CSVN – Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo có 6 anh chị em, không được học hết phổ thông, phải đi phụ anh cạo mủ nuôi sống gia đình. Đến nay, nhờ bản tính vượt khó đã giúp chị Nguyễn Thị Hằng xứng đáng đứng trên bục vinh quang tại Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ của Cao su Ea H’leo.
Một đời vượt khó
Nhìn nét trẻ trung, dáng hình nhỏ nhắn khi lên bục vinh quang nhận giải quán quân, không ai nghĩ rằng cô gái có xuất thân từ khúc ruột miền Trung Nguyễn Thị Hằng ở Đội Cao su Dlie Yang lại có một tuổi thơ, một cuộc đời cơ cực, chẳng khác nào gian nan như cây cao su bén rễ trên đất Tây Nguyên.
Chia sẻ với chúng tôi sau khi bế mạc Hội thi Bàn tay vàng, chị Hằng cho biết: “Cha mẹ em đều là người Quảng Trị, vào Bình Phước lập nghiệp rồi mới lên Đăk Lăk sinh em. Em có anh trai từng làm công nhân cạo mủ, nhưng đã mất trong một tai nạn không mong muốn sau giờ đi cạo mủ về, cha em cũng mất sớm do bạo bệnh, 6 anh chị em cùng mẹ già phải nương tựa nhau sống qua ngày, nên em không được đến trường như các bạn cùng lứa”. Chị Hằng cho biết thêm: “Ngày ấy, nhà em nghèo lắm, ăn không no, mặc không ấm, chỉ có anh là có tiền lương, anh chị em khác đều đi làm công việc tự do, nương rẫy nên cuộc sống bấp bênh lắm. Em thấy anh trai có lương từ việc cạo mủ, nên theo phụ để có thêm sản lượng, có thêm chút tiền phụ giúp gia đình”.
Cuộc sống vất vả đã đưa đẩy chị lập gia đình sớm trước tuổi, chẳng may lại rơi vào gia đình có chồng là con trai duy nhất trong nhà, nên áp lực phải sinh con trai trở thành gánh nặng hơn bao giờ hết.
Không việc làm ổn định, mưu sinh…đã đưa chị Hằng vào làm công nhân cao su như một cơ duyên đặc biệt, công việc này giống như chiếc phao đã cứu cánh cho gia đình nhỏ của mình từng bước vượt qua khó khăn, gian khổ để các con hàng ngày được sải bước đến trường.
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Biết công việc cạo mủ là vất vả, khó khăn, nhưng khi quyết định nộp đơn xin làm công nhân năm 2017 khi đã 26 tuổi, cái độ tuổi tưởng chừng như chỉ cần có công việc làm, có thu nhập là được, nhưng trong suy nghĩ của chị không chỉ dừng lại ở việc làm, thu nhập mà phải vươn lên và vươn xa khi tuổi đời còn cho phép.
Chị Hằng tâm sự: “Nhờ có chút kiến thức theo anh ra lô ngày nhỏ, nên em hiểu cây cao su lắm. Em đã gắn bó với nó từ nhỏ, dần thành yêu nên sẽ đồng hành cùng cây cao su cho đến lúc nghỉ hưu. Từ suy nghĩ ban đầu là mình phải cố gắng thật nhiều để có thu nhập, tiền lương lo cho gia đình khi chồng cũng chỉ là người lao động tự do, nên em quyết tâm sẽ phải phấn đấu, học hỏi nhiều từ đồng nghiệp, những người đi trước, cán bộ đội để trau dồi tay nghề, trình độ và kinh nghiệm của mình. Chính vì thế, từ ngày vào làm công nhân cạo mủ đến giờ em luôn là người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khai thác kế hoạch sản lượng, thường xuyên về đích sớm và được các cấp biểu dương, khen thưởng”.
Những cố gắng, nỗ lực của chị Hằng đã được đền đáp một cách xứng đáng, điều mà ít người có thể làm được. Chị Hằng cho hay: “Năm 2022, lần đầu em được đi thi nhưng chỉ là dự bị, không nản lòng em quyết cạo thật tốt để được đơn vị chọn lựa. Lần này được dự chính thức em mừng lắm, thật sự không nghĩ rằng mình giành được giải nhất. Đến giờ, khi bế mạc rồi em vẫn chưa tin lắm, niềm vui và hạnh phúc ấy em không thể diễn tả thành lời, chỉ biết nói rằng mình đã làm được và rất tự hào về điều đó”.
GIA LINH
Related posts:
- Lớp thợ giỏi đầu tiên
- Nghề tổ chức cán bộ phải được đào tạo, rèn luyện
- Sáng kiến từ lòng nhiệt huyết
- “Phong trào Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi giúp tôi trưởng thành hơn”
- Viết tiếp trang sử vẻ vang
- Những bông hồng ngày 8/3
- “Giải thưởng tạo động lực, khích lệ tinh thần sáng kiến, cải tiến”
- Những đôi tay vùng cao làm cao su
- Người công nhân nói ít, làm nhiều
- Xuân xa quê vì nhiệm vụ