Đẩy mạnh tuyên truyền ca khúc về ngành cao su

CSVN – Trong quá trình xây dựng và phát triển, VRG và các đơn vị thành viên tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác về ngành cao su. Đó là một kho tàng quý giá và cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến NLĐ.
Vườn cây cao su Công ty CPCS Sa Thầy.
Vườn cây cao su Công ty CPCS Sa Thầy.
Yêu cao su qua từng câu hát

Trên chuyến xe công tác của VRG đến Tây Ninh vào ngày 19/11, chúng tôi được nghe những bài hát vọng cổ về ngành cao su. Qua mỗi khúc hát, bác tài lại ngân nga theo điệu nhạc. Từng câu vọng cổ qua lời hát của nghệ sĩ Lệ Thủy dẫn dắt theo sự phát triển của ngành cao su từ Đông Nam bộ lên Tây Nguyên… “Rừng cao su bạt ngàn trải dọc theo chiều dài Tổ quốc. Dòng nhựa trắng góp phần làm giàu cho đất nước”.

Cao hứng theo điệu nhạc, bác tài Hiếu, chia sẻ: “Tôi thật ngưỡng mộ nhạc sĩ viết lời vọng cổ về ngành cao su. Truyền thống vẻ vang 90 năm của ngành cao su VN được diễn tả rõ nét qua từng câu hát.  Từ giai đoạn công nhân cao  su anh dũng đấu tranh chống áp bức bóc lột, cái nôi Phú Riềng Đỏ anh hùng lên Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc, rồi sang Lào, Campuchia… Nhờ nghe những bài hát vọng cổ mỗi khi lái xe chở đoàn đi công tác, mà giờ tôi thuộc lịch sử ngành cao su qua từng câu hát”.

Một tuần sau đó, cũng trên chuyến xe công tác của bác tài Hiếu, anh chia sẻ: “Hầu như các bác tài của VRG đi công tác đều mở nhạc về ngành cao su. Hôm trước nhạc sĩ Quỳnh Lệ gửi tặng chúng tôi những đĩa nhạc mới về ngành”.

Không biết từ lúc nào, chúng tôi cũng thích nghe nhạc về ngành cao su mà bác tài mở trên xe mỗi lúc đi công tác. Càng nghe càng thêm yêu ngành, tự hào về truyền thống vẻ vang của công nhân cao su.

Nữ công nhân khai thác vào những năm 1995-2000.
Nữ công nhân khai thác vào những năm 1995-2000.
Phổ biến ca khúc ngành cao su bằng nhiều hình thức

Đem câu chuyện trên kể lại và tìm hiểu những hình thức tuyên truyền ca khúc về ngành cao  su, tôi được ông Phan Viết Phùng – Trưởng Ban Tuyên giáo Thi đua VRG, chia sẻ: “Tôi thấy rằng, VRG và các đơn vị thành viên nên phổ biến ca khúc ngành cao su rộng  rãi đến NLĐ bằng nhiều hình thức, như: sau giờ chào cờ vào thứ 2 hàng tuần ở các đơn vị, nên dành một khoảng thời gian mở các bài hát về ngành cao su. Lúc đầu là bài hát truyền thống của ngành “Cao su Việt Nam”. Thời gian sau là những ca khúc về ngành cao su. Các đơn vị tuyên truyền, khuyến khích NLĐ hát và thuộc bài hát truyền thống, ca khúc về ngành. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức hội thi hát ca khúc về ngành cao su, cảm nhận về bài hát truyền thống… Cách làm hiệu quả là các đơn vị nên trang bị các dàn âm thanh mini và mở nhạc về ngành cao su theo thời gian cố định trong ngày, một phần giúp NLĐ thư giãn, nâng cao hiệu quả làm việc, một phần tuyên truyền phổ biến ca khúc về ngành”.

“Cần sự phối hợp tuyên truyền, phổ biến ca khúc ngành cao su của các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Đoàn Thanh niên… bằng nhiều hình thức. Khi NLĐ hiểu rõ về truyền thống, họ sẽ yêu ngành yêu nghề, gắn bó với đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Phùng chia sẻ. Có dịp xuống nhà máy chế biến  Gỗ Tây Ninh, cảm nhận không khí thi đua nước rút những ngày cuối năm. Trò chuyện và hỏi ý kiến anh chị công nhân về việc phát những ca khúc về ngành cao su ở xưởng sản xuất, chị Lê Thị Tuyết Nga – Công nhân Công  ty  CP chế biến & XNK Gỗ Tây Ninh, hồ hởi: “Mình thấy việc mở nhạc về ngành cao su cho công nhân nghe rất hay. Anh em mình vừa nghe nhạc thư giãn, vừa có điều kiện tìm hiểu về ngành cao su qua những lời ca tiếng hát. Vì mình chỉ làm việc ở xưởng chế biến, không có dịp tiếp xúc, tìm hiểu nhiều về ngành cao su”.

Ông Đỗ Văn Sáu – TGĐ Công ty CP Chế biến & XNK Gỗ Tây Ninh, chia sẻ: “Trong thời gian tới, công ty sẽ trang bị dàn âm thanh và mở nhạc về ngành cao su ở các xưởng sản xuất. Tôi thấy đây là cách làm hay, giúp công nhân thư giãn thoải mái tinh thần, nâng cao hiệu quả làm việc và qua từng lời ca tiếng hát, NLĐ thấu hiểu về truyền thống, về những vùng đất cây cao su đứng chân”.

THIÊN HƯƠNG