CSVN – Gia đình anh Nguyễn Văn Mừng, chị Phạm Thị Phượng (Công nhân khai thác Đội 18, Tổ 1, Nông trường Xa Cam, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long) có 0,5 ha tiêu, với hơn 600 gốc tiêu. Diện tích ít, nhưng nhờ chăm sóc tốt nên vườn tiêu của gia đình anh chị luôn xanh tốt, cho năng suất cao, đem lại nguồn thu lớn cho gia đình (mỗi năm gần 150 triệu đồng).
Vợ chồng đồng lòng…
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Mừng, chị Phạm Thị Phượng sinh ra và lớn lên ở một huyện nghèo vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Bình. Năm 2000, sau khi kết hôn, anh chị khăn gói vào vùng đất Bình Long màu mỡ với hy vọng con cái sẽ có cuộc sống ấm no. Năm 2001, anh chị vào làm công nhân tại Tổ 1, Nông trường Cao su Xa Cam. Với bản tính cần kiệm, bảy năm sau anh chị đã dành dụm và mua mảnh đất gần 100m2, xây dựng căn nhà khang trang. An cư lạc nghiệp, vài năm sau đó, anh chị mua thêm mảnh đất để trồng tiêu, tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Lê Hồng Phan – Chủ tịch Công đoàn Nông trường Xa Cam, nhận xét: “Gia đình anh Mừng, chị Phượng là hình mẫu gia đình tiêu biểu của ngành cao su năm 2015 được Công đoàn Cao su VN vinh danh. Với bản chất cần cù, chịu thương chịu khó, anh Mừng, chị Phượng đều là công nhân vượt kế hoạch nhiều năm liền, nuôi dạy hai con ngoan học giỏi, hơn thế nữa, trong lúc cao su giá thấp như hiện nay, tiền lương CBVC LĐ bị giảm sút, anh chị không ngừng động viên đồng nghiệp gắn bó với cây cao su, phát huy kinh tế phụ gia đình để tăng thu nhập”.
… không ngại gian khó
Với kinh nghiệm trồng tiêu nhiều năm qua, anh Mừng cho biết: “Dù diện tích rất ít, chỉ có 0,5ha, nhưng nhờ trồng và chăm sóc tốt, mỗi năm chúng tôi thu được gần 150 triệu đồng”. Cây tiêu khỏe thì mới đề kháng được bệnh và cho năng suất cao. Vì vậy, quá trình chăm sóc cây tiêu được anh đặc biệt chú trọng. Nếu như phần lớn các gia đình chỉ cày xới đất trồng tiêu có độ sâu từ 30 – 40cm, thì vườn tiêu của anh được cày xới với độ sâu 70cm, để không bị trơ rễ và mùa khô cây tiêu giữ ẩm tốt hơn. Theo anh Mừng, đất mới trồng tiêu 1, 2 vụ thường ít bị bệnh do các mầm bệnh đang trong thời kỳ “ngủ đông”, có điều kiện là bùng phát. Để phòng chống, tốt nhất là xịt thuốc chống rầy, chống nấm thường xuyên; vườn tiêu phải thoát nước tốt, không để ngập úng. Vào mùa khô, giữ ẩm cho vườn bằng cách phủ lá cao su.
Chị Phượng chia sẻ: “Làm việc gì dù lớn hay nhỏ hai vợ chồng cũng đều bàn bạc với nhau và quyết tâm thực hiện. Thấy nhiều anh chị em công nhân cao su buồn khi giá mủ thấp, tiền lương giảm, chúng tôi quyết tâm tiết kiệm, tăng gia sản xuất, trồng thêm hoa màu cải thiện bữa ăn gia đình. Nhờ cây cao su mà vợ chồng chúng tôi có được cuộc sống hôm nay, chúng tôi quyết tâm gắn bó với cây cao su”.
Trần Huỳnh
Related posts:
- "Một ngày còn làm công nhân vẫn hết lòng với nghề"
- Quyết tâm đưa đơn vị trở thành lá cờ đầu của Nông trường
- Kết quả Cuộc thi viết “Chuyện nghề”
- Tấm gương nữ Đảng viên trẻ học và làm theo Bác
- Làm kinh tế gia đình giỏi để bám trụ với nghề
- Trần Duy Dương - thanh niên công nhân giỏi làm kinh tế
- Tuổi trẻ phải giữ vững lập trường
- "Tập đoàn đã đi đúng hướng"
- “Đừng quay lưng với ngành trong khó khăn”
- Người anh thần tượng của thanh niên