Nông nghiệp và 3 thách thức lớn

CSVN – Phát biểu tại buổi làm việc mới đây với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện nay nền nông nghiệp nước ta đang đối mặt với 3 thách thức, rào cản lớn đó là nền nông nghiệp dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ; biến đổi khí hậu và hội nhập sâu rộng.nn

Đánh giá 3 năm (2013-2015) thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra nhưng sản xuất tăng trưởng với tốc độ khá cao (tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm).

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2015 đạt 88,3 tỷ USD, trung bình đạt gần 29,5 tỷ USD/năm. Sự gia tăng sản lượng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi trong điều kiện giá ổn định đã đem lại lợi ích to lớn cho nông dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp kết quả mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trên thực tế. Tăng trưởng của ngành chưa bền vững, triển khai tái cơ cấu chưa đồng bộ.

Nhiều mô hình tổ chức sản xuất đổi mới còn chậm, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang ngày càng bộc lộ hạn chế, yếu kém. Ngoài ra, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số loại nông sản còn thấp, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập…

Để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần hình thành 3 trục phát triển.
Thứ nhất, lựa chọn 10 sản phẩm cấp quốc gia có lợi thế để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, coi đây là ngành hàng quốc gia.

Trục thứ hai, sản phẩm cấp tỉnh có tính chất đặc thù địa phương, như vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên…cần tính toán đến thị trường nội và xuất khẩu.

Thứ ba, sản phẩm quy mô cấp địa phương, mặc dù địa phương nhưng công nghệ sản xuất tiên tiến, thị trường tại chỗ và thị trường xuất khẩu, làm theo hướng mỗi làng một sản phẩm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, phải coi thị trường là động lực sản xuất. Trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trụ cột, có các chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào.

Để tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Trong thời gian tới, để thực hiện tái cơ cấu hiệu quả, tôi đề nghị quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với phát triển thị trường. “Không phải thị trường trong nước, mà là quốc tế, không phải chỉ là hôm nay, mà phải tính tới thời điểm hội nhập sâu rộng khi các hiệp định thương mại đa phương, đặc biệt là TPP có hiệu lực. Tái cơ cấu nông nghiệp để người nông dân không chỉ làm ra những gì có thể, mà làm những gì thị trường yêu cầu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường các nước chủ lực. Đồng thời, tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, phải gắn với sắp xếp ngành nghề nông thôn. Ngoài ra, tái cơ cấu phải gắn với xây dựng nông thôn mới, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường.

T.K