Để khai thác cao su bền vững

CSVN – Có được sự phối hợp giữa một Tập đoàn kinh tế chủ lực về cao su với địa phương, sẽ phát huy hơn nữa vai trò “bà đỡ cho cao su tiểu điền” của VRG, cùng xây dựng ngành cao su phát triển bền vững.

VRG vừa ban hành Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cao su của VRG (sửa đồi, bổ sung) mang tầm quốc gia. Ảnh: Tùing Châu

Thời gian gần đây, nhiều hộ cao su tiểu điền áp dụng phương pháp khai thác mủ bằng cách bơm khí ethylene rồi khoan vào thân cây để lấy mủ, thay vì cách truyền thống. Điều đáng nói, phương pháp này đã được các chuyên gia về ngành cao su khuyến cáo không có hiệu quả bền vững. Bởi áp dụng chất kích thích mủ đối với cây cao su phải đúng liều lượng, quy trình, chỉ áp dụng đối với cây cạo thanh lý. Qua khảo nghiệm thực tế, chỉ 4-5 tháng đầu phương pháp này cho năng suất tăng rất cao so với cạo truyền thống, nhưng sau đó lượng mủ giảm dần.

Bà con cao su tiểu điền, trước áp lực giá chi phí nhân công cạo ngày càng tăng, công cạo khan hiếm, nhất là các vùng phát triển “nóng” về công nghiệp, dịch vụ, đã trang bị bộ khai thác này trước lời quảng cáo của các nhà cung cấp. Hiện trên youtube, mạng xã hội, nhất là trong các hội, nhóm về cây cao su, có rất nhiều nhà cung cấp bộ bơm khí này quảng cáo về “một phương pháp hiệu quả” trong khai thác cao su, nhất là tăng năng suất, tiết kiệm nhân công cạo.

Tuy nhiên, theo nhiều hộ cao su tiểu điền đã áp dụng, đúng là năng suất mủ tăng cao trong thời gian đầu, tuy nhiên sau đó thì mủ cạn kiệt. Nhiều bà con liên hệ lại nơi cung cấp để thắc mắc, khiếu nại do trái với cam kết ban đầu thì đều “bặt vô âm tín”. Cuối cùng tiền mất tật mang, cây cao su sức cạn kiệt phải mất thời gian chăm bón trở lại, thậm chí không hồi phục.

Trước thực trạng này, rất cần khuyến cáo của chính quyền địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, để bà con đừng quá hám lợi trước mắt mà gây thiệt hại cho chính mình. Đặc biệt, địa phương ở những nơi có nhiều diện tích cao su tiểu điền nên phổ biến, tuyên truyền cho bà con về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cao su của VRG để áp dụng.

Quy trình này, sau khi sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã được Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT thống nhất là quy trình chính thống quốc gia, không riêng của nội bộ VRG. Các sở ban ngành nông nghiệp địa phương nên tổ chức các buổi phổ biến, thậm chí tập huấn Quy trình, mời các chuyên gia của VRG, Viện Nghiên cứu Cao su VN để tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo bà con.

Có được sự phối hợp giữa một Tập đoàn kinh tế chủ lực về cao su với địa phương, sẽ phát huy hơn nữa vai trò “bà đỡ cho cao su tiểu điền” của VRG, cùng xây dựng ngành cao su phát triển bền vững.

QUỐC AN