Đọc “Chuyện nghề”, nghĩ về truyền thống

CSVN – Cuộc thi “Chuyện nghề” khép lại, những cung bậc cảm xúc, hoài niệm về nghề nghiệp của người công nhân cao su mở ra cho bạn đọc sự trải nghiệm mới mẻ, phong phú về nghề  khi ngày truyền thống ngành cao su đang đến rất gần, để ta thêm yêu và trân quý ngành nghề đã chọn.
Ảnh: Lê Hữu Dũng.
Ảnh: Lê Hữu Dũng.
Mỗi câu chuyện là một bài ca lao động

Có người đến với nghề như một cái duyênngày đầu tiên, khóc đẫm nước mắt mấy đêm liền, chỉ một thân một mình qua đến Lào, phận là con gái mới ra trường cái gì cũng mới lạ ”, để rồi “có gia đình 3 thế hệ cùng nhau làm, cha truyền con nối, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia”. Không phải ngẫu nhiên để có được tình cảm “đất lạ hóa quê hương”, mà họ phải “đi đường vòng”, quyết định chọn nơi dừng chân “để được sống chính mình”. Vì nơi đó có hoa thơm trái ngọt, điều kiện về đất đai có thể kết hợp làm vườn hoặc chăn nuôi được, cũng có thể nhận khoán vườn cây cao su đang thời kỳ kiến thiết cơ bản để trồng xen canh hoa màu, nâng cao thu nhập, dần ổn định và phát triển cuộc sống”…

Ngược dòng thời gian, về với những ngày đầu ươm mầm cho cây bén rễ, khép tán, đến khi dòng nhựa trắng tuôn chảy, đem đến cho người công nhân cuộc sống no đủ. Niềm vui như đi trong mơ lần đầu tiên, tôi mua được chiếc xe wave. Nhìn chiếc xe mới cứng, màu đỏ tươi, tôi giành cho vợ điều khiển… Nhìn vợ chạy chiếc xe được mua bằng tiền từ bàn tay lao động chân chính, từ cây cao su mà vui khôn tả”…

Rồi cả khi thấp thỏm lo âu bởi thời tiết bất thuận, khi giá mủ cao su xuống thấp, ảnh hưởng thu nhập của người công nhân cao su, khó khăn chồng chất khó khăn, người lao động trong ngành phải chắt chiu từng giọt mủ, tìm mọi giải pháp vượt khó, tăng năng suất, vượt sản lượng, động viên “khó khăn khắc phục mình ơi”, lạc quan khi “bất chợt, tôi nhìn lên vườn cây. Ô kìa… những chiếc lá non tơ đang đung đưa trong gió, như chuẩn bị niềm tin cho một chu kỳ tận hiến”…

Kết tinh tình yêu, lòng tự hào về truyền thống

Họ, những người trong cuộc đang kể về chuyện của mình. Lúc bỡ ngỡ, rụt rè của cô công nhân lần đầu đặt chân lên vùng đất Triệu voi “Gặp người là duyên, còn cây là bạn” (Nguyễn Thị Cẩm Ly), đó là chút bùi ngùi hoài niệm về cuộc giải cứu người của anh công nhân khai thác trong  “Gươm lạc giữa rừng hoa” (Vân Nguyên); sẵn sàng “tận hiến” tuổi xuân để đến vùng đất xa xôi trên“Chuyến xe tôi đi, rừng cây tôi đến” (Mai Văn Cường); là chút khắc khoải nhưng không kém phần hãnh diện, tự hào về nghề nghiệp của “Vui – chén xi măng” (Nguyễn Sỹ Vui).

Và cả nghề bảo vệ cũng lắm gian nan, chỉ những ai thực sự yêu nghề mới bám trụ lâu dài. Mùa mưa đối mặt với đàn muỗi khát máu, mùa khô phải đương đầu với giặc lửa, thế nhưng “Người gác đêm” (Trường Ngữ) vẫn lạc quan đón ngày nắng mới; Hạnh phúc đôi khi chỉ là mong sao cho cao su được giá, đời sống của anh em ngày càng được nâng cao của “Chuyện người bảo vệ cao su” (Đỗ Văn Thọ).

Cả lúc khó khăn khi vườn cây miệng cạo quá cao, họ đã có những sáng kiến với “Con dao cạo Mã Lai” (Nguyễn Hưng); Xác định bám trụ, gắn bó với nghề, để chợt thấy lòng ấm lại, tự dặn lòng phải biết trân trọng từng đồng tiền lẻ trong “Chuyện  tờ tiền lẻ” (Hoàng Đỗ Phương Hồng Hạnh)…

Từ những chuyện nghề bình dị nhưng quá đỗi thiêng liêng đối với người đọc. Hơn bao giờ hết, trong thời điểm khó khăn khi giá mủ liên tục sụt giảm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, đội ngũ công nhân cao su phát huy truyền thống lịch sử của Phú Riềng Đỏ hào hùng, truyền thống vượt khó, mỗi chúng ta nhân rộng tình yêu nghề, yêu ngành chủ động sáng tạo, tìm tòi cách thức làm ăn hiệu quả phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, xứng đáng với công lao to lớn của các thế hệ tiền bối, xứng danh Huân chương Sao vàng mà Đảng và nhà nước trao tặng.

NGUYỄN LÝ