CSVN – Với vai trò tiên phong và điển hình trong việc phát triển bền vững ngành cao su, VRG đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh bao trùm và tuần hoàn, đảm bảo tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chung tay vì môi trường thân thiện và tích cực đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, Cao su Việt Nam đã có buổi trò chuyện với ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG về những định hướng, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Tập đoàn trong thời gian tới.
– Xin ông chia sẻ về kết quả tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, chứng chỉ quản lý rừng cao su bền vững, chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm VRG đã thực hiện năm 2023?
Ông Trương Minh Trung: Là tập đoàn có quy mô lớn và ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, lãnh đạo Tập đoàn nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của một doanh nghiệp phát triển bền vững (PTBV) gắn liền với 3 khía cạnh: Phát triển kinh tế – Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Sau 4 năm triển khai chương trình PTBV, Tập đoàn đã đạt được một số kết quả như sau: Tập đoàn đã có 32 công ty xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững (QLRBV) đạt 280.000 ha diện tích ha đáp ứng theo thông tư số 28/2018/ TT-BNNPTNT; 18 thành viên được cấp chứng chỉ QLRBV theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC-FM) trên 118.336,86 ha rừng cao su và được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC cho 38 nhà máy. Năm 2023, mặc dù thị trường khó khăn nhưng Tập đoàn đã tiêu thụ được 76.312 tấn mủ cao su (năm 2022 là 48.100 tấn) và 2.444 ha cao su thanh lý (năm 2022 là 347 ha) được cấp chứng chỉ cho khách hàng.
Kết quả nổi bật khác nữa là từ năm 2019 Tập đoàn đã tích cực triển khai đến các công ty thành viên thực hiện Chứng nhận doanh nghiệp bền vững do Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đánh giá, xếp hạng và công bố hàng năm. Kết quả các công ty thành viên luôn đạt thứ hạng cao, hàng năm có từ 16-18 công ty nằm trong top 100 và 1 công ty duy trì trong Top 10.
Chương trình PTBV của Tập đoàn còn đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường các giải pháp sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm năng lượng, truyền thông, đào tạo về PTBV, đảm bảo quyền lợi NLĐ và đầu tư an sinh xã hội. Đến nay, Tập đoàn đã và đang triển khai ISO 14001 cho 35 đơn vị; đầu tư 36 hệ thống quan trắc tự động; triển khai chuyển đổi sấy mủ cao su bằng nhiên liệu Biomass của 27 công ty; khoanh nuôi, phục hồi bảo tồn rừng; ban hành Sổ tay Hướng dẫn kết nối cộng đồng trong QLRBV áp dụng tại Việt Nam và Campuchia. Về hoạt động hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, Tập đoàn duy trì và mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức cho chương trình PTBV như: FSC, PEFC, Oxfam, Grow Asia, PanNature, WWF, PbN… Nhằm hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và truyền thông giúp Tập đoàn đạt được các kết quả về PTBV như trên. Trên cơ sở các kết quả thực hiện chương trình PTBV đã đạt được trong các năm qua cũng như điều kiện hiện có và khả năng của Tập đoàn, ngày 25/9/2023, Tập đoàn đã ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh và PTBV giai đoạn 2023- 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát: Tiếp tục phát huy các hoạt động PTBV đã triển khai thành công trong bốn năm (2019 – 2023); mở rộng từng bước một số hoạt động phù hợp đáp ứng các mục tiêu PTBV của quốc gia đã cam kết với Chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc đến năm 2030; tuân thủ chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đạt được tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, tiến tới góp phần nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.
Tập đoàn xác định thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh và PTBV chính là đầu tư cho cơ hội ở tương lai, việc thực hiện các hoạt động “xanh” và “bền vững” cũng là các tiêu chí quan trọng giúp sản phẩm và thương hiệu Tập đoàn đáp ứng yêu cầu khách hàng, đồng thời tạo ra các cơ hội phát triển mới cho Tập đoàn. Bên cạnh ngày càng có nhiều Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia ký kết và có hiệu lực, việc tuân thủ yêu cầu mới về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn giúp sản phẩm của Tập đoàn có nhiều cơ hội hơn nữa trong thị trường xuất khẩu với các điểm cộng thể hiện tính “có trách nhiệm” như sản xuất “xanh”, “bền vững”, “thân thiện với môi trường”.
– Thời gian tới, Tập đoàn có định hướng, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Trương Minh Trung: Trong thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục thực hiện các nội dung sau: Đẩy mạnh thực hiện Chứng nhận của quốc gia và quốc tế về QLRBV và nhà máy chế biến. Tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm có chứng chỉ. Tiếp tục thực hiện Danh hiệu Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam. Tiếp tục thực hiện các giải pháp PTBV như: Bảo tồn và phục hồi rừng tại Campuchia, triển khai trồng cây lâm nghiệp, cây lấy gỗ và tích hợp Dự án GIS- VRG trong QLRBV. Thực hiện các giải pháp tăng hiệu quả kinh tế của PTBV.
Tập đoàn tiếp tục tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội, kết nối cộng đồng và bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động như: Tiếp tục đầu tư an sinh xã hội cho NLĐ và cộng đồng địa phương theo nhu cầu thực tế, đồng thuận của địa phương và phù hợp với nguồn lực, kế hoạch của đơn vị. Tạo điều kiện cải thiện sinh kế, đời sống và góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương. Tăng cường nâng cao nhận thức về các hoạt động tham vấn, kết nối cộng đồng và thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc. Tiếp tục thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đánh giá hiệu quả của các hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái và hệ thống lò đốt Biomass đã thực hiện để có cơ sở mở rộng, thúc đẩy giảm phát thải CO2 và kinh tế tuần hoàn. Tăng cường công tác truyền thông, đào tạo về PTBV. Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về PTBV.
Bên cạnh đó, trong các mục tiêu trọng tâm của Chiến lược tăng trưởng xanh và PTBV của Tập đoàn, mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, Tập đoàn định hướng một số giải pháp cụ thể để giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới như sau:
Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến sản phẩm, vận tải, thương mại và công nghiệp; chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng sử dụng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh sử dụng có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ như năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối..; tận dụng, tái sử dụng chất thải trong nền kinh tế tuần hoàn. Kiểm toán, thống kê, đánh giá kết quả, hiệu quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường, sản xuất sạch hơn của toàn Tập đoàn.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các công nghệ sản xuất, tạo điều kiện phát triển các công nghệ sản xuất, khu dịch vụ xanh mới. Chú trọng ứng dụng công nghệ xanh, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt của quốc gia và quốc tế nhằm góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái. Xây dựng quy chế, hướng dẫn giải pháp đo lường và triển khai thực hiện, giám sát các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính theo hướng kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp.
Thúc đẩy công tác quản lý chất thải và chất lượng không khí thông qua việc nghiên cứu và phát triển các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải theo hướng chuyển hóa chất thải thành tài nguyên, nguyên liệu sản xuất. Thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn. Ngăn ngừa và giảm thiểu phát sinh các chất ô nhiễm không khí và tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí.
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
TUỆ LINH (thực hiện)
Related posts:
- 3 ngày Cao su Kon Tum tái canh xong 209 ha
- Nuôi heo đất: Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
- Thưởng du lịch nước ngoài cho những "bàn tay vàng" Cao su Đồng Nai
- VRG thực hiện tốt tái cơ cấu doanh nghiệp
- Vinh danh 112 tập thể có vườn cây năng suất, chất lượng
- Cao su Chư Păh: Thu nhập bình quân trên 4,9 triệu/người/tháng
- Anh Nguyễn Nghiêm trúng cử vị trí Bí thư Đoàn thanh niên Cao su Ea H’leo
- Tỉnh Điện Biên chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy chế biến mủ Cao su Điện Biên
- Nâng cao hơn nữa vai trò công tác tham mưu
- Khu công nghiệp - Lĩnh vực cốt lõi phát huy hiệu quả sử dụng đất