Nông nghiệp tăng trưởng âm: Nhiều nỗi lo

CSVNO – Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, tổng sản phẩm nông – lâm – thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay giảm 0,18%.nn

Giá trị sản xuất giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp giảm 0,7%. Giảm mạnh nhất là lĩnh vực trồng trọt, lên tới 3% do giảm cả về diện tích và sản lượng. Đây là lần đầu tiên sau một thập kỷ qua, sản xuất nông nghiệp tại VN rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

Thiên tai, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cùng sự cố môi trường các tỉnh miền Trung…, được xem là nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp sụt giảm.

Việc nông nghiệp – ngành chiếm tới gần 20% GDP nền kinh tế và có lực lượng lao động chiếm 70% dân số VN đang “đuối sức”, thực sự đáng lo ngại.

Ngoài nguyên nhân do thiên tai và các sự cố môi trường, thì nhìn rộng hơn, sự sụt giảm tăng trưởng của nông nghiệp VN còn cho thấy những bất cập của một nền nông nghiệp hiệu quả thấp, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, trong những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển nhất định, tuy nhiên, sự phát triển này thiếu bền vững.

Định hướng nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, theo kiểu thu gom của 10 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ thành một khối lượng hàng hóa lớn, lộn xộn để xuất khẩu với giá rẻ. Đã đến lúc, VN cần chuyển từ nền nông nghiệp cạnh tranh theo chiều rộng sang sản xuất theo chiều sâu, tăng giá trị. “Ngành nông nghiệp cần có được 3 đột phá: Đất đai, khoa học công nghệ và thể chế” – ông Sơn nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa sát, thiếu tính hợp lý. Việc xây dựng chính sách để phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, ổn định khu vực nông thôn, hỗ trợ nông dân một cách thiết thực vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng.

Trước hai thách thức lớn là hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu, để kinh tế nông nghiệp tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ để sản xuất nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Các chuyên gia cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp nông thôn. Kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để khơi thông, phát triển, mở rộng thị trường. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm.

Việc nông nghiệp – trụ đỡ của nền kinh tế tăng trưởng âm, đang đặt ra yêu cầu cấp bách cần xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp một cách thiết thực để phát triển ngành nông nghiệp nhanh, ổn định, bền vững.

Trung Kiên