Lợi cả đôi đường

Lợi cả đôi đường
  • Chuẩn bị vào mùa cạo mới thấy nhiều đơn vị ở miền Đông mình thiếu công nhân cạo quá Hai Cạo à.
  • Cũng căng quá hè. Thiếu lao động thì làm sao cạo mủ được đây. Do cạnh tranh lao động, nhiều công nhân mình chuyển qua làm công nhân các khu công nghiệp mấy năm qua nên đơn vị gặp khó khăn quá ông hả. Vậy ngành mình tính sao?
  • Đã có những đơn vị mình ra tận miền núi phía Bắc tuyển lao động vào đây cạo đó ông, nhờ vậy mà giải quyết được.
  • Ồ, hay quá hả. Đúng là trong cái khó ló cái khôn. Như vậy là cao su miền Đông mình không những sản xuất ổn định mà còn “hành trình” mang việc làm, nâng cao đời sống đến với đồng bào vùng cao xa tít. Lợi cả đôi đường.

HAI CẠO

Thách cưới

Nàng Ba xinh xắn, nết na, một lần nàng đi du lịch dã ngoại mà gặp cậu Tân, một thợ cạo điển trai trên vườn cao su, rồi họ phải lòng yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên.

Bố mẹ của nàng biết chuyện và thách cưới cậu Tân làm rể, nhưng sính lễ phải hơn hẳn những đám cưới dậy sóng giàu có lan truyền trên mạng xã hội thì mới chịu gả con gái cho cậu.

Những đồng nghiệp thợ cạo, rồi cả xóm… quý mến cậu Tân hiền lành. Mọi người bàn chuyện để giúp cậu hòng lấy được vợ đẹp. Có người lo lắng nói:

– Cậu Tân lấy đâu ra tiền vàng tính bằng ký lô, nhà cửa dăm ba căn, đất đai thửa này thửa nọ, ô tô xe nọ xe kia. Thách cưới kiểu này mà cho con gái của họ ế luôn đi!

Bác Tám phu công- tra nghe được, chẳng những không lo lắng, bác còn tỏ vẻ hứng thú nói:

– Chuyện nhỏ thôi mà!

– Bác có cách gì sao?

– Tất nhiên rồi. Gia đình này ở xì phố, gia thế giàu có, rất tình cảm và cởi mở. Ông bà đã vài lần xuống thăm gia đình cậu Tân còn biếu quà cáp. Nếu họ không chấp nhận cậu Tân thì đã cắt đứt liên hệ cái cụp rồi.

– Nhưng cậu Tân lấy đâu ra tiền vàng ký lô, nhà cửa xe cộ…

– Ông bà thách cưới vậy thôi, còn ngày hôn lễ cũng được sắp đặt sẵn hết. Bởi biết cậu Tân sẽ cho con họ nhiều thứ còn gấp vạn lần những sính lễ ấy chứ.

Vậy là, đúng ngày lành tháng tốt, hôn lễ của cậu Tân và nàng Ba được tổ chức rình rang, rất đông hàng xóm và đồng nghiệp tới dự tiệc cưới. Tân lang diện bộ veston màu xám tro, tân nương trong bộ trang phục xoa rê trắng đính hạt kim tuyến chiếu lấp lánh. Trông họ thật lộng lẫy, đẹp đôi. Sau phần cho sính lễ của họ nhà gái cũng hơi “nặng đô” nào là kiềng vàng, thỏi vàng cây, ngân lượng… xong, thì tới lượt cho sính lễ của họ nhà trai.

Cả khán phòng dường như nín thở theo dõi từng bước đi chậm rãi của vị đại diện trong bộ veston màu đen sang trọng. Vị đại diện đó chính là bác Tám phu công- tra, bác nhận micro từ tay MC. Bác dõng dạc:

– Họ nhà trai chúng tôi cho sính lễ tượng trưng thôi, vì tất cả tiền vàng đã đầu tư vào công việc. Họ nhà gái có chấp nhận hay không, mà để tôi công bố luôn?

Tiếng ồ lên: Đồng ý, đồng ý…

– Họ nhà trai chúng tôi không có gì nhiều, chỉ tặng cô dâu: một vạn cái kiềng, một rừng cây… trải dài từ Nam tới Bắc, tiền thì đếm mỏi tay…

– Có thật không bác ơi? Khán phòng ồ lên.

– Thật đấy chứ. Kiềng chén máng thì chất đầy cả kho, một rừng cây …“vàng trắng”, mỗi cây có miệng tiền góc tiền mương tiền thì có tỷ tỷ tiền rồi – Nhà trai là dân cao su mà!

Cả khán phòng cười vang.

Trong suốt cả buổi tiệc, mọi người ai nấy cũng vừa ăn cỗ vừa cười tủm tỉm với ông đại diện họ nhà trai hóm hĩnh. Họ nhà gái cũng bật cười, rạng rỡ… bởi vì ý nghĩa xâu xa: “Tiếng cười khởi đầu trong cuộc hôn nhân, sẽ là tiếng cười hạnh phúc. Và con gái họ lấy chồng thợ cạo nhất định sẽ hạnh phúc viên mãn suốt đời!”.

NGUYỄN CỦ CẢI