“Nên nuôi dưỡng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến”

CSVN – 35 năm làm việc ở cao su Đồng Phú, trải qua nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, trong đó có đến 21 năm phụ trách thi đua khen thưởng, ông Dương Thanh Bạch – Nguyên Chuyên viên thi đua khen thưởng Công ty CPCS Đồng Phú khi về hưu vẫn trăn trở về những vướng mắc, khó khăn trong công tác thi đua khen thưởng, đặc biệt là quyền lợi của người công nhân lao động trực tiếp.
Ông Dương Thanh Bạch (bên phải) cùng ông Nguyễn Văn Hoa – nguyên chuyên viên về công tác thi đua khen thưởng của VRG
Ông Dương Thanh Bạch (bên phải) cùng ông Nguyễn Văn Hoa – nguyên chuyên viên về công tác thi đua khen thưởng của VRG
Thương người công nhân “một nắng, hai sương”

Với kinh nghiệm hơn 21 năm phụ trách thi đua khen thưởng, ông Bạch trăn trở: “Làm công nhân cạo mủ cao su, dù ở thời điểm nào thì đây vẫn được xem là một nghề lắm nỗi nhọc nhằn. Để hoàn thành tốt công việc, người công nhân phải vượt qua khó khăn, mà ở đó nếu không có tình yêu nghề thì khó có thể gắn bó được với nghề. Nghề cạo mủ cao su làm việc ngoài trời, các công nhân thường xuyên đối mặt với trở ngại như cạo mủ ban đêm lo về an ninh trật tự, các hiểm họa như rắn, rết, bò cạp… chực chờ”.

“Vất vả là vậy, nhưng với họ, đã chọn nghề này thì phải có một tình yêu lớn lao, khi đó mới chấp nhận được cuộc sống quanh năm suốt tháng gắn liền với những lô cao su, chỉ đến khi cao su vào mùa rụng lá thì lúc đó họ mới có được những giây phút thảnh thơi. Chính vì nghề công nhân cạo mủ cao su vất vả, thiệt thòi nên lãnh đạo VRG, các đơn vị và Công đoàn Cao su VN luôn ưu tiên tuyên dương, vinh danh”, ông chia sẻ.

[cow_johnson general_float=”center”]Năm 1981, ông Bạch làm nhân viên phòng tổ chức hành chính Công ty Cao su Đồng Phú. 3 tháng sau, ông chuyển qua phòng kế hoạch và được cử đi học lớp nghiệp vụ qui hoạch ở tỉnh Đồng Nai. Năm 1982, ông làm ở bộ phận qui hoạch, Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp. Năm 1984, ông giữ chức Phó Bí thư Đoàn công ty. Năm 1989 đến năm 1995, ông giữ chức Bí thư Đoàn công ty. Năm 1995, ông phụ trách thi đua khen thưởng cho đến khi nghỉ hưu[/cow_johnson]

Tuy nhiên, theo ông Bạch, theo luật thi đua khen thưởng, danh hiệu chiến sĩ thi  đua  phải  có sáng  kiến, người công nhân suốt ngày cặm cụi ngoài lô và hầu như đa phần trình độ học vấn còn hạn chế, không thông thạo viết một bản báo cáo thành tích, chứ đừng nói đến những sáng kiến. Hầu hết, cán bộ thi đua khen thưởng phải phác thảo chi tiết, nhiều khi viết hộ. Có những công nhân trực tiếp nhiều năm liền làm việc rất siêng năng, cần mẫn, luôn hoàn thành vượt mức sản lượng, yêu ngành, yêu nghề, nhưng lại không có sáng kiến, không viết thành tích báo cáo nên rất thiệt thòi, không có danh hiệu thi đua khen thưởng.

“Bên cạnh đó, các gương điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều, thành tích đạt được mang ý nghĩa và giá trị cao. Song việc nuôi dưỡng nhân tố mới và nhân rộng gương điển hình tiên tiến còn nhiều hạn chế. Tôi mong rằng lãnh đạo các đơn vị quan tâm hơn nữa trong công tác nuôi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến” – ông Bạch chia sẻ.

Luôn tin yêu tờ tạp chí  ngành

35 năm làm  việc  ở  ngành  cao  su là 35 năm ông Bạch làm cộng tác viên của Tạp chí Cao su VN. Ông cho biết, “Tờ Tạp chí ngành luôn gắn bó với tôi, mỗi tháng 2 số tôi đều theo dõi đều đặn, không bỏ sót một chuyên mục nào. Tạp chí Cao su VN năm nay tròn 35 năm, cả khoảng thời gian dài ấy, Tạp chí Cao su VN luôn đồng hành cùng người lao động trong ngành, chuyển tải đầy đủ những chủ trương chính sách của ngành và tâm tư nguyện vọng của người lao động. Tạp chí đã không ngừng nâng cao, mở rộng thông tin đến bạn đọc qua trang tin  điện tử, bản tin truyền hình… Tôi mong rằng, với bề dày truyền thống 35 năm ấy và sự tin yêu của bạn đọc, Tạp chí Cao su VN sẽ luôn là món ăn tinh thần, đồng hành với người lao động ngành cao su”.

Trần Huỳnh