Thiếu hụt lao động, trăn trở không chỉ riêng ai?

CSVN – Khi công nhân nộp đơn xin nghỉ việc, hưởng chế độ một lần, với nhiều lý do, thì sự thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến SXKD đơn vị.

Ảnh: Tùng Châu

Rừng cây, con dao, đôi thùng và cả những bộ quần áo màu xanh, với đôi giày bảo hộ lao động mộc mạc, đã gắn chặt với bà con công nhân biết bao nhiêu thế hệ. Bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu khó khăn gian khổ, NLĐ chung sức đồng lòng vượt qua gian khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cho đến hôm nay cây cao su đã làm thay da đổi thịt, thay đổi diện mạo đời sống tinh thần, vật chất của người dân và các địa phương nơi có cao su đứng chân. Tuy rằng nghề cạo mủ là nghề độc nhất vô nhị, thức khuya dậy sớm, mưa gió dãi dầu. Nhưng vẫn có nhiều cái hay, nhiều cái thú vị, độc đáo riêng của người công nhân trong nghề.

Xét về quỹ thời gian, NLĐ có nhiều thời gian cho mình sau giờ cạo, để lo cho con cái học hành; bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn trong khi chờ trút mủ… Về chế độ, công nhân cao su được hưởng nhiều chế độ ưu đãi của Nhà nước. Ngoài ra họ còn luôn được lãnh đạo đơn vị quan tâm về nhà ở, điều kiện làm việc và con cái học hành đến nơi đến chốn…

Có nhiều công nhân chia sẻ, mới đi cạo thấy “cũng oải” vì chưa quen, lại thức dậy sớm vào vườn cây cũng “hơi ngán”, nhưng làm riết rồi quen. Những ngày mưa mà phải nghỉ cạo ở nhà lại thấy buồn, nhất là mùa cao su thay lá, nghỉ dài ngày, chỉ mong sao mau đến ngày được trở lại lô làm việc, được trang bị phần cây và được cạo mủ.

Thế mới thấy, NLĐ gắn bó với công việc, với vườn cây mà nghề cạo mủ. Có người thâm niên trong nghề 15 năm, 20 năm, 25 năm là chuyện bình thường.

Nhưng cũng có một số công nhân khi giá mủ thấp, lương thưởng không nhiều, lại nghe theo lời lôi kéo, tự làm đơn xin nghỉ chế độ một lần để đi làm xí nghiệp. Khi các khu công nghiệp mọc lên khắp tỉnh thành trên cả nước, thì ngành cao su cũng dần bị thiếu hụt lao động, và đây cũng là mối quan tâm của lãnh đạo các đơn vị trong ngành.

Trong tình hình có sự chuyển dịch lao động tại các khu vực có các khu công nghiệp, thì cần phải   có những giải pháp hữu hiệu để giữ chân người lao động. Vì đây là lực lượng chính làm ra sản phẩm, và họ là đội ngũ góp phần quan trọng để ngành phát triển bền vững.

Theo suy nghĩ của cá nhân, khi muốn nghỉ việc NLĐ cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định:

  • Khu công nghiệp chỉ tuyển dụng lao động tuổi còn trẻ. Thời gian làm việc từ 8 – 10 giờ/ ngày, không có thời gian lo việc nhà, khi có việc riêng cũng khó xin nghỉ.
  • Làm công nhân cao su cho dù phải làm đêm nhưng lại có thời gian cho gia đình, bởi cạo từ 4 – 7 giờ sáng đã xong. Trong thời gian chờ trút mủ, NLĐ có thể nghỉ về lo cho con cái, đưa đón con đi học, hoặc nghỉ ngơi.
  • Làm công nhân cao su luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, như ốm đau thăm hỏi, nghỉ ốm vẫn có lương, hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được xây nhà tình thương, nhà Mái ấm Công đoàn, và tặng nhiều vật dụng khác. Hàng năm được hỗ trợ cho các cháu học sinh nghèo hiếu học, có học bổng cho các cháu học giỏi.
  • Hàng năm có chế độ thưởng tiền hoặc hiện vật, như xe máy, tiền mặt, và khen thưởng ABC. Được đơn vị quan tâm chăm lo NLĐ các dịp lễ Tết, nếu  ốm đau dài ngày không có thời gian phục hồi thì lãnh đạo giải quyết cho nghỉ chế độ, bị tai nạn lao động thì được hưởng chế độ theo luật định.
  • Mặc dù giá mủ không ổn định, đồng lương của NLĐ chưa cao, nhưng lãnh đạo vẫn luôn đảm bảo mức thu nhập để họ yên tâm công tác. Hàng năm đến mùa lá rụng người công nhân được nghỉ dài ngày và có chế độ nghỉ mát tham quan trải nghiệm…

NGUYỄN NHỊ