- Có mấy công ty tổ chức hội thi bàn tay vàng kìa Tư Mủ. Công ty mình sao chưa thấy hè?
- Phải từ từ có thời gian cho anh em mình rèn luyện để chắc tay dao chứ, gấp quá sao đủ sức “ra biển lớn” hả ông.
- Nghe nói cuối năm nay hội thi toàn ngành sẽ quy tụ “cao thủ” nhiều nhất từ trước đến nay đó. Do 2 năm trước vì dịch Covid nên hạn chế. Năm nay sẽ là cơ hội cho các tay dao ở nước ngoài về thi thố với chúng ta.
- Ái chà. Các anh tài ngoại quốc này nhiều khi sẽ gây bất ngờ cho chúng ta đó. Bởi vậy lo mà tranh thủ rèn đi nha, hỡi các thợ giỏi trong nước!
HAI CẠO
Chứng khoán tuần qua
Chứng khoán tuần qua thật quá tèo
Vốn còm gom góp đã dần teo
Lên sàn nhìn số thêm buồn héo
Kết sổ dòm trang rõ chán phèo
Vẫn biết so người dù tí tẹo
Còn lo ngán vợ sẽ eo sèo
Tính liều bắt đáy may còn kéo
Lại sợ thủng toang bạc hóa bèo.
THÀNH NAM
Kỳ diệu
Tư Quý đi bẫy chim rừng trong vườn cao su là đề tài bàn luận thời sự nóng hổi của nhóm thợ cạo đồng nghiệp trong tổ. Chỉ có vài người ủng hộ, còn đa phần là không ủng hộ thú vui này.
Một lần Tư Quý đang chăm chú giăng bẫy chim thì giật mình vì cái vỗ vai, nhìn qua đã thấy bác Tám phu công-tra đứng sát bên. Bác hỏi:
– Có nghề bẫy chim nữa hả Tư?
– Dạ, nghề tay trái của cháu đấy ạ!
– Thảo nào. Mỗi lần qua đây mấy con họa mi, chích chòe, chào mào… hót líu lo, nay tự dưng biến đâu mất. Bác đang thắc mắc chưa biết hỏi ai thì có lời giải đáp từ những chiếc bẫy kia rồi.
– Cháu cũng dự định biếu bác…
– Thôi, thôi… bỏ cái thú chơi chim này đi nghen. Vốn dĩ loài chim sinh sống trong môi trường tự nhiên: bay nhảy, hót, ăn uống… thoải mái. Giờ bắt chúng về, rồi nhốt trong lồng chẳng khác nào là cầm tù vậy. Chim cũng có sinh mệnh, cũng cần được sống tự do, được yêu quý, bảo vệ. Đặc biệt, loài chim có được đôi chân vận động nhảy nhót trên cây, trên rừng cũng có một phần đóng góp, tạo hóa… của cây cao su ban tặng cho chúng đó chứ.
– Bác nói đúng ạ! Ngoài ra, việc bẫy chim thú còn vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nữa phải không bác?
– Đúng rồi.
– Còn sự tạo hóa gì đó nữa, cháu và mọi người chẳng hiểu?
– Đó là điều kỳ diệu của cây cao su, về mùa lá rụng, lá cao su già cỗi rụng xuống, thân cây cao su chỉ còn những cành nhánh trơ trọi khẳng khiu không một chiếc lá neo đậu. Thì cây bắt đầu bung búp chồi non mầm xanh lú nhú trên khắp cành nhánh…
– Giai đoạn này gọi là… nhú chân chim (*) đấy bác!
– Chính xác. Do vậy nhiệm vụ của các loài chim khi sinh sản trong vườn cao su là tạo ra những chú chim non trong quả trứng gồm có các bộ phận như: mình, đầu, cánh… thôi, còn đôi chân thì đã có cây cao su… nhú chân chim rồi.
Mọi người đang chăm chú hóng hớt câu chuyện liên quan đến cây cao su và loài chim chợt hiểu ra ý đồ của bác Tám thì bật cười hả hê…
Từ đó, người ta không thấy Tư Quý đi săn bẫy chim trong rừng cao su nữa, hỏi, Tư Quý nói, cây cao su kỳ diệu lắm, nên cần chăm sóc, bảo vệ…
(*) Lý thuyết quy trình kỹ thuật cạo mủ
MUỘI MUỘI
Related posts:
- Hoàn cảnh ra đời bài thơ "Những phút xao lòng" của Thuận Hữu
- Cơ cấu sản xuất và các chuyển biến lớn
- Thầy Park Hang Seo: cảm hứng - niềm tin và chiến thắng
- Cao su Ea H'Leo tổ chức giải bóng chuyền truyền thống
- Kinh nghiệm đạt điểm cao Hội thi tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành cao su
- Ngủ ngon
- Hài hước những cái tên
- Sức sống mùa xuân!
- Chắp cánh ước mơ cho những tấm gương hiếu học
- Bảo tồn giá trị lịch sử, truyền thống di tích Phú Riềng đỏ anh hùng