Niềm vui của những “chân đi”

CSVN – Người ta thường gọi vui người làm báo là “chân đi”, chính những chuyến đi thực tế đã cho phóng viên được trải nghiệm, được mở rộng tầm nhìn và hiểu rõ thêm về người, về ngành, về lĩnh vực mà mình đang công tác. Là phóng viên trẻ, được đi là cơ hội và “tài sản” quý báu của tôi. Chính những chuyến đi đó đã làm tôi “lớn” rất nhiều trong tuổi đời và cả tuổi nghề.
PV Quỳnh Mai phỏng vấn chuyên gia quốc tế về cao su. Ảnh: Phan Thắng
PV Quỳnh Mai phỏng vấn chuyên gia quốc tế về cao su. Ảnh: Phan Thắng

Tôi luôn ghi nhớ lời của TBT Tạp chí Cao su VN Hồ Tú Anh đã nói trong buổi họp với Ban biên tập: “Tạp chí CSVN khi đến với các đơn vị, cơ sở trong ngành đều được đón tiếp nhiệt tình, chu đáo. NLĐ luôn chờ đón mỗi khi Tạp chí phát hành. Họ quý mến và dành nhiều tình cảm cho Tạp chí. Chính vì vậy, phóng viên chúng ta hãy tâm huyết, nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc”.

Những dịp đi thực tế, tôi luôn cảm nhận điều đó rõ nhất, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Có dịp đến với các đơn vị miền núi phía Bắc, nơi cây cao su chỉ mới định hình và có thành quả bước đầu mới trân quý dường nào. NLĐ trực tiếp là người đồng bào dân tộc tại chỗ, với họ cao su đã dần có chỗ đứng trong tâm thức thoát nghèo. Ở cơ sở thường hay chuyền tay nhau tờ Tạp chí để theo dõi thông tin.

Mỗi đợt ra Bắc công tác, tôi cứ tranh thủ giới thiệu báo giấy, trang tin điện tử và bản tin truyền hình để anh em chọn lựa hình thức theo dõi. Mọi người cứ hay trêu: “Đọc tên chị ở trên báo nhiều rồi, nay mới được gặp mặt, thật quý quá”. Lúc đó, tôi thiết nghĩ chính tôi mới quý những phút giây này, quý các anh chị, nếu không có anh chị em cơ sở, làm sao tôi có thông tin để viết bài. Những tấm gương điển hình trên Tạp chí là những nhân vật có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Nhưng có khi tôi lại phải làm công tác tư tưởng nếu muốn có đoạn ghi hình phỏng vấn. Nhiều tình huống dở khóc dở cười khi nhận được phản hồi “làm được nhưng nói lại rất khó”, “ngại lên mặt báo”.

Với những nhân vật này, tôi dành một khoảng thời gian trao đổi, trò chuyện để tâm lý nhân vật được thoải mái. Trong lần phỏng vấn chị Nguyễn Thị Mỹ Dung – Công nhân NT Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh, tôi cũng hồi hộp, nín thở khi ghi hình ý kiến của chị. Chị là người có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được nhận giải thưởng Cao su Việt Nam lần thứ nhất. Khá run, vấp từ và mất tập trung khi có tiếng động “xẹt ngang” khi trả lời. Phải đến khi tôi hưởng ứng, ra dấu hiệu thì chị mới “hoàn hồn” và tiếp tục phần ghi hình.

Xuống cơ sở, tôi thích nhất là được tiếp xúc với công nhân, những người lao động trực tiếp trên vườn cây, nhà máy. Đến với họ, lắng lòng nghe chia sẻ về gia đình, về nghề mà họ gắn bó. Được họ vui mừng báo tin tiền lương tháng trước phần thì sinh hoạt gia đình, phần thì con cái ăn học và còn để dành được cho sau này. Tạp chí CSVN là món ăn tinh thần của NLĐ, hàng tháng cứ 2 số báo được phát hành xuống cơ sở. Những năm qua, Tạp chí luôn đổi mới để xứng đáng với niềm tin của bạn đọc.

Đánh giá về Tạp chí, chị Nguyễn Thị Gái – nguyên TGĐ TCT CS Đồng Nai chia sẻ: “Tờ Tạp chí CSVN rất hay và có ý nghĩa đối với CNLĐ và cả những người về hưu như chúng tôi. Nhiều lúc chưa nhận được báo in thì lên mạng theo dõi thông tin về ngành cao su qua trang web của Tạp chí”. Hạnh phúc, vui mừng nhất với nghề là tác phẩm được bạn đọc đón nhận. Gặp lại nhiều nhân vật đã từng phỏng vấn, tôi ngờ ngợ nhiều gương mặt rất quen nhưng đôi khi chưa kịp nhớ ở đơn vị nào. Thế là, lại bắt chuyện, lại hỏi kỷ niệm.

Trong lần Hội thi Bàn tay vàng năm 2016 vừa qua, đang thu dọn hiện trường hành lý, máy quay bỗng nghe ai đó kêu mình: “Chị ơi”, quay lại tôi nheo mắt tưởng nhầm người. “Chị có nhớ em không ?”. Năm 2014 em cũng dự thi, lần đó thi xong chị phỏng vấn em. Năm nay em tiếp tục dự thi và may mắn được giải nhì. Vậy là tôi hớn hở chúc mừng như người thân lâu ngày gặp lại. Đấy, công việc của chúng tôi có những khi vất vả nhưng cũng có những khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ, đáng trân trọng như vậy.

Kết thúc chuyến thăm hỏi chúc Tết, bà Lò Mai Trinh – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên còn động viên: “Tạp chí cố gắng “ưu ái” tuyên truyền cho cao su miền núi phía Bắc nhiều hơn nữa nhé. Ngày trước có khá nhiều ý kiến xung quanh việc trồng cao su miền núi phía Bắc, nay đã có kết quả rồi nên làm được nói được, mạnh dạn tuyên truyền để địa phương và người dân biết được lợi ích khi trồng cao su”. Làm nghề, còn gì hạnh phúc hơn khi được bạn đọc ủng hộ, tin tưởng.

 Quỳnh Mai