CSVN – Giáo sư Vương Văn Quỳnh -– Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái rừng & Môi trường,Đại học Lâm nghiệp, Bộ NN & PTNT được biết đến với nhiều nghiên cứu khoa học về cây cao su, nổi bật là đề tài “Nghiên cứu tác động môi trường của rừng trồng cao su ở Việt Nam”. Giáo sư Vương Văn Quỳnh đã chia sẻ với Tạp chí Cao su VN về kết quả của cả quá trình nghiên cứu của ông về cây cao su.
-Thưa Giáo sư, vừa qua có những luồng ý kiến trái chiều về đặc tính của cây cao su. Bắt nguồn từ phát biểu của Đại biểu Quốc hội Ksor Phước Hà (Gia Lai) cho rằng cao su là loại cây độc, hấp thụ O2 và thải ra CO2, tức trái ngược với các loài thực vật thông thường. Về góc độ chuyên môn, Giáo sư có ý kiến gì về vấn đề này?
Giáo sư Vương Văn Quỳnh: Cây cao su có tên khoa học là Hevea brasiliensis thuộc họ Euphorbiaceae. Nó là một loài cây rừng nhiệt đới, trong tự nhiên nó sống hòa hợp với các loài cây khác hình thành nên những hệ sinh thái rừng tự nhiên bền vững.
Cũng như các cây xanh khác, khi quang hợp để hình thành được một tấn gỗ, hay một tấn nhựa khô, cao su sẽ hấp thụ khoảng 1,5 tấn CO2, và đưa vào khí quyển 1 tấn O2. Như thế là nó không ngược với các loài cây khác đâu.
Trong lá cao su chứa một chất hữu cơ dễ bay và có tính độc là trans-2-Hexenal là một andehyde không no có nối đôi ở vị trí cacbon số 2. Công thức hóa học của nó là C6H10O. Hàm lượng khoảng 2,156 mg trên 1 kg lá khô. Tuy nhiên, vì nó dễ bay hơi nên không tìm thấy hợp chất này trong nước và trong đất rừng cao su. Dự đoán rằng về ban đêm, trong những ngày gió yếu thì hàm lượng chất này ở lớp không khí sát mặt đất rừng sẽ cao hơn và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Trong thực tế thì Trans-2-Hexenal cũng tìm thấy trong nhiều loại rau quả và trái cây khác như chè, khế… Trong nhiều trường hợp người ta sử dụng nó với hàm lượng thấp như một phụ gia thực phẩm để lấy hương vị.
Tóm lại về mặt sinh thái cây cao su thực sự không phải là cây có chất độc nguy hiểm, cũng không phải là loài cây khác thường.
-Trên thực tế, rừng cao su nói riêng và các loại rừng trồng cây công nghiệp nói chung hầu như không có sinh vật sinh sống như rừng tự nhiên, theo Giáo sư nguyên nhân do đâu?
Giáo sư Vương Văn Quỳnh: Cũng như với các rừng trồng khác, dưới rừng cao su thường có một số ít loài động vật như cầu cấu ăn lá, sùng ăn rễ, giun đất, mối, chuột, rắn… số lượng cũng ít hơn so với rừng tự nhiên. Nguyên nhân một phần do cách chăm sóc rừng, người ta chặt, phát, dọn các cây bụi thảm tươi, dùng thuốc diệt cỏ, hóa chất kích mủ… làm cho rừng trồng cao su chủ yếu còn lại cây cao su. Do mất đi nguồn thức ăn ưa thích của nhiều loài côn trùng và động vật mà chúng phải di chuyển đến những diện tích khác để kiếm ăn và sinh sống. Tình trạng đó kéo dài hết năm này sang năm khác làm cho hệ động vật và vi sinh vật trong đất suy giảm đi. Mặt khác, trong quá trình chăm sóc rừng và khai thác mủ người ta cũng làm mất đi những lùm bụi là chỗ ẩn lấp, chỗ làm tổ của nhiều loài. Người ta thậm chí làm chúng sợ hãi buộc phải di chuyển đến những nơi khác.
- Có ý kiến cho rằng cây cao su không thể được được tính vào tỷ lệ cây phủ rừng vì đây không phải là loài cây có lợi cho môi trường. Theo Giáo sư, ý kiến phản đối tính diện tích trồng cao su vào tỷ lệ cây phủ rừng có đúng không? Xin Giáo sư đánh giá vai trò của cây cao su trong việc bảo vệ môi trường, phát triển rừng?
Giáo sư Vương Văn Quỳnh: Là cây xanh thì loài nào cũng có lợi cho môi trường, chúng luôn có hiệu quả trong việc làm trong lành khí quyển, hấp thụ CO2, giải phóng O2, cải tạo đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ các giống loài…. Rừng cao su với lượng sinh khối hàng trăm mét khối trên mỗi hecta có tác động tích cực đến bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái nói chung, nên trong lâm nghiệp cây cao su được xem là loài cây rừng đa mục đích, nhiều tỉnh tính diện tích rừng cao su là diện tích rừng, thậm chí còn xem là diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong chương trình kiểm kê rừng quốc gia người ta tính diện tích cao su là diện tích rừng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi cao su được trồng trên đất không phải quy hoạch cho lâm nghiệp. Ở những diện tích này người ta không bắt buộc phải giữ rừng, nếu cao su có hiệu quả kinh tế cao thì họ trồng cao su, nếu hiệu quả kinh tế của nó giảm đi thì họ có thể chặt và trồng cây khác, thậm chí là cây nông nghiệp. Vì vậy, một số tỉnh không tính diện tích rừng cao su vào diện tích rừng.
Không có văn bản nào ngăn cản tính diện tích cao su vào diện tích rừng.
-Cây cao su hiện đang giải quyết lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động cũng như góp phần tăng trưởng kinh tế. Vậy theo Giáo sư người trồng cao su làm thế nào để đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo môi trường sinh thái?
Giáo sư Vương Văn Quỳnh: Bản thân cây cao su không phải là cây có hại với môi trường mà cách thức canh tác của con người, các biện pháp kỹ thuật của con người đã làm cho nó tổn hại đến môi trường. Cần phải áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường ở những nơi, những điều kiện mà những hoạt động canh tác có thể làm tổn hại đến môi trường, đặc biệt là trên những vùng đất dốc.
Người ta chỉ cần áp dụng đúng hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình trồng rừng cao su là đã ổn, vừa nâng cao năng suất cao su vừa bảo vệ môi trường, cũng là bảo vệ những điều kiện cho kinh doanh rừng trồng cao su bền vững. Những biện pháp bảo vệ môi trường với rừng trồng cao su hiện nay chủ yếu là biện pháp bảo vệ đất và đa dạng sinh học. Bảo vệ lớp thảm cỏ, giữ lại lá khô để chống xói mòn, giảm bớt sử dụng hóa chất để bảo vệ các loài sinh vật đất, các loài côn trùng và thú nhỏ… sẽ là những biện pháp bảo vệ môi trường chủ yếu nhất với rừng trồng cao su.
-Trong các tiêu chí phát triển bền vững mà các doanh nghiệp trồng cao su đang thực hiện, cần chú trọng vấn đề gì để môi trường sinh thái của cây cao su có thể là nơi sinh sống của các sinh vật khác, thưa Giáo sư?
Giáo sư Vương Văn Quỳnh: Các tiêu chí để quản lý bền vững rừng trồng cao su của VRG là rất tích cực. Tôi nghĩ nên bổ sung một tiêu chí cụ thể nữa là tăng cường chống xói mòn bảo vệ đất dưới rừng trồng cao su. Cũng như các rừng trồng khác, rừng cao su trồng thuần loại, không có cây nhỏ và cây bụi thảm tươi. Vì vậy, các hạt nước mưa rơi trực tiếp hoặc đọng trên lá rồi rơi xuống mặt đất có động năng lớn gây xói mòn mạnh. Quá trình ấy làm đất bí chặt, thấm và giữ nước kém làm cho rừng mất dần khả năng lưu giữ và điều tiết nguồn nước. Cần phải bảo vệ được lớp đất tơi xốp dưới rừng trồng cao su để phát huy hiệu quả giữ nước và giữ đất nước của rừng.
-Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
TRẦN HUỲNH (THỰC HIỆN)
Related posts:
- Cao su Hương Khê: Nhiều phương án khắc phục khó khăn
- "Đảng bộ VRG đã thực hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện, trực tiếp"
- Đón Tết Đinh Dậu vui tươi, đầm ấm, an toàn và tiết kiệm
- Các đơn vị khu vực Tây Nguyên: Sẵn sàng sản xuất thành công sản phẩm SVR 10 mix
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Công ty TNHH Cao su Việt-Lào
- Cao su Phú Riềng tuyên dương 130 học sinh sinh viên xuất sắc
- Sẽ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các công ty thành viên VRG tại Campuchia
- Anh Nguyễn Nghiêm trúng cử vị trí Bí thư Đoàn thanh niên Cao su Ea H’leo
- Cao su Việt - Lào: Phấn đấu giữ tiền lương bằng năm 2014
- “Các đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong 6 tháng đầu năm”