Công nhân cao su tưởng nhớ đồng chí Trương Vĩnh Trọng

CSVN – Sáng 22/2/2021, tại Bến Tre, trong niềm thương tiếc vô hạn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, gia đình và nhân dân quê hương Đồng Khởi đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Trương Vĩnh Trọng (thường gọi Hai Nghĩa) – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đoàn VRG do đồng chí Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT dẫn đầu đến viếng và chia buồn cùng gia quyến đồng chí Trương Vĩnh Trọng.

Ghi sổ tang, tại lễ viếng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân bày tỏ tiếc thương, tưởng nhớ đồng chí Trương Vĩnh Trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: “Đồng chí Trương Vĩnh Trọng với hơn 50 năm hoạt động cách mạng và công tác, trải qua nhiều chức vụ, cương vị công tác đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, một người con ưu tú của quê hương Bến Tre anh hùng, một tấm lòng nhân hậu, tấm gương sáng về lối sống giản dị, phẩm chất cách mạng cao quý, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn trăn trở và hành động quyết liệt vì lợi ích của Đảng, của đất nước và nhân dân”.

Ngày 21/2/2021, đoàn VRG do đồng chí Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT dẫn đầu đã đến Bến Tre kính viếng và chia buồn sâu sắc gia quyến đồng chí Trương Vĩnh Trọng, tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ của công nhân cao su đối với anh Hai Nghĩa. Xúc động vô hạn, trong sổ tang đồng chí Chủ tịch Tập đoàn đã ghi: “Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và phong cách đạo đức. Tập đoàn Cao su xin ghi nhận và trân

trọng cảm ơn những chỉ đạo và tình cảm sâu sắc của đồng chí đối với ngành cao su, đặc biệt là vùng cao su Tây Bắc. Xin thắp nén nhang vĩnh biệt anh Hai và xin chia buồn sâu sắc nỗi mất mát đau thương, to lớn này cùng toàn thể gia đình”.

Mấy hôm nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều bài viết về Ông Trương Vĩnh Trọng – Hai Nghĩa. Riêng tôi cố tìm và đọc hết những tình cảm kính trọng tiếc thương của đồng bào, đồng chí dành cho Ông như một vị thánh của nhân dân. Tôi đã được nhiều lần tiếp xúc, nghe Ông nói, thấy Ông làm, để lại trong tôi những tình cảm sâu đậm, sự ngưỡng mộ và kính trọng.

Tôi còn nhớ, năm 2000 lúc đó Ông là Trưởng ban Nội chính Trung ương được điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy của Đồng Tháp. Lũ năm 2000 về sớm đạt mức lớn nhất trong vòng 76 năm. Cả đồng bằng Nam bộ là một biển nước; Đồng Tháp là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất. Cả nước chung tay chia sẻ và cứu trợ cho đồng bào Nam bộ trong đó có Đồng Tháp. Ngày ấy tôi đang là Bí thư Đảng ủy Cao su Bình Long được tháp tùng anh Tư Luật – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước xuống Đồng Tháp thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả lũ lụt.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng (bìa phải) trong lần đến thăm Công ty CPCS Sơn La.

Chúng tôi xuống đã thấy anh Hai Nghĩa đứng chờ tại Văn phòng Ủy ban tỉnh, tay bắt mặt mừng. Tôi nghe đã lâu, nay mới gặp, Ông hồ hởi biết tôi là người của cao su. Tôi gọi Ông bằng chú, Ông nói lại: gọi tôi bằng Hai Nghĩa là anh cho nó trẻ ra, gọi bằng chú nghe già quá mậy! Người nhỏ, gầy, đen, miệng luôn nở nụ cười, mộc mạc chân thành đúng phong cách của người Nam bộ. Vào phòng ăn vội cơm trưa, anh Tư Luật thay mặt lãnh đạo và nhân dân Bình Phước, công nhân cao su chia sẻ những thiệt hại và hỗ trợ kinh phí cho nhân dân Đồng Tháp trước những mất mát, khó khăn do lũ lụt gây ra.

Sau đó, chúng tôi vội lên xe về huyện Tân Hồng nơi thiệt hại nặng nề nhất. Chỉ một con đường duy nhất nối liền giữa Cao Lãnh và Tân Hồng như chiếc cầu bắc qua biển nước Đồng Tháp Mười. Hai bên đường tất cả mọi thứ đều lên đường: người, trâu, bò, lợn, gà… những cái gì mang được khi chạy lũ. Những mái lều nhỏ che tạm mọc lên san sát kín đường, chỉ còn một lối nhỏ để xe và các phương tiện đi lại. Thấy 5,6 chiếc xe chạy xuống, dân đứng vỗ tay chào đón. Anh Hai Nghĩa ngậm ngùi: Dân ở Tân Hồng không đói, chỉ còn nghèo thôi, nhà cửa tài sản không có gì, bây giờ bị nhấn chìm trong nước. Thiệt hại lớn nhất là người, chủ yếu là các cháu nhỏ bị đuối nước. Nói đến đây tôi nghe giọng của Ông như nghẹn lại!

Bữa cơm chiều với bà con Tân Hồng, Ông phát biểu cảm ơn lãnh đạo nhân dân Bình Phước, công nhân cao su đã xuống thăm động viên, chia sẻ với bà con Tân Hồng. Bà con đãi đoàn những đặc sản mùa lũ lụt: lươn, cá linh, rùa, rắn, chuột đồng…và uống rượu vang Đà Lạt. Mọi người nâng ly chúc Đồng Tháp vượt qua khó khăn. Ông cười thật tươi và nói to: Bây giờ khó khăn là vậy. Lũ về phù sa về. Mùa sau sẽ được mùa lớn. Các anh hãy tin như vậy. Quả thật năm 2001-2002 Đồng Tháp được mùa to.

Nói chuyện với anh em tôi được biết thêm: Trước đây Ông là Chủ tịch Bến Tre, sau đó được Trung ương điều ra Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Năm 2000 Ông được Trung ương điều động. Nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, việc đầu tiên Ông tiến hành không phải là họp ban bệ, cũng không ngồi bàn giấy chỉ đạo. Ông đi xuống dân. Ông nói “vui sướng gì mà đồng bào đói khổ, lũ lụt hoành hành. Nếu không vắt óc suy nghĩ cách nào cứu dân thì tắt đèn, nén vui để tỏ rõ sự thấu cảm với dân, đó mới là đạo lý làm lãnh đạo, làm cán bộ”. Mấy ngày hôm nay lũ lụt dâng cao, thiệt hại người và của cải. Ngày nào Ông cũng xuống những điểm nóng, cùng với anh em, cùng với bà con chống chọi. Ông đi chân đất xắn quần đến với dân thăm hỏi, động viên tìm cách cứu dân đã tạo nên tính cách đặc biệt “lão nông tri điền” của Ông Hai Nghĩa.

Ông về làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp trong bối cảnh Đồng Tháp là tỉnh có nhiều khó khăn, nhưng chỉ sau một nửa nhiệm kỳ Đồng Tháp đã vươn lên rất tốt. Với hình ảnh một vị lãnh đạo giản dị, gần dân, sát dân và nói được, làm được, “làm cho đâu vào đấy” chứ không phải “đâu vẫn đấy”, Ông để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; Tập trung chỉ đạo quyết liệt để người dân ổn định cuộc sống, khai thác mọi tiềm năng để tỉnh đi lên.

Rời Đồng Tháp, Ông ra Trung ương. Đại hội Đảng toàn quốc Ông vào Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị, Quốc hội phê chuẩn Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc.

Tây Bắc vùng rừng núi cao bao la phía Tây Tổ quốc, nơi sinh sống của hàng triệu đồng bào các dân tộc giàu truyền thống cách mạng đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Gần 50 năm sau chiến thắng vang dội ấy, vùng đất Tây Bắc vẫn còn nghèo, đồng bào các dân tộc Tây Bắc còn đói ăn, cực khổ. Địa hình đồi núi cheo leo, thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn đủ bề. Tài nguyên thiên nhiên, đất đai thì có nhưng phương thức sản xuất lạc hậu, tự cung tự cấp, mỗi năm 1 vụ lúa ngô nương rẫy. Thiếu ăn, thiếu việc làm, hủ tục lạc hậu. Các thế lực phản động tuyên truyền phá hoại. Đó là nguy cơ thực sự bất ổn ở Tây Bắc.

Gần 50 năm ấy, Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển Tây Bắc song do nhiều hoàn cảnh chủ quan và khách quan, Tây Bắc chưa phát triển ngang tầm. Nhận nhiệm vụ Ông luôn trăn trở, đau đáu: Nếu đồng bằng Nam bộ là sông nước, ruộng đồng thì bắt đầu từ cây lúa, vườn trái, cá tôm. Với Tây Bắc thì phải từ kế sinh nhai của đồng bào gắn với canh tác, chăn nuôi trên vùng đất ấy.

Dấu chân Ông đã đi hết các tỉnh Tây Bắc, gặp gỡ đồng bào, chính quyền để tìm tòi, tính chuyện làm ăn, phát triển kinh tế xã hội. Ông đã vận động được một số dự án phát triển nông nghiệp, công nghiệp đầu tư vào Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Các dự án đó quy mô nhỏ, vốn ít, khó phát triển trong điều kiện không thuận lợi môi trường đầu tư và hiệu quả kinh tế. Ông lại miệt mài tìm kiếm các dự án mới. Cây gì, con gì, sản xuất ra sao phải xác định cụ thể. Quan trọng là tìm cho được tổ chức, đơn vị có tiềm lực, phương thức sản xuất kinh doanh tiên tiến, có quyết tâm chính trị, dám mạnh dạn đầu tư vào vùng đất còn quá nhiều khó khăn cũng như kỳ vọng về hiệu quả này.

Và cuối cùng Ông đã chọn được cây cao su và Tập đoàn Cao su. Ông đã có niềm tin vào cây cao su và truyền thống của công nhân cao su. Ông luôn ủng hộ chủ trương của Tập đoàn đưa cây cao su ra trồng ở Tây Bắc, dẫu chúng ta biết rằng: Đây không phải là vùng đất truyền thống trồng cây cao su, đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu khắc nghiệt không phù hợp, địa hình chia cắt manh mún, núi cao, vực thẳm, sông suối sâu, giao thông đi lại khó khăn. Vốn đầu tư, suất đầu tư lớn, thời gian kiến thiết cơ bản kéo dài, năng suất vườn cây đạt thấp. Tập quán canh tác của người dân cần phải thay đổi lớn, phương thức sản xuất kinh doanh, công tác quản lý cần phải xác lập. Phần lớn đất đai thuộc về sử dụng của người dân. Đặc biệt là hiệu quả kinh tế không cao so với các vùng trồng cao su khác.

Có nhiều quan điểm, dư luận khác nhau về chủ trương này khi Tập đoàn triển khai thực hiện và đến nay chưa hồi kết thúc. Nhưng đồng chí Trương Vĩnh Trọng – Ông Hai Nghĩa đã có tầm nhìn xa và sâu sắc về hiệu quả xã hội, hiệu quả nhân văn của việc làm này, luôn kiên định ủng hộ và động viên Tập đoàn, các công ty và đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Tháng 8/2007 Công ty CPCS Sơn La được thành lập và Ông là người đầu tiên trồng cây cao su trên đất Sơn La. Dù bận trăm công nghìn việc của một Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng ngay từ ngày đầu Ông cùng các vị lãnh đạo Trung ương đã về thăm, theo dõi, chỉ đạo, cùng ăn, cùng ở với cán bộ, đồng bào trồng cao su. Riêng Cao su Sơn La, Ông đã về thăm không dưới 10 lần. Cứ mỗi lần lên Tây Bắc, nhất định Ông xuống bản làng, vườn cây thăm hỏi bà con.

Ông trò chuyện với công nhân rất lâu, rất chân tình thân thiết: Tháng này tiền lương có chưa? Được bao nhiêu? Bữa ăn cơm thường có món gì? Quần áo ở nhà có mấy bộ? Lần nào đến công ty, nơi Ông thăm đầu tiên là nhà trẻ, mẫu giáo. Thăm, tặng quà cho các cháu bằng tiền lương của Ông. Bế cháu này, bồng cháu khác xem có nặng không, có suy dinh dưỡng không, mùa rét có áo ấm mặc không? Ông quan tâm đến cán bộ các cấp, dặn dò ân tình cán bộ các cấp phải gần dân, sống với dân.

Ông nói với cán bộ, với đồng bào như rút ruột ra mà nói: “Cao su là dự án nông nghiệp tác động đến đời sống người dân ở Tây Bắc lâu nhất, cả giá trị đầu tư, địa bàn trải rộng, có tác động tích cực đến nhiều hộ dân. Cứ nhìn gương mặt bà con vui tươi mỗi lần về thăm thì biết bà con hưởng ứng thế nào và cuộc sống tốt lên, ăn mặc khá lên, da dẻ đẹp lên, con cháu khỏe mạnh. Có việc làm, thu nhập hàng ngày, hàng tháng, bớt rượu chè say sưa, tệ nạn ma túy. Được quản lý, kỹ năng, kỷ luật lao động nâng lên, tình trạng thiếu đói giảm hẳn, tất cả con cái được học hành. Bây giờ tốt lên, triển vọng lên nhưng Tập đoàn, công ty các cấp phải cố gắng liên tục. Cao su là sản phẩm nông nghiệp giá có lúc lên, lúc xuống nhưng bà con cứ yên tâm. Cây cao su, ngành cao su đã tồn tại và phát triển ở Việt Nam cả trăm năm rồi, có hàng triệu người tham gia trồng cao su chứ không phải bây giờ mới có. Đó kìa, bên kia biên giới người ta cũng trồng cao su hết mấy chục năm nay còn nghi ngờ gì nữa”.

Tôi biết ông là người rất quý và thương anh Võ Nhật Duy – Nguyên Tổng Giám đốc Cao su Sơn La. Những năm tháng đó Ông thường xuyên động viên, nhắc nhở anh, bàn với địa phương tháo gỡ khó khăn cho công ty vận động người dân góp đất, vào công nhân trồng cao su. Anh Ba Duy kể cho tôi nghe nhiều chuyện cảm động, chân tình, sâu sắc về Ông. Lúc còn đương chức hay sau này đã nghỉ hưu.

Miền Tây Bắc, Đông Bắc hôm nay đã có gần 30.000 ha cao su trải dài rừng núi từ Sơn La – Điện Biên – Lai Châu – Lào Cai – Yên Bái – Hà Giang với 5.000 công nhân cao su là đồng bào các dân tộc. Dẫu biết rằng hôm nay cao su ở Tây Bắc đang gặp nhiều khó khăn riêng của từng đơn vị, khó khăn chung của cả ngành. Vườn cây đã cho những dòng nhựa trắng đầu tiên. Nhà máy đã xây dựng chế biến những tấn mủ bước vào kinh doanh. Dẫu biết rằng vườn cây chưa đẹp, năng suất vườn cây, năng suất lao động và hiệu quả chưa cao song hiệu quả xã hội đã phát huy, bộ mặt làng bản trồng cao su đã có nhiều đổi thay căn bản. Cây cao su ở Tây Bắc, công nhân cao su ở Tây Bắc còn phải chống chịu với nhiều gian nan vất vả để ổn định và phát triển, thậm chí còn phải chống chịu những dư luận, quan điểm thị phi. Những ngày này, trong tiếc thương vô vàn công nhân cao su Tây Bắc vẫn thấy hình ảnh Ông Hai Nghĩa hiển hiện về thăm, cười nói thân thương, ấm áp nghĩa tình.

Năm 2016 Công ty Cao su Lai Châu mở miệng cạo khai thác vườn cao su ở Nông trường Lùng Thàng. Mặc dù lúc ấy Ông đã mang trọng bệnh trong người, sức khỏe đã xuống. Từ quê hương Bến Tre, Ông với bà ra Lai Châu vào Lùng Thàng để dự lễ. Ông gầy gò và yếu nhiều song nét rạng ngời trong môi cười và ánh mắt. Ông bắt tay thăm hỏi từng người với giọng nói ấy, nụ cười ấy và phong cách gần gũi chân tình ấy. Lãnh đạo Tập đoàn trân trọng kính mời Ông phát biểu.

Ông nói ngắn nhưng tôi nhớ mãi và lắng đọng tình cảm sâu nặng của Ông với cao su nói chung và cao su Tây Bắc nói riêng: “Tôi già và bệnh dữ lắm rồi. Được về thăm lại đồng bào anh em Tây Bắc, được nhìn thấy vườn cao su xanh tốt cho mủ lòng tôi vui lắm rồi. Một ngày nào đó tôi chết đi nhưng linh hồn Hai Nghĩa này còn lãng đãng trong vườn cây cao su, trong các bản làng, các dân tộc anh em. Bà con có thương thì lễ hội, cúng cơm mời Hai Nghĩa một tiếng về ăn cho vui”.

Câu nói từ trái tim Ông vang vọng rừng núi Tây Bắc, đi vào tâm khảm bao người, như gửi lại son sắt tình cảm của Ông. Chỉ tiếc rằng không còn đủ sức để Ông vui mừng la lớn: “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Cây cao su ở Tây Bắc đã cho mủ rồi” như năm 1989, khi đang là Chủ tịch Bến Tre, trong ngày khánh thành đường điện quốc gia vượt sông Tiền về quê hương Đồng Khởi Ông đã vui mừng la lớn “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Điện đã về Bến Tre”. Năm 2009, khi đã là Phó Thủ tướng, trong lễ thông cầu Rạch Miễu nối 2 bờ sông Tiền giúp Bến Tre thoát khỏi thế Cù Lao, Ông cũng la lớn: “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Đã có cầu bắc qua Bến Tre”.
Con người Ông vậy đó, đầy ắp yêu thương như nước sông Tiền quanh năm thơm ngát hương dừa, khát khao cống hiến cho dân cho nước và hào sảng trong chiến thắng. Để đáp lại tình cảm của Ông đối với ngành cao su và đồng bào các dân tộc Tây Bắc, anh Hai Thuận – TGĐ Tập đoàn giới thiệu cô Thúy Linh – Phó ban Tổ chức Tập đoàn hát tặng Ông bài hát “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Giọng hát Nam bộ ngọt ngào sâu lắng, hát về Bến Tre, hát về những con người làm nên Đồng Khởi. Ông ngồi đó với công nhân đồng bào dân tộc Tây Bắc lặng im, mắt rưng rưng.

Đúng như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã viết về ông “với Hai Nghĩa dù bất cứ cương vị nào thì tấm lòng trong sáng, thủy chung, một lòng vì dân, trọn vẹn nghĩa tình với dân vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chỉ đạo hành động của mình”… “có sát dân, lăn lộn với dân thì dân mới yêu quý anh Hai Nghĩa, yêu quý Đảng đến vậy”.

Công nhân cao su kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí Trương Vĩnh Trọng – Ông Hai Nghĩa kính mến!

TRỌNG NHÂN