Khi nhịp đập trái tim chuyển hóa thành lời ca điệu nhạc

CSVN – Có thể khẳng định rằng, chưa có ngành nông nghiệp – sản xuất – kinh doanh nào có nhiều thơ và nhạc hay như ngành cao su!

Một tiết mục tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng năm 2019 của VRG khu vực II.
Ảnh: Văn Vĩnh

Với chiều dài lịch sử hơn một thế kỷ, khởi nguồn từ năm 1897, khi hạt giống cao su di nhập vào Việt Nam, đã được sử sách ghi lại… Các đồn điền của tư bản Pháp đã lần lượt hình thành cùng với việc tuyển mộ phu công-tra cao su từ miền Bắc vào Nam.

Sức người cộng với “sự trui rèn” qua đòn roi phạt vạ đã từng bước cải tạo vùng rừng thiêng nước độc, tạo dựng nên dáng nên hình những khu vườn xanh mà hàng thẳng hàng cây cách cây đều tăm tắp…

Đầu thế kỷ 19, sự cai trị hà khắc theo chế độ quản lý nô lệ nghiệt ngã của “những nhà đầu tư nước ngoài kiêm thực dân xâm lược” đã mở rộng diện tích cao su phủ xanh những vùng đất rừng hoang vu…

Mồ hôi, nước mắt và cả máu của biết bao lớp công nhân đổ xuống… đã đồng hành cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc và đã dệt nên trang sử truyền thống hào hùng cho ngành cao su từ những hạt giống Phú Riềng Đỏ…

Những điều đó đã đi vào thơ ca và là chất liệu cho những văn nghệ sĩ sáng tác hôm nay. Những công nhân có năng khiếu trong ngành cũng đã có những tác phẩm “cây nhà lá vườn” ca ngợi tôn vinh ngành nghề của mình một cách mộc mạc chân tình…

***

Gắn bó với ngành cao su, tôi nhận thấy người công nhân rất yêu ca hát và có khả năng sáng tác thơ ca. Lãnh đạo các công ty đơn vị, bên cạnh việc chăm lo công tác sản xuất kinh doanh cũng luôn khuyến khích tạo điều kiện cho công nhân tham gia các hoạt động văn hóa thể thao…

Và một điều quan trọng nữa là VRG thường xuyên tổ chức hội diễn văn nghệ cùng như hội thao, xem đây là một phần tất yếu của công tác thi đua toàn ngành. Nhiều đơn vị đã ứng tác một số bài tự biên tự diễn, gần gũi – đúng chất công nhân.

Những công ty có điều kiện đã đầu tư cho đội văn nghệ, hoặc mời các nhạc sĩ của địa phương sáng tác, dàn dựng riêng cho đơn vị. Nhiều đội mạnh có bề dày thành tích cao…

Tổng hợp những điều đó đã tạo nên môi trường tốt để cho các hạt giống văn nghệ sinh sôi phát triển. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm của các nhạc sĩ chuyên nghiệp viết về ngành cao su trước kia cũng còn rải rác và ít ỏi so với sự phát triển lớn mạnh của ngành và nhu cầu ca hát của công nhân cao su.

Sau khi VRG được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, căn cứ theo mong muốn của Ban lãnh đạo: cần có một bài hát truyền thống chính thức của ngành, tôi đã mạnh dạn đề xuất Ban Thi đua Tuyên truyền Văn thể trình Tập đoàn mở cuộc vận động sáng tác Thơ – Ký – Nhạc – Vọng cổ năm 2013.

Cuộc vận động sáng tác như một lời mời gọi các văn nghệ sĩ khắp cả nước đến với miền cao su, chú tâm tìm hiểu về Tập đoàn, để sáng tác nhiều bài hát mới về công nhân cao su, cho công nhân cao su…

Kết quả cuộc vận động sáng tác năm 2013 là một mùa bội thu. Qua đó đã tuyển chọn và in ấn: một tuyển tập thơ, một tuyển tập ký, hai album nhạc (ca khúc truyền thống và trữ tình), một CD vọng cổ. Ngoài ra, cá nhân tôi cũng đã hưởng ứng thêm một CD nhạc riêng.

Năm đó, “bài hát truyền thống của ngành” cũng đã “hườm hườm” nên hình nên vóc, nhưng chưa chọn chính thức do chưa được nhất trí cao. Các bài hát mới đã dần lan tỏa xuống cơ sở và được các đội luyện tập, biểu diễn trên sân khấu những kỳ hội diễn cấp công ty và ngành.

Nhiều công nhân có năng khiếu đã có những tác phẩm “cây nhà lá vườn” tôn vinh ngành nghề. Trong ảnh: Hát bên vườn cao su tại Cao su Bình Thuận. Ảnh: Vũ Phong.

Vừa qua, nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành (28/10/1929 – 28/10/2019), một lần nữa Tập đoàn đã tổ chức cuộc vận động sáng tác mới với sự tham dự đông đảo các nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Kết quả, có khá nhiều bài hát mới bổ sung vào “bộ sưu tập bài hát hay ngành cao su”. Và lần này, “bài hát truyền thống ngành cao su” đã được chính thức ra mắt. Đó là bài “Cao su Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn viết hưởng ứng năm 2013. Bài hát đã có thời gian “thẩm thấu” trong công nhân và nhận được sự nhất trí cao qua sự bình chọn.

Trong các cuộc vận động sáng tác, mỗi giám khảo có thể “cân đong đo đếm” theo cảm quan của mình, và người nghe tùy theo “khẩu vị” cá nhân mà có thể thích bài này hơn bài kia… Còn riêng tôi, tôi vẫn muốn có nhiều Giải A hoặc Giải B đồng hạng hơn là so sánh bài này nhất, bài kia nhì, ba…

Tôi thích dùng cụm từ “Bộ sưu tập bài hát hay ngành cao su”. Ở góc độ của người làm công tác phong trào thì “món ăn tinh thần được dọn lên bàn ăn” càng nhiều món càng thú vị – số lượng bài hát càng nhiều thì càng phong phú, càng tạo sự hưng phấn cho công nhân…

Rừng cao su là cảm hứng sáng tác để nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp cho ra đời các tác phẩm bổ sung vào “Bộ sưu tập bài hát hay ngành cao su”. Ảnh: Dzũng Nguyên.

Người nghệ sĩ khi đã đến với “con người và vùng đất cao su”, khi đã bước chân vào khu vườn xào xạc tiếng lá khô, đắm mình vào không gian mênh mông bát ngát với những hàng cây song song thẳng tắp chạy xa hun hút tầm mắt, khi đã trực tiếp trò chuyện với những người thợ cạo mủ chân chất hiền hòa ngày mỗi ngày quanh quẩn bên từng gốc cây lặng lẽ chắt chiu từng giọt nhựa trắng;

Hay khi họ đã đến thăm vườn ươm cao su ngắm nhìn màu xanh lá non mơn mởn, hoặc là bước vào nhà máy chế biến rồi bị cuốn theo nhịp điệu của các công nhân qua công đoạn biến dòng nhựa trắng tinh trở thành khối sản phẩm sơ chế vàng óng đạt chuẩn xuất khẩu – thì chắc chắn họ sẽ nhận ra cái đẹp thuần khiết riêng có của ngành cao su.

Với nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ những góc nhìn khác nhau, mỗi tác giả đã cảm nhận  vẻ đẹp của con người và  miền đất cao su; bằng nhịp đập trái tim khác nhau, họ chắt lọc và chuyển hóa thành lời ca điệu nhạc – vì thế, tất cả các tác phẩm đều đáng trân trọng, đáng khen ngợi và đáng được vang lên dưới tán xanh cao su…

QUỲNH LỆ

(Xem tiếp kỳ sau: Vài ý kiến về “Bộ sưu tập

bài hát hay ngành cao su”)