“Các công ty gỗ cần đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững”

CSVN – Ngành gỗ VRG được đánh giá là có nhiều tiềm năng, triển vọng và lợi thế để phát triển. Đây là lĩnh vực có biên lợi nhuận khá tốt. Đặc biệt có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong điều kiện Việt Nam và các nước đang thắt chặt chính sách đóng cửa rừng, nhu cầu về sản phẩm sản xuất từ gỗ nói chung và gỗ cao su tiếp tục tăng trong các năm. Chính vì vậy, phát triển các sản phẩm gỗ cao su tinh chế và các sản phẩm mới sử dụng phụ phẩm ngành gỗ là mục tiêu ưu tiên của VRG.

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG (giữa) chủ trì hội nghị ngành gỗ VRG. Ảnh: Ngọc Cẩm.

“Trước xu hướng ngày càng thay đổi về chuyển đổi số, mô hình kinh doanh trực tuyến đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các công ty gỗ cần tiếp cận, đầu tư chuyển đổi phù hợp với xu hướng từ thiết kế, sản xuất đến thương mại, tăng năng suất như mô hình kinh doanh gian hàng 3D của Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An là điển hình.

Các công ty gỗ đẩy mạnh ứng dụng hệ thống quản lý điều hành SXKD bằng các phần mềm quản lý tiên tiến, tiết kiệm nhân công; công nghệ mới về thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ, tạo ra các loại sản phẩm gỗ có chất lượng đồng đều và tăng lợi thế cạnh tranh.

Giai đoạn 2022 – 2025, Tập đoàn tiếp tục tái cơ cấu ngành gỗ, mỗi công ty phải xây dựng sản phẩm có thế mạnh riêng. Nghiên cứu mở rộng một số sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao và sử dụng gỗ cao su hiệu quả nhất. Có giải pháp thúc đẩy mục tiêu giảm lượng gỗ phôi xuất bán, tăng tỷ lệ gỗ cao su tinh chế, áp dụng công nghệ thông tin trong SXKD, mục tiêu tăng trưởng mỗi công ty từ 7-10%/năm. Định hướng đến năm 2030, xây dựng năng lực sản xuất gỗ đạt trình độ và năng lực tiên tiến, tất cả các sản phẩm gỗ xuất bán được sử dụng từ nguồn gỗ hợp pháp và có chứng chỉ rừng bền vững. Hoàn chỉnh chuỗi giá trị gỗ cao su từ khâu trồng đến sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu VRG, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng năm duy trì từ 8-10%/năm.

Tập đoàn sẽ nghiên cứu thành lập các nhóm ngành để có sự hỗ trợ hợp tác trong sản xuất, thị trường, trao đổi thông tin, đề xuất các kiến nghị như nhóm gỗ phôi, ghép tấm; nhóm tinh chế và nhóm các công ty sản xuất MDF…

Về nguồn gỗ có chứng chỉ rừng, hiện nay Tập đoàn đang tích cực làm việc với FSC để được tái cấp chứng chỉ trong thời gian sớm nhất. Tập đoàn cũng triển khai chứng chỉ PEFC với diện tích chứng nhận đã được cấp hơn 100.000 ha cao su, với diện tích thanh lý hàng năm khoảng hơn 4.000ha. Tập đoàn đề nghị các công ty tích cực sử dụng sản phẩm gỗ cao su có chứng chỉ, quảng bá và nâng thương hiệu gỗ có nguồn gốc rõ ràng, chứng nhận bền vững.

Để ổn định nguyên liệu cho sản xuất, Tập đoàn sẽ xây dựng và hoàn thiện phương án tái canh từ 3-7 năm, tạo điều kiện thuận lợi và chủ động về thời gian cưa cắt linh hoạt khi thị trường gỗ biến động. Đồng thời, các công ty phải tự chủ động nguồn nguyên liệu, không phụ thuộc vào nguồn gỗ cao su thanh lý của Tập đoàn, cần liên kết hợp tác với chủ rừng để có nguồn gỗ phục vụ sản xuất. Các công ty cao su tính toán phương án trồng xen, trồng các loại cây gỗ lớn nhằm tận dụng tối đa quỹ đất, vừa có nguồn gỗ nguyên liệu cung cấp cho sản xuất. Viện Nghiên cứu CSVN lai tạo và đưa vào các giống mới có chất lượng và năng suất cao về gỗ-mủ.

Tập đoàn sẽ cơ cấu lại một số công ty hoạt động chưa hiệu quả, bằng hình thức hợp tác với đối tác có nguồn lực, kinh nghiệm, thị trường để tham gia điều hành nhằm tăng hiệu quả SXKD. Về nguồn nhân lực tay nghề cao đóng vai trò quan trọng, Tập đoàn đề nghị các công ty xây dựng phương án, Tập đoàn sẽ có cơ chế hỗ trợ phù hợp đảm bảo nguồn nhân lực.

Ngành gỗ sẽ là ngành chủ lực và then chốt của Tập đoàn trong thời gian tới, do đó tôi đề nghị các công ty gỗ, công ty cao su và các ban chuyên môn Tập đoàn cần tập trung tham mưu và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động các công ty gỗ. Ban TGĐ Tập đoàn cam kết sẽ quan tâm nhiều hơn nữa về ngành gỗ, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ SXKD của Tập đoàn.

TUỆ LINH (ghi)