Phong trào đấu tranh của công nhân cao su dưới góc nhìn nhà sử học

Trần Văn Giàu
GS. Trần Văn Giàu

CSVN – TRẦN VĂN GIÀU (PHÓ CHỦ TỊCH DANH DỰ HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM): Đội ngũ công nhân cao su là một thành phần quan trọng trong giai cấp công nhân Việt Nam; phong trào công nhân cao su thuộc loại sớm nhất,  kịch liệt nhất, được thế giới biết đến nhiều nhất; công nhân cao su là gạch nối giữa công nhân công nghiệp và nông dân, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng liên minh công nông – một nhân tố thắng lợi của quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta; công nhân cao su nằm trên địa bàn thuộc vùng đồng bào dân tộc, cùng chịu chung số phận bị áp bức, nên có sự đồng cảm với nhau, từ đó cùng sát cánh bên nhau đấu tranh chống bọn tư bản thực dân – kẻ thù chung của họ; đồn điền cao su và phong trào công nhân cao su là môi trường rèn luyện của những người cách mạng (ở Bắc là vùng mỏ, ở Nam là vùng đồn điền cao su) – một môi trường rèn luyện tốt nhất (phong trào “vô sản hóa” diễn ra khá mạnh ở đây), cũng là nơi ẩn náu của các chiến sĩ cách mạng trong các thời kỳ thoái trào, bị địch khủng bố, lùng bắt; vùng đồn điền cao su trở thành những căn cứ kháng chiến trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ”.

PGS.TS Huỳnh Lứa
PGS.TS Huỳnh Lứa

PGS, TS. HUỲNH LỨA (NGUYÊN CHỦ TỊCH HỘI SỬ HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH): Là bộ phận công nhân bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất, bị hành hạ dã man nhất dưới chế độ thuộc địa, đội ngũ công nhân cao su Việt Nam luôn thể hiện tinh thần cách mạng triệt để và kiên định, ý chí đấu tranh kiên cường và bất khuất. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù cuộc đấu tranh có khó khăn, gian khổ, hiểm nguy hoặc thất bại đến đâu, người công nhân cao su cũng không hề nản chí, không hề lùi bước. Trong suốt quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm và đấu tranh chống tư bản đồn điền, công nhân cao su luôn được Đảng lãnh đạo. Mối quan hệ giữa Đảng và công nhân cao su là mối quan hệ máu thịt. Chính sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của phong trào đấu tranh của công nhân cao su. Không chỉ kiên cường bất khuất trong đấu tranh cách mạng chống áp bức, bóc lột, chống xâm lược, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, mà đội ngũ công nhân cao su Việt Nam còn kiên cường, dũng cảm, tích cực và sáng tạo trong sự nghiệp phát triển ngành cao su làm giàu cho đất nước. Với truyền thống cách mạng vẻ vang nói trên, đội ngũ công nhân cao su đang cùng với giai cấp công nhân Việt Nam nói chung vững bước tiến lên trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

PGS - TS - Đại tá Hồ Sơn Đài
PGS – TS – Đại tá Hồ Sơn Đài

PGS, TS, ĐẠI TÁ HỒ SƠN ĐÀI (NGUYÊN TRƯỞNG PHÒNG KHOA HỌC QUÂN SỰ QUÂN KHU 7): Không tính quãng thời gian từ khi các đồn điền cao su đầu tiên được thành lập tại xứ Nam Kỳ và cùng với nó là sự ra đời của đội ngũ công nhân cao su với những cuộc đấu tranh tự phát của họ, bắt đầu từ sự kiện thành lập chi bộ Đảng Cộng sản ở đồn điền cao su Phú Riềng vào đêm 28-10-1929, đến nay, đội ngũ công nhân cao su Việt Nam đã đi hết một chặng đường tròn 90 năm. Trong 90 năm ấy, các thế hệ công nhân cao su, trong hàng ngũ giai cấp công nhân Việt Nam, đã đấu tranh không mệt mỏi vì lợi ích giai cấp và lợi   ích dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta chống ách áp bức bóc lột của tư bản thực dân xâm lược và xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh. Số lượng và chất lượng đội ngũ công nhân được nâng cao, người công nhân lao động được chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tri thức chung và trình độ chuyên môn cao, tác phong làm việc khoa học, hiện đại. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã được gìn giữ và lưu truyền trong mỗi gia đình, ở mỗi người công nhân cao su. Trong diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới những thập niên đầu tiên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, đội ngũ công nhân cao su Việt Nam đã dũng cảm đổi mới, sáng tạo, tái cơ cấu ngành, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh ra phạm vi cả nước và khu vực, đưa ngành cao su đi lên phù hợp với quy luật khách quan và xu thế hội nhập quốc tế; góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng kinh tế – xã hội của đất nước, tiếp tục khẳng định vị thế mũi nhọn của ngành cao su trong nền kinh tế quốc dân, đồng thời củng cố thêm vai trò của đội ngũ công nhân cao su Việt Nam trong thời kỳ hội nhập công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

PSG TS Nguyễn Mạnh Hà
PSG TS Nguyễn Mạnh Hà

PGS, TS.NGUYỄN MẠNH HÀ (NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG): Do tập trung với số lượng đông, sản xuất có tổ chức tập thể, kỷ luật chặt chẽ, lao động công nghiệp mang tính dây chuyền, chịu sự bóc lột hà khắc của chủ tư bản, điều kiện làm việc và đời sống khổ cực, nên người công nhân cao su đã từng bước hình thành nên ý thức tổ chức trong lao động, sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày và đấu tranh đòi cải thiện điều kiện lao động, tăng lương, giảm giờ làm (đấu tranh tự phát). Khi các tổ chức cách mạng như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng thành lập và tổ chức hoạt động tuyên truyền trong các nhà máy hầm mỏ, đồn điền, những người công nhân đã bắt đầu giác ngộ về ý thức giai cấp, về quyền lợi, vai trò và trách nhiệm của mình đối với giai cấp, dân tộc, đã hăng hái tổ chức đấu tranh đòi cả các quyền lợi về chính trị (đấu tranh tự giác). Tiêu biểu là cuộc đấu tranh bãi công của 5000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng đầu tháng 2-1930. Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn nhất vào thời điểm đó, có sự chuẩn bị, được Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng lãnh đạo. Cuộc đấu tranh thắng lợi của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng đã đánh dấu bước trưởng thành mạnh mẽ của giai cấp công nhân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đây, những người công nhân, nông dân, trong đó có công nhân cao su, đã có một chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo”.

 P.V MINH NHIÊN (GHI)