Tô thắm màu xanh tình hữu nghị vững bền

CSVN – Chuyến đầu tiên “xuất ngoại” sang Kampong Thom của tôi, hành trang mang theo là câu chuyện đầy tính nhân văn của vị giám đốc một nông trường cao su tại nước bạn đối với những người công nhân xa quê không về ăn Tết, trong truyện ngắn “Giao thừa trắng” của Phát Dương đăng trên tờ Tạp chí Cao su VN Xuân năm 2018.
“Chị nuôi” Trần Thị Chơn đang nấu ăn.
“Chị nuôi” Trần Thị Chơn đang nấu ăn.
“Khi nào các anh cho nghỉ việc thì mới về…”

Không hiểu sao, đêm nay chúng tôi không ngủ được. Có lẽ, ngày mai phải xa nơi này để về phố, hay ánh trăng bàng bạc xuyên qua song cửa sổ, tiếng “lộp bộp” của những trái xoài chín rớt xuống đất, tiếng chim rừng gọi tìm nhau suốt đêm, gần sáng cũng đã khản giọng im bặt nhường chỗ cho tiếng cười nói của anh em trong khu tập thể công ty đi tập thể dục…

Khu nhà ăn tập thể công ty sáng đèn, rộn ràng tiếng nói cười, người quê Quảng Trị, người Đồng Tháp, kẻ ở Long An, Tiền Giang.. Ở đây, mỗi khi có “khách quý” từ Việt Nam sang, không có sự phân biệt về tuổi tác hay công việc, bếp chính hay phụ, mà tất cả anh em trong công ty đều trở thành “thợ nấu” đãi khách những món ăn “cây nhà lá vườn”.

Chị Trần Thị Chơn (50 tuổi – quê Đồng Tháp) vừa băm thịt chuẩn bị “món ruột” – cháo lòng “đặc sản” của Cao su Bà Rịa Kampong Thom. Nụ cười nồng ấm, giọng hào sảng chân chất của người miền Tây Nam bộ, chị bộc bạch: “Tui sang đây hơn hai năm rồi, lúc đầu sang thăm con gái làm việc ở công ty, nhưng hổng biết sao, xa thấy nhớ, về bển thấy thương anh em vất vả, chịu không đành… Thế là, ráng thu xếp việc nhà, sang bên này và xin mấy anh cho ở lại mần “chị nuôi” luôn”.

Được biết, biệt danh “chị nuôi” do anh em trong công ty đặt, gọi riết thành quen, mà theo chị: “Hổng biết từ lúc nào, tên cúng cơm của ba má đặt mất tiêu. Mà gọi như thế lại thấy gần gũi, thân mật, tui cũng thích anh em gọi bằng cái tên thân thương đó”. Ngoài ra chị còn có biệt danh Khánh Ly –Nếu ai một lần được nghe chị hát nhạc Trịnh, chất giọng nồng ấm, da diết làm tan chảy nỗi buồn của người xa quê vì nhiệm vụ, dư âm “Mây che trên đầu và nắng trên vai…” cứ lãng đãng, vang vọng trong rừng cao su…

Nghe chị kể về những ngày đầu làm “chị nuôi”, cũng là một quá trình gian nan, một sự “lột xác” thay đổi về phong tục tập quán, thay đổi cả khẩu vị vốn có của người miền Tây – món gì cũng bỏ đường. Khổ nỗi, anh em trong đơn vị hầu hết lại là người Quảng Trị, quen “chặt to kho mặn”. Vì vậy, những bữa ăn đầu, đồ ăn chị nấu đều “ế” và bị anh em chê “ngọt như chè”…

Có lúc cũng nản, chẳng lẽ lại bỏ cuộc… tối về, nhiều đêm nằm khóc một mình. Nhưng nhìn anh em vất vả nơi đất khách quê người, những ngày đi làm về mệt bả, chị nghĩ: Có tô canh ngon, chén cơm dẻo sẽ tiếp thêm năng lượng cho anh em trong công ty vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và sau mỗi lần bị “nhắc nhở” là chị lại có thêm “bí quyết” hoàn thiện món ăn, phù hợp khẩu vị của anh em người miền ngoài…Cứ thế, chị nuôi “lấy lòng” anh chị em khu tập thể công ty lúc nào không hay…

“Tui nghe ai đó nói rằng: “Con đường ngắn nhất chiếm được tình cảm của người khác đó là đi từ cái dạ dày”. Khó, nhưng mà mình làm được. Hổng làm được việc lớn lao, thì bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, cố gắng chu toàn bữa ăn cũng là cách để đóng góp công sức cho công ty hoàn thành nhiệm vụ”, chị chân thành chia sẻ. “Có lúc nào chị tính nghỉ việc

để về Việt Nam không” – Tôi hỏi. Chị cười quả quyết: “Hổng bao giờ, chỉ khi nào mấy anh trong công ty cho nghỉ việc, đuổi về thì tui mới về thôi”. Với chị, anh em trong công ty như đại gia đình thân thiết, không phân biệt vùng miền, tuổi tác, nghề nghiệp và địa vị. Anh em đến đây, trụ lại nơi này đều có chung một lý tưởng: Tô thắm màu xanh cao su của tình hữu nghị Việt –Cam bền vững.

Cuộc sống có ý nghĩa khi được cống hiến sức trẻ

Khác với “chị nuôi” – Khánh Ly, Danh Vàng Ngọc lại chọn Công ty CPCS Bà Rịa – Kampong Thom là điểm dừng chân để thử thách sức trẻ, bởi “Cuộc sống chỉ ý nghĩa khi người ta biết ước mơ và được cống hiến tài năng”.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang tháng 10/2014, “đang yên đang lành”  công  tác tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Gò Quao – Kiên Giang, năm 2016, nghe người chú làm việc tại Kampong Thom kể về một loại cây “lạ hoắc”, cuộc sống của người lao động trồng cao su tại vùng đất xa xôi… Khát khao muốn thử sức, muốn trải nghiệm là động lực thôi thúc anh lên đường.

Danh Vàng Ngọc đang khám bệnh cho công nhân.
Danh Vàng Ngọc đang khám bệnh cho công nhân.

Kể về những ngày đầu sang Kampong Thom, giọng Ngọc hơi chùng xuống: “Ngày mới sang đây, gặp muôn vàn khó khăn; Không có điện, thiếu nước sinh hoạt, đường giao thông chưa hoàn thiện, đời sống văn hóa thiếu thốn… Nhưng khó khăn lớn nhất đó là mỗi chiều về, nhớ nhà, nhớ người yêu tưởng chừng không chịu được. Đấu tranh tư tưởng hoài, cố nén nhớ nhung, lấy niềm vui từ công việc, trong thể thao, lại nhận được sự động viên, chỉ dẫn của mấy chú trong công ty, riết cũng quen dần”.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghề, đó là năm mới sang đây, mình đã xử lý và truyền dịch, chích thuốc cấp cứu kịp thời hai ca bị rắn độc cắn, cứu sống bệnh nhân”, Ngọc cười khoe “thành tích” với chúng tôi.

Đang kể về những ước mơ và khát vọng của người trẻ trên vùng đất mới, nào là muốn học thêm để nâng cao tay nghề, chọn vùng đất này để lập nghiệp, xin cho vợ chưa cưới vào làm trong công ty khi tốt nghiệp (Ngọc cho biết, người yêu hiện học năm cuối trường Quản trị kinh doanh tại TP. HCM – PV).   Câu chuyện dừng lại bởi có bệnh nhân, một cô gái

người bản địa bị say nắng trong ngày đầu học cạo, một nam công nhân đến xin thuốc vì “nhức đầu, xây xẩm mặt mày”. Nhìn những động tác nhanh nhẹn, đôi mắt đôn hậu, nụ cười tươi khi thăm khám, phát thuốc và dặn dò bệnh nhân, chúng tôi cũng phần nào yên tâm, nhận thấy được sự tin tưởng “lương y như mẹ hiền”của người lao động và gia thuộc của họ khi được thăm khám tại nơi đây.

Khi được hỏi những khó khăn trong công tác khám chữa bệnh, Ngọc như có dịp trải lòng và đề đạt nguyện vọng: “Trạm vẫn còn thiếu rất nhiều những trang thiết bị cần thiết cho công tác khám chữa bệnh ban đầu, như chưa có bình oxy, thiếu vacxin chó dại và thuốc cấp cứu khi bị rắn độc cắn. Với những ca bệnh thông thường thì trạm xử lý được, nhưng với những ca nặng phải chuyển bệnh lên tuyến trên nhưng phương tiện để chuyển viện cũng chưa có”.

Với sức trẻ và kinh nghiệm về nghề, thế mạnh biết hai thứ tiếng, đã giúp Ngọc nhanh chóng hòa nhập, khẳng định tay nghề ở vùng đất mới. Những trăn trở của y sĩ Ngọc cũng chính là của bất cứ ai có trách nhiệm với nghề, nhiệt huyết với ngành, với công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động của các đơn vị cao su nơi vùng sâu vùng xa.

Khi thực hiện bài viết này, cũng là lúc chúng tôi nhận được nhiều tin vui, “Con vừa cưới vợ, đang đợi xin vào làm tại công ty để vợ chồng được gần nhau, an tâm công tác và phát triển kinh tế gia đình. Hiện con cũng được đi học lớp cảm tình Đảng tại Bà Rịa, vui và tự hào lắm cô ơi!”, Ngọc gọi điện hồ hởi báo tin.

Nhìn tấm ảnh cô dâu và chú rể rạng rỡ, ngập tràn hạnh phúc, tay trong tay trong ngày cưới, trong tôi lâng lâng niềm vui. Ngày mai ở những vùng cao su xa xôi trên đất bạn, nơi ấy có tiếng bi bô của trẻ con, tiếng cười nói của những cặp vợ chồng trẻ trong khu tập thể ấm áp tình người. Và, tôi bỗng chợt nhớ lời chỉ đạo quyết liệt nhưng cũng đầy trăn trở của đ/c Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận tại buổi làm việc giao nhiệm vụ 6 tháng cuối năm với các đơn vị miền Đông Nam bộ: “Cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù để anh em xa quê yên tâm công tác. Tâm tư lắm, nhất là mỗi chiều về,… chia tay mà lòng nặng trĩu. ”.

NGUYỄN LÝ