CSVN – Ngay lúc này có lẽ mong ước lớn nhất của anh chị em đang công tác tại Lào, Campuchia là được về thăm gia đình. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid – 19 đã làm gián đoạn việc tưởng chừng là đơn giản ấy. Và khi nghe chia sẻ của các anh chị, có những trường hợp khiến chúng tôi quặn thắt lòng, thậm chí rơi nước mắt vì xúc động.
“Lỡ” những sự kiện quan trọng trong đời
Chắc có lẽ không cần nhắc đến sức tàn phá nặng nề dịch bệnh Covid – 19 thì ai cũng đã biết. Nhưng khi đặt bút viết những dòng này, ngay thời điểm này chúng tôi thấy “tội” nặng nhất của dịch bệnh đó là làm tạm dừng bao khát khao của tuổi trẻ, làm ngăn cách tình yêu đôi lứa và làm cho gia đình phải tạm xa nhau. Họ đã phải nén nỗi nhớ vào lòng, không thể có mặt trong những sự kiện quan trọng của đời người và của gia đình.
Vừa kết hôn năm 2019, tháng 6 vừa rồi gia đình anh Nguyễn Duy Phong – Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom có một sự kiện đặc biệt đó là đại gia đình mong ngóng chào đón thành viên mới. Con gái chào đời khi cả thế giới vẫn đang gồng mình với dịch bệnh. Lần đầu tiên lên chức bố, anh cũng như nhiều người khác, hồi hộp chờ đợi. Và theo lẽ thường, anh phải có mặt bên cạnh để động viên vợ trong ngày trọng đại đó nhưng rồi vì điều kiện công tác xa nhà trong tình hình dịch bệnh phức tạp, anh không thể về được. Tại Việt Nam, vợ anh bước vào phòng sinh một mình. Ở Campuchia, lòng anh cũng nóng như lửa đốt khi hướng về quê hương. Anh muốn đồng hành cùng vợ trong thời khắc thiêng liêng đó nhưng không biết làm sao khi dịch bệnh còn bùng phát và việc đi lại giữa hai nước bị ngăn cách.
Cũng là phụ nữ với nhau, chúng tôi thật sự xúc động đến rơi nước mắt khi nghe câu chuyện của anh chị. Phải nói rằng, chúng tôi hiểu được phụ nữ dù có mạnh mẽ đến đâu thì khi sinh con, người mà họ mong muốn kề cận nhất chính là chồng mình. Chắc chắn rằng chị rất bản lĩnh và cố gắng rất nhiều khi anh còn đang công tác xa.
Anh chia sẻ: “Vợ khóc rất nhiều nhưng cô ấy cũng hiểu và thông cảm cho công việc của tôi, như vậy tôi mới có thể yên tâm làm việc. Cảm ơn cô ấy đã vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn để mẹ tròn con vuông. Con gái đầu lòng của chúng tôi chào đời rất mạnh khỏe, đó là một niềm hạnh phúc lớn lao của cả gia đình. Dù chưa được ôm con, hôn con khi con cất tiếng khóc chào đời nhưng tôi tin rằng con gái sẽ hiểu cho tôi”.
“Thật tâm bây giờ chỉ cầu mong sao cho hết dịch hoặc dịch bệnh được khống chế để vấn đề đi lại dễ dàng hơn, lúc đó không chỉ tôi mà các anh chị khác đều được về Việt Nam thăm gia đình. Đó là nỗi niềm chung, chúng tôi ở bên này đều tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất. Chúng tôi vẫn luôn động viên nhau cố gắng và vững tin dịch bệnh sẽ nhanh chóng kết thúc, nhanh thôi anh chị em sẽ được về thăm gia đình”, anh cho biết thêm.
Cả hai vợ chồng chị Hồ Thị Thủy – Nhà máy Chế biến 27/2, Công ty CPCS Việt Lào hiện tại đều đang ở Lào, còn hai con thì gởi cho bà ngoại chăm sóc tại Gia Lai. Vợ chồng chị ăn Tết Nguyên đán ở Việt Nam xong là trở lại Lào làm việc. Và tính từ đó tới nay, anh chị vẫn chưa có dịp về chỉ vì “Cô Vy” hoành hành. Vừa qua, vào dịp sinh nhật con trai, vợ chồng anh chị cũng chỉ theo dõi buổi tiệc sinh nhật do bà ngoại tổ chức qua facebook.
Hàng năm cứ vào dịp hè, hai con của chị đều rất háo hức vì được qua Lào thăm ba mẹ và đón hè tại Lào nhưng năm nay thì không được như những năm trước. Anh chị có muốn thay nhau về thăm con cũng không được. Phụ nữ thương con vô bờ bến, với chị, chị may mắn khi có mẹ chăm sóc đưa đón hai con đến trường khi anh chị còn đang công tác xa nhà. Nhưng nỗi niềm của người làm cha, làm mẹ luôn muốn mình có mặt trong những dấu mốc khôn lớn trưởng thành của con.
Năm nay, chị đã lỡ hẹn không về mừng tuổi mới với con, không được nắm tay con đến lớp ngày tựu trường. Chị biết đó là một thiệt thòi lớn đối với con, chị tự nhủ khi hết dịch sẽ đền bù cho các con thật xứng đáng.
Những tâm tình đều “nhờ” mạng xã hội
Anh Bế Văn Tài – Nhân viên kỹ thuật Nông trường 3, Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie sang công tác tại Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie được 2 năm. Khi dịch Covid – 19 chưa bùng phát thì mỗi tháng anh cũng như bao anh em khác trong đơn vị có 4 ngày nghỉ để về thăm nhà. Nhưng hiện tại đã hơn 5 tháng anh chưa được về thăm vợ con.
Nghe câu chuyện của anh, chúng tôi thấu hiểu được nhiệt huyết của một người trẻ, hy sinh tình cảm cá nhân, đi làm xa nhà để có thêm thu nhập lo cho gia đình. Hiện nay, vợ anh ở nhà cáng đáng rẫy vườn và thêm đó là hai con còn rất nhỏ, con trai thứ 2 của anh mới chào đời cuối năm 2019. Nói như vậy là anh chỉ gặp con dịp Tết và tới giờ thì con vẫn “chưa thấy ba đâu”. Giọng anh chùng xuống “thương lắm, có khi hết dịch được về, con quên mặt anh rồi”.
Anh tâm tình: “Không chỉ tôi mà còn rất nhiều anh em khác tại Lào, Campuchia và những người xa quê hương trên khắp thế giới đều chưa có cơ hội để về thăm gia đình. Bản thân tôi lúc này có nhiều trăn trở, ngổn ngang, vừa lo công việc vừa thương cho vợ ở nhà một mình lo hai đứa nhỏ thật sự vất vả, không biết ở nhà phòng chống dịch có tốt không. Những lúc thế này càng thấy thương vợ hơn, bởi càng khó khăn thì mới biết được rằng cần có nhau bên cạnh hơn bao giờ hết để động viên, chia sẻ với nhau”.
Có những đêm “bên này” ngồi nhớ “bên kia”, tất cả những tình cảm ấy anh đều “nhờ” mạng xã hội, Zalo, facebook và cả điện thoại chuyển tải đến vợ con. Ngoài giờ làm việc, anh tranh thủ gọi về để được trò chuyện với con để khuây khỏa niềm mong nhớ. Khi hỏi anh mong muốn điều gì nhất vào thời điểm này, anh ngắn gọn rằng: “Muốn được ôm con vào lòng và được đỡ đần những vất vả với vợ”.
Điều đó cũng đủ để chúng tôi hiểu rằng dù xa xôi cách trở, dù dịch bệnh có cách ngăn thì tình cảm của anh luôn hướng về quê nhà, nơi vợ và các con cũng đang mong cho dịch bệnh nhanh chóng qua đi để cả gia đình được đoàn tụ. Khi thực hiện chuyên đề này, chúng tôi đã liên hệ với rất nhiều anh chị em hiện đang công tác tại Lào, Campuchia. Mỗi câu chuyện các anh chị em chia sẻ là một hoàn cảnh riêng, có những trường hợp từ khi con sinh ra cho đến lúc con chập chững những bước chân đầu đời vẫn chưa được gặp con, có lứa đôi phải hoãn cưới do dịch bệnh…
Và chúng tôi, khi chuyển tải những câu chuyện đó đều rất đồng cảm và hy vọng các anh chị vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn này để yên tâm công tác. Rồi đây, khi tình hình ổn định sẽ được gặp lại nhau như lời hứa hẹn trong mùa dịch và sẽ thực hiện được những dự định còn dở dang.
QUỲNH MAI
Related posts:
- Công đoàn đã tạo nhiều dấu ấn trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua
- Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phản hồi thông tin báo chí về kết luận của Thanh tra Chính phủ
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệ...
- Tổ chức Chương trình nghệ thuật gây Quỹ xây dựng “Làng công nhân cao su”
- Người chọn cao su phát triển sự nghiệp
- Khi lao động chủ động đến "đầu quân"
- Thủ tướng biểu dương hơn 2 triệu sáng kiến làm lợi hàng chục nghìn tỷ đồng
- Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết về mua vaccine COVID-19
- Chuyến xe tôi đi, rừng cây tôi đến
- Cao su Phú Thịnh nhất toàn đoàn Hội thao Khu vực III