Tháng 9 và những sự kiện lịch sử

Trong lịch sử ngành cao su VN, tháng 9 là thời điểm diễn ra khá nhiều sự kiện quan trọng, để lại những dấu ấn khó phai trong lịch sử của ngành. Sau đây, Tạp chí Cao su lược trích và giới thiệu những sự kiện đáng chú ý nhất.

Các chuyên gia Liên Xô thăm CTCS Dầu Tiếng. Ảnh tư liệu
Các chuyên gia Liên Xô thăm CTCS Dầu Tiếng. Ảnh tư liệu
Đại hội đại biểu Công đoàn Cao su Nam Bộ

Tại hội nghị tháng 9/1949, Xứ ủy Nam Bộ đã nhấn mạnh đến công tác xây dựng, tổ chức Công đoàn Cao su Nam Bộ, xây dựng một tổ chức công vận thống nhất lãnh đạo phong trào công nhân (CN) cao su toàn miền để đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong các đồn điền. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Xứ ủy, Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ quyết định triệu tập đại hội Công đoàn Cao su Nam Bộ.

Ngày 18/9/1949, Đại hội đại biểu Công đoàn Cao su Nam Bộ khai mạc tại xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một. Đại biểu các Liên đoàn Cao su Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Bà Rịa và Cao Miên về dự đông đủ. Đại hội An Điền ngày 18/9/1949 là đại hội đầu tiên của Công đoàn Cao su Nam Bộ.

Tham dự Đại hội còn có đại biểu Xứ ủy, ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, khu bộ Khu 7 và đại diện các liên trung đoàn có đại đội đặc nhiệm chuyên phá hoại cao su. Thư ký Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ chủ trì Đại hội.

Tại Đại hội, các đại biểu thay mặt cho liên đoàn các đồn điền đã báo cáo quá trình xây dựng, trưởng thành và thành tích cụ thể của phong trào CN cao su ở mỗi địa phương. Đại hội đã đề ra nhiều nhiệm vụ cơ bản cho phong trào đấu tranh của CN cao su các đồn điền, hướng dẫn CN các đồn điền “dấn tới trên con đường tranh đấu vì lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc”.

Sự ra đời của Liên đoàn Cao su Nam Bộ đã đáp ứng với yên cầu đẩy mạnh cuộc đấu tranh của đội ngũ CN cao su Nam Bộ trong tình hình mới. Nó đánh dấu một bước trưởng thành của đội ngũ CN cao su VN. Từ đây, hệ thống tổ chức CN cao su được chỉ đạo thống nhất và phối hợp chặt chẽ.

Thành lập Liên đoàn Cao su tỉnh Biên Hòa

Tháng 9/1946, Liên đoàn Cao su tỉnh Biên Hòa được thành lập với 4.000 hội viên. Liên đoàn xuất bản tờ báo Sinh Lực, phát hành xuống tận phân sở, làng CN nhằm tuyên truyền lòng yêu nước, ý thức giai cấp, hướng dẫn CN phối hợp đấu tranh trên địa bàn toàn tỉnh. Liên đoàn còn tổ chức một trung đội dân quân cao su, vũ trang bằng dao găm, lựu đạn, súng trường, làm nhiệm vụ phá hoại cao su của Pháp là chính.

Cuộc đấu tranh của CN đồn điền Cam Tiêm

Ngày 20/9/1928, 500 CN đồn điền cao su Cam Tiêm tiến hành bãi công đòi tăng lương và cải thiện đời sống. Đây là cuộc bãi công lớn lần thứ hai tại đồn điền này kể từ năm 1926. Chính quyền thực dân vội vàng cho binh lính đến đàn áp, làm nhiều người chết và bị thương, nhiều người khác phải tản vào rừng.

Cuộc đấu tranh của CN đồn điền cao su Cam Tiêm làm xôn xao dư luận ở Pháp. Tổng liên đoàn Lao động Pháp đã lên tiếng phản đối sự đàn áp của bọn thực dân đối với CN ở đồn điền này và bày tỏ sự đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh của giai cấp CN VN nói chung, CN đồn điền cao su Cam Tiêm nói riêng.

Hai cuộc đấu tranh của CN cao su miền Đông Nam Bộ

Hai cuộc đấu tranh đầu tiên của CN cao su miền Đông Nam Bộ diễn ra tại An Lộc do Huyện ủy Xuân Lộc lãnh đạo vào tháng 8 và 9 năm 1954. Cuộc đấu tranh thứ nhất, yêu sách của CN gồm hai điểm: ngày làm 8 giờ, tăng lương từ 13 đồng lên 16 đồng/ngày. Cuộc đấu tranh thứ hai có sự lãnh đạo của Liên tỉnh ủy miền Đông, công nhân đình công 4 ngày. Ngoài việc đòi tăng lương từ 16 đồng lên 24 đồng/ngày, CN còn đòi nghỉ ngày chủ nhật có lương, đòi được tự do lập nghiệp đoàn. Cả hai cuộc đấu tranh đều thắng lợi.

Thực hiện hợp tác với Liên Xô (cũ) về phát triển cao su

Năm 1978, Bộ Nông Nghiệp quyết định triển khai thực hiện chương trình hợp tác trồng mới 50.000 ha cao su với Liên Xô theo Hiệp định được Chính phủ hai nước ký kết. Hướng triển khai là vùng đất ở Phú Riềng, Thuận Lợi. Ngày 6/9/1978, Công ty Cao su Phú Riềng được thành lập theo quyết định số 318/NN-TC-QĐ của Bộ Nông Nghiệp và trở thành đơn vị đầu tiên hợp tác với Liên Xô về phát triển cao su.

T.C (tổng hợp)