CSVN – Nối tiếp truyền thống ngành cao su, 5 đứa con gái của ông bà, lớn lên lần lượt nộp đơn xin vào làm công nhân (CN) cạo mủ tại đội 16, đội 17 NT Xa Cam (nay là tổ 1, tổ 2 NT Xa Cam, Cao su Bình Long). Sau khi lập gia đình 5 người con rể cũng làm CN. Cứ thế, cha truyền con nối, trong một gia đình có 10 người con làm CN cạo mủ.
Năm 1981, khi các công ty cao su ra miền Trung tại Vĩnh Linh, Quảng Trị tuyển CN, ông Nguyễn Hữu Bường là một trong những người xung phong đi đầu tiên. Ông đưa vợ con vào tại CTCS Bình Long. Nhận nhiệm vụ, ông được công ty bố trí làm Đội phó đội 17, NT Xa Cam. Vợ ông là bà Trần Thị Thỏn cũng vào làm CN cạo mủ. Hai năm sau ông làm đội trưởng, đến năm 1987 ông được đề bạt lên làm Giám đốc NT Xa Cam, năm 1989 ông bị suy thận sức khỏe giảm sút nên xin nghỉ việc. Vợ ông vẫn tiếp tục làm CN đến năm 1995 mới xin nghỉ.
Tiêu biểu trong gia đình truyền thống này là chị Nguyễn Thị Xuân, người con gái thứ hai – Người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chúng tôi tìm đến phần cây chị Xuân đang làm việc. Chị kể: “18 tuổi em vào làm CN cạo mủ. Thời gian sinh hoạt Đoàn em quen và yêu anh Trần Công. Ba mẹ phản đối kịch liệt, ba em bảo xã hội hết người hay sao mà hai chị em lấy hai anh em, làm sao mà dài dòng lớn họ được. Cũng vì quá yêu chồng nên em bất chấp sự phản đối của gia đình và dư luận xã hội, em chấp nhận xách gói ra đi”.
Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Về nhà chồng, ba mẹ chồng già yếu, nhà nghèo, vợ chồng anh chị ở chung với ông bà, hai vợ chồng tạo dựng cơ nghiệp bắt đầu bằng con số 0. Quá trình phấn đấu không mệt mỏi của anh chị trong suốt 17 năm làm CN, kết quả mua được 1 ha cao su và một lô đất thổ cư tại trung tâm TX Bình Long.
Hiện anh chị vẫn sống chung với cha mẹ chồng, và phụng dưỡng ông bà vì ông bà nay cũng đã bước vào cái tuổi thất thập. Ông bị tai biến nằm một chỗ hơn 10 năm, một tay chị chăm sóc, phụng dưỡng. Năm ngoái ông mới mất, còn lại mẹ già yếu, chị luôn trọn vẹn vai trò là dâu hiền vợ đảm.
Khi được hỏi: “Hai vợ chồng được phân hai phần cây không có người phụ giúp lại còn cạo mủ nhà, lớp lo cho mẹ già, lớp nuôi heo nái vậy em cáng đáng sao nổi?”. Chị cười hiền: “Vậy mà em làm hết chị ạ! 2 giờ sáng vợ chồng cạo mủ nhà, 4 giờ đi cạo cho công ty, đến 12 giờ trưa về trút mủ của nhà xong là chồng lo cho heo ăn, còn em lo cơm nước cho cả nhà”.
Hai đứa con chị, cháu Trần Nguyễn Thanh Hương lớp 8, cháu Trần Nguyễn Thanh Hoài lớp 7 đều là học sinh khá giỏi nhiều năm liền. Được biết, chị Xuân còn là một vận động viên trong đội bóng đá, bóng chuyền của NT Xa Cam. Mỗi lần thi đấu cấp công ty là giành giải cao, đem vinh quang về cho NT. Không những thế, chị còn tham gia tích cực các phong trào tại địa phương mỗi khi lễ Tết như kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố…
Công việc bề bộn là thế nhưng chị còn đảm nhận làm cán bộ nữ công của tổ. Với bản tính hòa nhã, vui vẻ, giản dị, luôn gần gũi chị em nên chị được mọi người trong tổ yêu thương quí mến.
NGUYỄN THỊ NHỊ
Related posts:
- “Hội thi Bàn tay vàng là kỳ Festival đặc biệt của ngành cao su”
- "Giải thưởng Cao su Việt Nam tiếp thêm động lực phấn đấu tốt hơn thời gian tới"
- Chung tay xây dựng và giữ vững truyền thống
- "Luôn cố gắng noi gương Bác Hồ bằng những việc làm gần gũi nhất"
- "Chiến sĩ áo trắng" trong lòng người lao động
- Người Đảng viên say mê tìm hiểu lịch sử cách mạng
- “Phải có niềm đam mê mới thành công với nghề”
- Mạch nguồn chảy mãi
- Một người lãnh đạo, một hình ảnh đẹp trong ngành cao su
- Truyền thống gia đình là động lực phấn đấu