao mới đảm bảo hiệu quả SXKD.

Thứ ba, trong điều kiện khó khăn phải chú trọng tiết giảm suất đầu tư. Đẩy mạnh sử dụng cơ giới hóa để tiết giảm công lao động, góp phần giảm chi phí đầu tư. Đối với vườn cây kinh doanh có thể ngưng hoặc không bón phân vài vụ cũng không ảnh hưởng lớn. Nhưng với vườn cây KTCB phải được chăm sóc đầy đủ, tạo tiền đề tốt để có vườn cây đạt năng suất, sản lượng cao sau này.

Thứ tư, trong công tác chế biến, đầu tư để có sản phẩm tốt, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tránh phụ thuộc nhiều vào một thị trường xuất khẩu dễ bị ép giá.

Thứ năm, trong công tác quản lý cần phải thực hiện kỹ hơn, chặt chẽ hơn để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Đến nay, nhìn chung bộ máy quản lý tại các công ty vẫn còn rất cồng kềnh, làm tăng chi phí quản lý, cần phải tinh gọn lại…

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất có ý nghĩa như thế nào với các doanh nghiệp cao su trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Trần Văn Rạnh: Xuất phát từ thực tiễn sản xuất, việc áp dụng các sáng kiến, sáng tạo, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giải quyết bài toán thiếu hụt lao động diễn ra gay gắt trong thời gian tới. Đồng thời, việc áp dụng những tiến bộ mới còn góp phần giữ vững được sự ổn định về sản lượng, năng suất vườn cây.

Hiện nay, các CTCS đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong vấn đề thiếu hụt lao động. Việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường cơ giới hóa vào vườn cây để cho năng suất tốt nhất, giảm dần sử dụng lao động cơ bắp là xu thế tất yếu phải thực hiện. Một vùng xa xôi như Tây Ninh, đến nay cũng đã xuất hiện nhiều khu công nghiệp, có rất nhiều nhà máy mọc lên, thu hút lực lượng lao động rất lớn. Xu hướng thoát ly lao động nông nghiệp, nhất là trong ngành cao su sẽ còn biến động trong thời gian tới.

Xã hội ngày càng phát triển, việc ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giải quyết lao động là một xu thế tất yếu phải làm. Trong nông nghiệp, như sản xuất lúa gạo chẳng hạn, từ sản xuất thủ công đến nay tất cả các công đoạn sản xuất đều sử dụng máy móc, cơ giới hóa.

Nhưng với cây cao su, hơn 100 năm có mặt tại VN, phương thức khai thác không có sự thay đổi lớn. Từ đời cha ông đến nay, khi làm việc trên lô, công nhân vẫn mang bên mình con dao và chiếc thùng. Nghĩa là chưa có công cụ thay thế con người trong công việc cạo mủ, vẫn là lao động thủ công. Đây là vấn đề nan giải, khiến chúng ta phải trăn trở suy nghĩ.

Xin cảm ơn ông!

Phan Thắng (thực hiện)