Tri ân người thầy không bục giảng của ngành cao su

CSVN – Có những người thầy chưa bao giờ có bục giảng, chưa một ngày cầm viên phấn và họ cũng chưa bao giờ được gọi một tiếng thầy giáo. Nhưng từ kỹ năng kiến thức mà họ truyền đạt tạo ra cả một thế hệ học trò công nhân cao su tiếp bước truyền thống cha anh, góp phần xây dựng ngành cao su phát triển.

Cán bộ nông nghiệp Nông trường Minh Hòa (Cao su Dầu Tiếng) truyền đạt kiến thức và kỹ năng khai thác mủ cao su cho người lao động. Ảnh tư liệu

Đó là những cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cao su tại các nông trường, họ là những người cầm tay hướng dẫn cho công nhân từ lý thuyết về cây cao su, cho đến đường cạo, lát dao. Cũng chính họ là người đặt nền móng cho những công nhân cao su có tay nghề thành thạo, đặt tiền đề cho thu hoạch mủ, nâng cao sản lượng vườn cây. Và cũng từ những người thầy không bục giảng này, hàng chục, hàng trăm bàn tay vàng cấp đơn vị, cấp ngành đã được tôn vinh.

Để có một tay nghề cơ bản khi vào khai thác mủ, đòi hỏi công nhân cao su phải vững về lý thuyết, nắm bắt tốt về kỹ thuật thực hành. Và để đảm bảo những kỹ năng đó chính là trách nhiệm của cán bộ nông nghiệp trực tiếp trên các nông trường. Không được đào tạo về kỹ năng sư phạm, giáo trình của những người thầy dạy cạo mủ là bộ Quy trình kỹ thuật cây cao su do VRG ban hành. Cùng với kinh nghiệm công tác thực tiễn, họ đã hướng dẫn cho hàng ngàn công nhân mới, bổ túc kiến thức cho hàng ngàn công nhân đang khai thác.

Đồng thời họ cũng góp phần cùng địa phương đào tạo nghiệp vụ cạo mủ cho hàng trăm lao động ngoài đơn vị… Với trách nhiệm và lòng yêu nghề, những người “thầy cạo mủ” đã đem nhiệt huyết của mình gửi gắm vào từng bài giảng, làm sao để người lao động học việc dễ tiếp thu, tiếp thu nhanh và nhớ lâu những kỹ năng kỹ thuật về cây cao su.

Anh Trần Trung Tính – Cán bộ Nông nghiệp Nông trường Minh Hòa (Cao su Dầu Tiếng) tâm sự: “Ngày chúng tôi mới về công tác ở nông trường còn rất trẻ, kinh nghiệm sư phạm không có nên việc hướng dẫn người lao động học cạo cũng là một thử thách và khó khăn, nhưng để có được những công nhân vững tay nghề đòi hỏi chúng tôi phải tự nghiên cứu mày mò, tìm cách gần gũi nhất, đơn giản nhất nhưng đồng thời phải bám sát Quy trình kỹ thuật để truyền đạt đến người học. Qua nhiều năm công tác anh em lại thấy yêu nghề và cũng rất tự hào với nhiệm vụ, cho dù chưa một ngày nào nghĩ mình là một thầy giáo”.

Không khác gì những nhà giáo truyền đạt kiến thức trên bục giảng, họ tận tụy cầm tay chỉ việc, truyền đạt kiến thức với mong muốn sau khóa học ai cũng đủ trình độ, kỹ năng để sẵn sàng bước vào khai thác, khơi dòng nhựa trắng trên vườn cây. Công việc của những người “thầy cạo mủ” cứ thế mà âm thầm trôi qua từng ngày, nhiều thế hệ công nhân cao su sản xuất trên vườn cây, cũng có người đã nghỉ hưu, chuyển việc… mấy ai còn nhớ tới người thầy đầu tiên khi bước vào nghề cạo mủ.

Nhưng trong tiềm thức và bản năng của họ vẫn vững kỹ thuật khai thác, vẫn luôn áp dụng được kiến thức cạo mủ trong từng lát dao, từng đường cạo mà họ được học ngày nào và đó cũng chính là niềm hạnh phúc, niềm vui, niềm vinh dự của những người thầy không bục giảng này.

Anh Nguyễn Thành Nam, một cán bộ nông nghiệp tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, người có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp đào tạo lao động cạo mủ cho biết: “Niềm vui của những người như chúng tôi là ngày càng có nhiều công nhân vững tay nghề, trong đó có nhiều anh chị em nhờ áp dụng tốt quy trình kỹ thuật mà đạt năng suất khai thác cao, luôn hoàn thành sản lượng được giao, nâng cao thu nhập của bản thân và gia đình, có những anh chị công nhân còn xuất sắc đạt danh hiệu bàn tay vàng cấp công ty, cấp ngành”.

VĂN THỌ