CSVN – Mặc dù đã nghỉ hưu 12 năm nay, nhưng hằng ngày bà Nguyễn Thị Tý – nguyên công nhân (CN) NT Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh, vẫn gắn bó trên vườn cây cao su. Bà bảo làm CN cao su giống như “cái nghiệp” rồi, ngày nào không ra vườn thì thấy nhớ.
“Khi đã yêu thì thấy nhớ lắm”
Trong căn nhà nhỏ, đơn sơ, nằm nép mình dưới những tán cao su xanh mát tại Làng 2, xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), ở tuổi 62, bà Nguyễn Thị Tý vẫn thoăn thoắt với công việc nhà. Thời điểm chúng tôi ghé thăm cũng là lúc bà đang chuẩn bị bữa trưa cho gia đình. “Tôi vừa ở ngoài lô phụ con bóc mủ về, giờ đang chuẩn bị nấu ăn cho cả nhà đây”, bà Tý nhanh nhảu.
Rót chén nước mời khách, bà nói: “Nghỉ hưu rồi nhưng tui vẫn đi làm phụ con cái. Mình còn sức khỏe thì còn động tay, động chân chứ ngồi một chỗ tui chịu không được, ở không buồn lắm”. “Sao bác không nghỉ ngơi cho khỏe, ra vườn cây làm gì cho mệt tuổi già”, chúng tôi đùa hỏi. “Cái công việc này tui làm quen từ nhỏ rồi, chẳng có gì vất vả cả. Làm hoài nên thấy yêu luôn, ngày nào không ra vườn cây thấy nhớ lắm”, bà dí dỏm trả lời.
Nói rồi, bà Tý kể, cả bốn thế hệ nhà bà đều gắn bó với cây cao su. Đời ông nội, đời ba làm công tra cho Pháp, đến đời bà và con bà vẫn gắn bó với cây cao su. “Tôi có 3 người con thì hiện nay 2 đứa là Mai Văn Thái và Mai Thị Hồng đang làm CN tại đội C2, NT Bến Củi. Chắc sau này tôi cũng hướng mấy đứa cháu đi làm cao su. So với thời cha ông và tôi làm cao su, thì thời bây giờ đời sống CN đã khấm khá lên nhiều rồi”, bà chia sẻ.
Theo lời kể của bà Tý, 13 tuổi bà đã ra vườn cao su phụ giúp việc nên thành thạo công việc cạo mủ từ rất sớm. 16 tuổi bà đi làm CN cho hãng Ship, sau giải phóng tiếp tục làm việc tại Bến Củi. Lúc đó, đời sống CN rất khó khăn, đi làm gạo không đủ ăn, phải ăn độn khoai, củ mì, bắp. Đến chiếc xe đạp cũng không có để đi, mỗi ngày phải gánh đôi thùng mủ nặng trĩu đi hàng cây số mới đến điểm giao mủ.
“Bây giờ anh em CN sung sướng hơn thời tôi nhiều rồi, đi cạo có xe máy chạy đến tận lô. Trút mủ có xe nhận tại vườn cây nên CN đỡ vất vả. Nói chung, điều kiện làm việc, thu nhập, đời sống, các chế độ chăm lo của CN đã thay đổi lớn. Là người gắn bó hơn 30 năm với cây cao su, chứng kiến những đổi mới đó tôi thấy vui lắm”, bà Tý bày tỏ.
Khuyên con cháu gắn bó với cao su
Bà Tý cho biết, sau khi nghỉ hưu, công việc hằng ngày của bà vẫn gắn bó với vườn cây. Lúc thì đi cạo phụ cho con tại nông trường, lúc thì đi cạo mướn cho các hộ tiểu điền quanh vùng. Gần 2 năm nay, do sức khỏe không còn đảm bảo nên bà chỉ đi phụ cho con trút mủ, bóc mủ. “Tiền lương hưu của tôi gần 4,2 triệu đồng/tháng, với số tiền này, một mình tôi có thể sống thoải mái không phải suy nghĩ gì nhiều. Nhưng tôi thấy mình vẫn còn khỏe, trong khi con cái còn khó khăn nên tranh thủ làm thêm để phụ giúp con cháu, đỡ được phần nào hay chừng đó”, bà tâm sự.
“Tôi vẫn thường hay nói với các con rằng, nhờ cây cao su mà 4 thế hệ gia đình mình ổn định cuộc sống. Dù có khó khăn, vất vả thế nào cũng cố gắng bám trụ với nghề, với nông trường để chăm lo cho gia đình. Làm CN cao su thì công việc ổn định, ngoài tiền lương mỗi tháng còn có các chế độ chính sách khác chăm lo mình sau này. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ khi gặp khó khăn. Mình gắn bó đến lúc nghỉ hưu, sau này có lương hưu cũng an tâm hơn”.
“Nếu thấy khó mà đi tìm công việc bên ngoài chưa chắc thu nhập đã cao mà còn bấp bênh nữa. Làm CN cao su gần nhà thì thuận lợi rất nhiều, thời gian rảnh rỗi có thể làm thêm, phát triển kinh tế gia đình, chăm lo con cái học hành. Còn làm công ty, xí nghiệp bên ngoài thì suốt ngày chôn chân trong xưởng, chế độ chính sách chưa chắc bằng làm cao su”, bà Tý phân tích.
Bài, ảnh: Bình Nguyên
Related posts:
- Đem tài năng, sức trẻ để cống hiến
- Rcom Bliu - Một cán bộ Đoàn năng động và nhiệt huyết
- Kiện tướng Hồ Đình Hùng: Hội thi nào cũng đạt giải!
- Tận tụy, sáng tạo trong lao động sản xuất
- Người công nhân nói ít, làm nhiều
- Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Tấm gương học và làm theo Bác
- Nhờ cố gắng đã về trước kế hoạch
- Cao su Đồng Nai (2/6/1975 - 2/6/2023): Phát huy truyền thống, vững vàng bước vào giai đoạn phát triể...
- “Khó ở đâu tháo gỡ ở đó”
- Tự tin phát huy tay nghề