Ngủ ngon

  • Tối qua ngủ ngon không Tư Mủ?
  • Ngon chứ. Làm hơn 1 xị với ông Ba nhà kế bên xong làm một giấc luôn tới sáng.
  • Không đi cạo à?
  • Lúc khuya mưa gió ầm ầm sao đi được?
  • Trời ạ. Công nhân người ta gặp mưa gió thì trăn trở, trằn trọc lo không cạo được ảnh hưởng đến sản lượng, còn ông thì …ngủ ngon.

HAI CẠO

Khoe!

Lẽ thường tốt đẹp muốn đem khoe

Khoe để cùng vui với bạn bè

Khoe cũng nhìn quanh cho hợp cảnh

Khoe đừng hợm hĩnh chỏi tè le

Vùng quê nghèo kiết khoe giàu xụ

Chỗ khổ khoe khoang sống phỡn phè

Khoe của do tài cao đục khoét

Khoe rồi lộ mặt lấy gì che?

ĐỖ VĂN TÂN

Nói ngược

Cũng vào ngày này năm ngoái, đơn vị huy động toàn bộ thợ cạo đi làm tập thể, thiết kế miệng cạo cho vườn cao su mở miệng cạo mới, công việc làm gấp rút cho kịp tiến độ. Lúc nghỉ giải lao mọi người đều mệt lả, cũng may gặp bác Tám phu công- tra. Nghe bác kể chuyện vui, ai nấy cũng cười… quên bén cả khó nhọc. Bác còn hứa, lần sau ghé lại sẽ kể chuyện tiếp cho bây nghe. Sáu Nổ vừa nhắc, thì bác Tám cũng vừa tới.

Bác cũng điệu bộ khề khà, chậm rãi:

– Bây còn nhớ, bác hứa kể chuyện gì không?

– Hình như là: “Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong” phải không ạ!

– Đúng rồi. Câu chuyện: “Nói ngược”. Bây không nhắc là bác quên mất. Bác có

nhớ hứa gì đó mà quay lại thôi. Người lớn phải giữ chữ tín, con cháu mới tôn trọng

mình. Bác chỉ sợ quên mà thành hứa lèo, hứa cuội bị chết danh thành… “Con ma nhà họ hứa” thì khổ lắm.

– Tụi cháu không dám… (cười).

– Cho bác hỏi. Hiện tại công nhân tổ mình đã được đi nghỉ dưỡng, nghỉ mát, tham quan… Đà Lạt hết chưa bây?

– Đi hết rồi bác. Có người còn được đi 2 – 3 lần thiệt là sướng, vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong đó có Sáu Nổ, Cô Nương, Bảy Chai… ngồi đây.

– Vậy tốt quá. Nếu ai cũng đã đi Đà Lạt rồi, thì có đi đường QL.20 đoạn qua huyện Định Quán (Đồng Nai). Nơi đây ngay bên vệ đường có di tích thắng cảnh Đá Ba Chồng. Chính nhờ sự độc đáo, chênh vênh, hiểm trở… nhưng lại chắc chắn của khối đá này, đã khiến cho sự tò mò, hiếu kỳ của rất nhiều du khách đi ngang qua đây phải dừng xe lại ngắm nghía, chụp ảnh. Chắc là công nhân có mặt ở đây cũng không ngoại lệ đâu hén?

– Đúng đó bác ơi!

– Nói đến Đá Ba Chồng thì liên tưởng tới vườn cây cao su của đơn vị mình, nó

giống nhau ở cái gọi… ngược ngạo. Một chồng ba hòn đá đè lên nhau mà ai nấy cũng gọi thành Đá Ba Chồng phải không bây?

– Ui! Bác hay vậy. Thế còn vườn cây cao su…

– Như vườn cao su tên lô 109 này đi vòng qua cái đồi đá tới cái chóp cùng, cái đít lô cách vị trí bác cháu mình đứng ở đây cả 1000m. Bây gọi là gì vậy?

– Đầu rừng bác ạ!

– Thì đó. Bây thấy không, cái chóp cùng, đít lô mà gọi là… đầu rừng. Hỏi sao không ngược ngạo giống như Đá Ba Chồng kia chứ …

– Tuy nhiên, trong vườn cao su cái đầu rừng, hay chóp cùng gì cũng vậy. Nếu như công nhân biết bảo quản, chăm sóc cho tốt, thì đầu nào cũng cho sản lượng mủ

nhiều. Còn công nhân chủ quan cạo đầu rừng ẩu, cạo sát phạm, chăm sóc kém… làm

cây hư hại, về lâu về dài cây cho sản lượng mủ ít, thu nhập tiền lương sẽ thấp hơn.

Đặc biệt, nữa là để vi phạm điểm lỗi tay nghề còn bị trừ lương, cắt thưởng… ảnh

hưởng thành tích cá nhân cuối năm. Cơ hội để công nhân đi tham quan nhìn ngắm Đá Ba Chồng cũng mong manh lắm nghe. Dứt lời, bác Tám đi…

Bác đi rồi, mọi người còn ngồi ngẫm nghĩ… và bật cười hỉ hả với nhau.

NGUYỄN CỦ CẢI