Những con đường khai hóa

(tiếp theo kỳ trước)

Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử – sinh thái (1897 – 1975)
Nhà ở cho công nhân cao su thời Pháp.
Mở rộng xây dựng đường sá

Tuy một số cải tiến trong hệ thống giao thông đã được thực hiện, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Vào những năm 1910, Sở Công chánh đã bắt đầu dự án xây dựng đường sá trong khu vực, được cấp vốn từ khoản vay 90 triệu franc của Ngân hàng Đông Dương, được phê duyệt cuối năm 1912. Phần đáng kể của khoản vay này được đề xuất thanh toán cho “khoản nợ đường sắt” của Doumer năm 1898 mà phần lớn dành cho việc xây dựng đường sắt xuyên Đông Dương, dù vậy có 9,5 triệu franc được dành cho việc xây dựng đường bộ. Đây không phải con số đầu tư lớn nhưng nó là kết quả của những nỗ lực đáng kể đầu tiên để mở rộng hệ thống đường sá kể từ khi bắt đầu công cuộc thuộc địa hóa.

Những nỗ lực xây dựng đường sá ban đầu tập trung nhiều vào mở rộng tuyến đường Đông Tây băng qua Biên Hòa, là một phần của Đường thuộc địa số 1 lừng danh chạy từ Bắc chí Nam dọc bờ biển Việt Nam. Đến năm 1915, hệ thống đường bộ đã mở rộng về phía Bắc vào vùng đất nằm phía trong của tỉnh, phục vụ các đồn điền cao su thông qua một chuyến xe buýt chạy hai chuyến mỗi tuần giữa thị xã Thủ Dầu Một và Hớn Quản, cho thấy mối tương tác đẩy – kéo đã diễn ra giữa những con đường và các đồn điền. Vì đồn điền nào cũng không thể hoạt động nếu thiếu phương tiện vận chuyển công nhân, vật tư đến và chuyển mủ cao su thô ra ngoài nên các đồn điền có xu hướng co cụm quanh những tuyến đường thủy, đường sắt hoặc các tuyến đường đã hoàn chỉnh. Trong khi đó, thêm những con đường đất đỏ được trải nhựa để mang lại lợi ích kinh tế cho đồn điền.

Sau chiến tranh Thế giới thứ nhất, mạng lưới đường sá được mở rộng để khai thác tiềm năng nông nghiệp của vùng đất đỏ. Các tiền đồn riêng lẻ ở Phú Riềng và Núi Bà Rá được kết nối với các trung tâm đô thị ở Thủ Dầu Một bằng đường Thuộc địa số 13 và 14. Từ năm 1917 đến 1954, người Pháp đã xây dựng và nâng cấp hơn 9.000 cây số đường.

Những mô tả hoành tráng của chính quyền về dự án làm đường nên được tiếp nhận một cách thận trọng, khi đường thủy vẫn là phương tiện giao thông quan trọng nhất. Một chủ đồn điền phàn nàn rằng khi ông đến vùng biên giới Campuchia năm 1927 để quản lý đồn điền cao su, những con đường chỉ mới làm một nửa, cùng những cây cầu “Eifel” rỉ sét nằm chỏng chơ bên cạnh khe núi. Ông chủ đồn điền này lên tiếng chê bai những gì ông nhìn thấy đã nói lên sự thờ ơ của Sở Công chánh đối với việc xây dựng đường sá. Những cựu công nhân kể về tình trạng xuống cấp, chất lượng thấp của những con đường như Đường thuộc địa 14 gần biên giới Việt Nam và Campuchia tại Lộc Ninh. Bỏ qua chuyến chất lượng của chúng, hệ thống huyết mạch này với đường bộ, đường sắt và đường thủy đã làm tăng mức độ ảnh hưởng của các yếu tố nhà nước và yếu tố phi chính phủ đối với vùng rừng thuộc địa miền Đông Nam kỳ.

Thời kỳ đầu người Pháp khai hoang trồng cao su ở Dầu Tiếng.
Đã đến lúc lấy mủ

Để những đồn điền cao su thế kỷ XX vận hành được, mối quan hệ hằng ngày giữa con người và thiên nhiên phải được thiết lập. Chỉ cần theo dõi hoạt động thường ngày của phu cạo mủ, chúng ta sẽ mường tượng được những mô thức hằng ngày này. Khoảng 6h sáng trước khi mặt trời vừa mọc, một phu cạo mủ rạch những vết sâu vài milimet lên vỏ cây cao su, vừa đủ để dòng nhựa chảy ra và không quá sâu để không làm đứt nguồn dưỡng chất và năng lượng giữa rễ và lá cây.

Hệ sinh thái cao su biến đổi theo những cách trái ngược nhau

Qua nhiều lần thử nghiệm, những vết rạch này phải hướng xuống một góc theo cùng một hướng hoặc theo cả hai hướng, cắt ngang những đường dẫn mủ. Và rồi nhựa nhỏ giọt qua những vết rạch trên cây chảy vào một cái chén. Phu cạo mủ phải lặp đi lặp lại thao tác này nhanh nhất có thể với 300 – 500 cây trong buổi sáng. Trước 11h sáng, nhựa bắt đầu chảy chậm, công nhân này sẽ quay lại từng cây, đổ từng chén sứ chứa nhựa cây và thùng lớn.

Những đặc điểm khí hậu như nhiệt độ và những trận mưa rào tạo nên đặc trưng theo mùa của khu vực. Ở miền Nam Việt Nam, trong suốt mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) khi gió mùa Tây Nam thổi, dòng mủ cao su hevea cũng chảy nhiều hơn nên các phu phải tập trung cạo mủ. Còn mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4), gió mùa đổi hướng và thổi từ hướng Đông Bắc. Các đồn điền tập trung vào công việc dọn dẹp suốt mùa khô vì tốc độ nhựa chảy chậm hơn nhiều. Sự luân phiên xen kẽ giữa mùa mưa và mùa khô có tác động quan trọng. Đầu tiên, muỗi sinh sản trong cả hai mùa nhưng đặc biệt nhiều hơn vào thời điểm giao mùa. Thứ hai, mùa khô kéo dài giúp hạn chế sự tấn công của các loại ký sinh và nấm lên cao su hevea.

Việc canh tác ở các đồn điền cao su trong thế kỷ XX đã biến đổi hệ sinh thái cao su hevea cả về không gian lẫn thời gian theo những cách trái ngược nhau. Về không gian, kiểu canh tác độc canh làm đơn giản hóa khu vực bao quanh cây, nhưng xét về quy mô của những cá thể thực vật riêng lẻ thì kỹ thuật ghép canh và lai giống lại làm tăng sự đa dạng thực vật.

Về mặt thời gian, những đơn vị thời gian riêng biệt nhưng lại chồng chéo lên nhau như năm, mùa, ngày đã định hình kinh nghiệm canh tác ở đồn điền và trong khi các đơn vị này khác biệt nhau trên toàn thế giới, nhịp điệu chung của các đồn điền vẫn được duy trì đều đặn.

“Thế hệ cây cao su song hành mật thiết với thế hệ người trồng chúng”

Tầm quan trọng của đơn vị thời gian năm thường gắn liền với hoạt động của thị trường toàn cầu và những mối quan tâm về lao động. Ở giai đoạn đầu trong vòng đời của một đồn điền cao su, chết chóc và bệnh tật lây lan giữa người làm và người quản lý, chủ đồn điền luôn xem người lao động chỉ như những công cụ mà họ sử dụng, nên cho rằng chẳng có lý do gì để chú trọng đến tình trạng thể chất của họ. Nhưng khi cây đã lớn, nguồn nhân lực có tay nghề giỏi được coi trọng hàng đầu vì sản lượng cao su hàng năm phụ thuộc vào lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu, được huấn luyện để có thể thu hoạch mủ liên tục mà không bị hủy hoại cây. Các công ty thường xuyên tìm kiếm công nhân giàu kinh nghiệm và việc tìm kiếm nguồn nhân lực trở thành mối bận tâm lớn hơn nhiều.

Giống như những cây trồng xuất khẩu quanh năm như cà phê, trà, cao su mang đến những bài học khách quan trong tiến trình của lịch sử, sự cạnh tranh cùng với những khái niệm chu kỳ của không gian, thời gian. Không giống chu kỳ nông nghiệp lúa nước hàng năm, một cây cao su sống lâu năm tương ứng với câu chuyện nảy mầm, sinh trưởng, trưởng thành, suy tàn kéo dài hàng thập kỷ, mà giới chủ đồn điền hiểu và phân định quá trình canh tác thành bốn giai đoạn chính: Khai hoang, trồng trọt, lấy mủ và tái tạo. Theo lời của một người giám sát đồn điền nói vào năm 1969 thì “các thế hệ của cây cao su luôn song hành mật thiết với những thế hệ người trồng chúng”.

HÀ KHUÊ (trích đăng)

(Kỳ sau: Phi thực dân hóa đồn điền)