CSVN – “Tôi chưa một ngày ngừng đam mê, yêu thích công việc chụp ảnh ngay cả khi nghỉ hưu và vẫn đang làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh của huyện Chư Prông”. Một lời chia sẻ chứa đầy niềm tự hào, sự thích thú về “máu” nhiếp ảnh của anh, người cựu binh Mai Khắc Tuấn, nguyên Trưởng phòng TCHC Công ty TNHH MTV CS Chư Prông.
Là một trong 62 người của bộ khung Nông trường Đồng Giao vào Chư Prông phát triển cao su lập nghiệp, anh Mai Khắc Tuấn chính là một nhân chứng sống của một thời kỳ hào hùng, nhiệt huyết đối với tuổi trẻ Hà Nam Ninh lúc bấy giờ. Họ cùng nhau vào Tây Nguyên san rừng bạt núi, đặt cây cao su đầu tiên xây nên Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông hôm nay. Những không khí ấy, đều được anh ghi lại bằng chiếc máy ảnh nghiệp dư của mình.
“Riêng quãng thời gian công tác tại công ty từ 1977 – 2010 khi về nghỉ hưu thì có lẽ tôi đã có trên 10.000 bức hình trắng đen chụp cho công ty, thời gian sau này đã có máy kỹ thuật số nên số lượng ảnh không thể đếm nổi. Trong số ấy, tôi vẫn thích nhất là bức hình tôi chụp công ty tuyển quân đi bộ đội vào năm 1978, tiếp đến là những bức ảnh về đời sống, sinh hoạt của anh em công nhân thời kỳ đầu hay bức ảnh về lễ ra quân cạo mủ, công nhân đi phát quang, đào gốc cây khai hoang trồng cao su…”, anh thích thú chia sẻ.
Những bức ảnh anh đã chụp, lưu giữ cho công ty đến hôm nay thật là một tài sản hết sức ý nghĩa và quý giá. Mỗi khi nói chuyện lịch sử, hình ảnh của công ty xưa và nay ai cũng thừa nhận muốn tìm ký ức xưa phải đến “kho tàng hình ảnh Mai Khắc Tuấn”. Khi được hỏi về những bức hình ngày xưa, anh cẩn thận lấy trong chiếc tủ bé nhỏ ra 2 cuốn Tạp chí Hà Nam Ninh năm 1978 và 1979 và chỉ cho chúng tôi thấy những bức hình của anh đã được cơ quan này sử dụng.
Anh bày tỏ: “Những bức hình này nay hiếm lắm, không biết có tìm được hay không vì ngày đó tôi gửi cho họ hết rồi, giờ chỉ còn trên cuốn tạp chí này thôi”. Rất nhiều hình ảnh đã được tạp chí này đăng tải về những người thanh niên của quê hương đang hăng say, thi đua lao động lập nhiều chiến công nơi vùng Tây Nguyên hùng vĩ.
Như những đứa con của mình, anh thích thú khi chụp được những bức ảnh chất lượng đủ ánh sáng, đúng tốc độ và khẩu độ. Rồi cũng xót xa, luyến tiếc khi chụp hư một bức ảnh nào đó. Anh cho biết: “Máy ảnh lúc bấy giờ hiếm và quý lắm, tôi vì mê chụp ảnh mới cất công ra tận Pleiku mua chiếc Hitachi mất khoảng hơn 200 đồng, và phim cũng hiếm lắm, nhiều lúc đặt mua mãi mà tiệm cũng không có. Máy ảnh thì chụp bằng phim, chụp tấm nào là xong tấm ấy nên người chụp phải luôn ý thức, tiết kiệm và chọn lựa bố cục, khung cảnh cũng như sự kiện và con người cho kỹ mới dám chụp”.
Hiện nay, những hình ảnh một thời anh đã chụp vẫn được công ty lưu giữ tại nhà truyền thống. Cùng với đó, trong chiếc tủ nhỏ vẫn luôn sẵn sàng cho bạn bè, người thân xem lại những ký ức một thời đi khai hoang trồng cao su.
Bài, ảnh: VănVĩnh
Related posts:
- Long thần tướng - Lôi cuốn một câu chuyện dã sử
- Tu Lu - trò chơi dân gian của dân tộc H'Mông
- Tư liệu tham khảo sáng tác ca khúc
- Khi nhịp đập trái tim chuyển hóa thành lời ca điệu nhạc
- Nét độc đáo ngôi chùa Tổng thống Obama ghé thăm
- Thi đua sôi nổi qua phong trào văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao
- Nhà truyền thống cao su Dầu Tiếng: khắc họa truyền thống hào hùng
- Vì sao cao su ở Đông Dương phát triển chậm?
- Nhiếp ảnh VN thắng tuyệt đối cuộc thi ảnh của IRSG
- Dòng nhựa trắng chảy mãi với thời gian