Tự hào lớn lên trong gia đình truyền thống

CSVN – Qua bao thăng trầm lịch sử, dòng nhựa trắng vẫn miệt mài tuôn chảy cùng với bao thế hệ đã gắn bó, chung sức xây dựng ngành cao su phát triển. Công ty CPCS Tây Ninh là một trong những đơn vị có nhiều gia đình truyền thống gắn bó với cao su qua bao thế hệ.

Anh Võ Thành Sơn trên vườn cây của mình
Từ công nhân khai thác siêng năng

Đến Nông trường Gò Dầu hỏi thăm công nhân Võ Thành Sơn hầu như ai cũng biết. Anh sinh năm 1982, là con trai lớn trong gia đình 4 thế hệ làm công nhân cao su. Anh Sơn cho biết: “Từ nhỏ thường hay đi phụ ba mẹ trút mủ nên rất gắn bó với cây cao su. Cao su đã nuôi sống các thế hệ gia đình tôi, nên tôi quyết định nối nghiệp các thế hệ trước, tiếp tục gắn bó với nghề cạo mủ. Năm 2004, tôi xin vào làm công nhân NT Gò Dầu”.

Bằng tình yêu nghề và những kinh nghiệm của thế hệ đi trước truyền lại, cộng với sự nỗ lực, chịu khó nên nhiều năm liền anh đều hoàn thành kế hoạch sản lượng. Với những thành tích đạt được trong lao động sản xuất, năm 2020, anh vinh dự được Nông trường Gò Dầu tuyển chọn vào đội thi của công ty, tham gia Hội thi Bàn tay vàng toàn ngành.

Anh chia sẻ: “Xuất thân trong một gia đình truyền thống 4 thế hệ công nhân cao su là niềm tự hào của bản thân. Đó là động lực giúp tôi phấn đấu, lao động thật tốt và tiếp tục gắn bó với cao su”. Với sự nỗ lực phấn đấu trong lao động, anh Sơn đã nhận được bằng khen của VRG nhiều năm liền. Năm 2021, được Công đoàn Cao su Việt Nam trao danh hiệu “Công nhân Cao su ưu tú”.

Đến cán bộ kỹ thuật đam mê sáng kiến

Nhắc đến những đơn vị có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty phải kể đến Nông trường Bến Củi. Đây là nơi hội tụ nhiều cán bộ kỹ thuật đam mê sáng kiến. Một trong số đó có anh Đỗ Hoàng Sơn – cán bộ kỹ thuật nông trường.

Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống, từ nhỏ anh Sơn thường nghe ông nội kể về cây cao su, về nông trường và những người công nhân cần mẫn. Các thế hệ gia đình anh đều có cuộc sống ổn định nhờ cao su. Vì vậy, ngay từ nhỏ anh đã nuôi ý định sẽ học thật tốt để trở về phục vụ cho ngành cao su.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm anh chọn ngành cao su để thỏa chí đam mê sáng tạo, sau đó anh chính thức được về làm cán bộ kỹ thuật Nông trường Bến Củi. Và anh trở thành thế hệ thứ 4 của gia đình có truyền thống ngành cao su. Hơn 10 năm làm việc, anh Sơn luôn vận dụng hết khả năng, sự sáng tạo của mình, cùng đồng nghiệp tạo ra nhiều sáng kiến, cải tiến trong sản xuất kinh doanh.

Khi được hỏi về những sáng kiến cải tiến của mình, anh Sơn cho biết: “Làm nông nghiệp muốn có hiệu quả thì phải áp dụng công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, phải sáng tạo ra nhiều cái mới để tăng năng suất và giảm vất vả cho người lao động. Có như vậy mới làm lợi cho công ty và tăng thu nhập cho công nhân”.

Các sáng kiến, cải tiến của anh có thể kể đến như: Cải tiến cần phun thuốc bình đeo vai (phun 1 béc thành 2 béc) nhằm giảm công lao động; Cày ngầm trên đường băng kết hợp lấp hố trước khi trồng mới tái canh; Sử dụng phương pháp khoan hố kết hợp cày ngầm lấp hố trên vườn cây trồng mới tái canh.

Theo anh Sơn: “Diện tích trồng mới hàng năm của nông trường khá lớn trong khi suất đầu tư ngày càng giảm. Các sáng kiến, cải tiến của mình chủ yếu phục vụ công tác trồng mới và chăm sóc KTCB nhằm giảm công lao động, giảm chi phí mà vẫn đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt”.

ĐÀO PHONG