CSVN – Năm 1890, tức là chỉ 2 năm sau khi ban hành Nghị định thành lập các đồn điền trên đất “vô chủ”, trong cả nước, bọn thực dân đã chiếm được 10.900 hécta, đến năm 1900, số ruộng đất mà chúng chiếm được lên tới 301.000 hécta và đến năm 1912 là 470.000 hécta, trong đó ở Nam Kỳ là 308.000 hécta, Trung Kỳ 26.000 hécta và Bắc Kỳ 136.000 hécta.
Một loạt những tên địa chủ người Pháp xuất hiện ở Nam Kỳ như Pôn Ê-mơ-ry (Paul Emery), La-ba (Labat), Pô-nông-đô (Pomndo) và Li-ca (Like), mỗi tên chiếm được từ 20.000 hécta đất cấy lúa.
Phương thức kinh doanh của chúng ở các đồn điền chủ yếu vẫn là phát canh thu tô theo lối bóc lột phong kiến. Đờ La-nét-xăng (De Lanessan) đã hết lời ca ngợi phương thức kinh doanh ấy. Y nói: “Chế độ canh tác có lợi về mặt kinh tế nhất và là một chế độ chắc chắn nhất cho việc trồng trọt các loại cây cơ bản cũng như các loại cây công nghiệp… là chế độ phát canh thu tô. Nó giảm được một phần vô cùng lớn những chi phí chung và những chi phí về việc giám sát của các nhà thực dân người Âu, những chi phí này ở thuộc địa lại lớn hơn rất nhiều so với ở nước Pháp”…
Trong bối cảnh chính sách khai thác nông nghiệp nói trên của thực dân Pháp, ngành khai thác cao su ra đời.
Ngành khai thác cao su ở Việt Nam ra đời trước tiên và chủ yếu là ở Nam Kỳ đi đôi với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương của thực dân Pháp bắt đầu từ năm 1897.
Ngay khi mới đặt chân lên đất Nam Kỳ, thực dân Pháp đã nhận thấy ngay những điều kiện khí hậu nhiệt đới và chất đất đỏ, xám của miền Đông Nam bộ rất thích hợp với cây cao su, nên đã có ý định xây dựng ngành khai thác cao su ở đây từ rất sớm. Năm 1877, một người Pháp tên là Pi-e (Pierre) mang hạt giống cây cao su từ Xanh-ga-po (Singapore) về, lập vườn ươm thử ở vườn Bách thảo Sài Gòn, nhưng không cây nào sống được. Đến năm 1879, toàn quyền Pôn Đu- me (Paul Doumer) cho lập hai trung tâm nghiên cứu thí nghiệm cây cao su: một, ở vườn thí nghiệm Ông Yêm Thủ Dầu Một do một dược sĩ người Pháp tên là Ra-un (Raul) phụ trách và một, ở Suối Dầu (Nha Trang) do Bác sĩ Yéc-xanh (Yersin) trông nom. Năm 1897, Ra-un lại đem hạt giống cao su và cây cao su con từ đảo Gia-va (Java) về trồng, và cùng thời gian đó, Yéc- xanh cũng nhân được cây giống. Cả hai trại thí nghiệm này đều thành công.
Sau khi trồng thử nghiệm thành công, bọn tư bản Pháp đã hùn vốn thành lập một số công ty để chuẩn bị khai thác đồn điền cao su. Các công ty ấy gồm có: Công ty cao su Đồng Nai tức Công ty kỹ nghệ và rừng Biên Hòa trước kia, được thành lập vào năm 1908, trụ sở đóng tại Pa-ri. Đối tượng của công ty này là khai thác đồn điền cây cao su, cây có dầu và nứa ở Đông Dương. Số vốn ban đầu là 500.000 phơ-răng, gồm 5 nghìn cổ phần, mỗi cổ phần 100 phơ-răng. Năm 1911, số vốn tăng lên thành 2 triệu phơ-răng, năm 1919: 6 triệu phơ-răng. Trong các năm 1914-1918, công ty tập trung khai phá rừng vùng Trảng Bom, Cây Gáo, Túc Trưng và vùng sau này gọi là Chiến khu Đ.
Công ty đồn điền Đất Đỏ (Plantations des terres rouges) thành lập năm 1910, trụ sở đóng tại Sài Gòn. Chủ công ty là một viên toàn quyền Pháp làm việc ở Hà Nội. Đối tượng của nó là khai thác các đồn điền cao su ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa. Số vốn ban đầu là 2.300.000 phơ-răng, gồm 23.000 cổ phần, mỗi cổ phần 100 phơ-răng. Năm 1923, số vốn tăng lên tới 36 triệu phơ-răng, năm 1925: 46 triệu, năm 1935: 110 triệu, công ty này có phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu cây cao su đặt tại bàu Ông Yêm, huyện Tân Uyên, tỉnh Thủ Dầu Một cũ.
Công ty cao su Viễn Đông (Société de Caoutchoueã d’Extrêne-Orient), tên thường gọi là Công ty CEXO thành lập năm 1910, trụ sở đặt tại Pa-ri. Chủ là Đờ Lalăng người Pháp. Đối tượng của nó là khẩn hoang và canh tác đất đai ở Viễn Đông, đặc biệt là ở Đông Dương và chủ yếu trồng cây cao su: Số vốn ban đầu là 1.500.000 phơ-răng, gồm 15 nghìn cổ phần, mỗi cổ phần 100 phơ-răng. Sau đó vốn ngày một tăng lên: 1912: 4 triệu 5 trăm ngàn phơ-răng, 1917: 6 triệu phơ- răng, 1920: 8 triệu, 1934: 28 triệu….
Xem tiếp kỳ sau: Các công ty cao su mở rộng diện tích
CSVN
(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)
Related posts:
- Nữ công nhân cao su ưu tú giúp chị em phát triển kinh tế gia đình
- Trần Văn Diệu: "Công việc cạo mủ với tôi là đam mê"
- "Xuân này anh không về"
- Trần Hữu Tâm – Gương sáng cải tiến kỹ thuật
- Tô thắm màu xanh tình hữu nghị vững bền
- Kỹ sư trẻ đam mê nghiên cứu khoa học
- Tự hào truyền thống 47 năm Cao su Lộc Ninh
- Tăng thu nhập từ trồng tiêu
- Đọc “Chuyện nghề”, nghĩ về truyền thống
- Cuộc hội ngộ 40 năm