CSVN Xuân – Khi những cánh rừng cao su thay áo ngả màu đỏ úa, tiết trời se lạnh cũng là lúc báo hiệu một mùa Xuân mới đang về. Thành thông lệ, gia đình tôi thường đi ăn Tết muộn, vì chờ ba về từ vùng dự án trồng cao su.
Năm nào cũng thế, ba về nhà nghỉ Tết rất muộn; ba bảo phải sắp xếp trực Tết, phân công anh em gác “giặc lửa”, chuẩn bị cho công nhân không về quê một cái Tết đầm ấm… Công việc rồi lại nối dài công việc. Nhiều lúc cứ ước ao giá như được ba đưa đi học rồi có ba đón về…Nhìn chúng bạn lại thầm ghen tỵ, tủi thân.
Những ngày ba về ngôi nhà rộn ràng tiếng nói cười, ba kể cho tôi nghe về cuộc sống của người công nhân vùng dự án, những ngày mưa đi cạo mất mủ vất vả trăm bề, những lần xe chở mủ bị sụp lún, rồi niềm vui của cô chú công nhân khi giá mủ nhích lên, lương tăng… Thích nhất, vẫn là những món quà ấm áp nghĩa tình của cô chú công nhân trong vùng dự án gởi về thành phố. Khi thì nải chuối vàng ươm, thơm nức, khi quả mít nhà trồng ngọt lịm, có khi là con cá bắt được trong khe suối, những quả sung, quả vả của rừng, chục trứng gà được bọc trong ổ rơm ấm áp…
Tết đến, hương vị của dưa hành, củ kiệu ăn với bánh chưng còn thơm mùi lá gởi về phố sao mà ngon đến thế? Đòn chả giò, con gà nuôi thả trong lô… Chao ôi, toàn là những món “đặc sản” của rừng mang đậm hương vị quê hương! Ba bảo những món quà quê đều “sạch”’, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mùa nào thức ấy. Hương vị của ngày Xuân lan tỏa từ rừng về phố. Món quà quê bình dị, đơn sơ nhưng ấm áp nghĩa tình.
Có lẽ, thú vị nhất đối với tôi đó là “quà của rừng” mà chú công nhân người Quảng Trị, trước khi lên tàu về quê chú ghé vội gởi tặng. Bó đũa bằng cây muồng tự tay chú vót, từng chiếc đũa suôn mượt, bóng nhẵn, đều tăm tắp. Đũa không sơn son thếp vàng, không tỉa tót nhưng mỗi lần cầm đũa ăn, lại cảm nhận được hơi ấm nghĩa tình của người lao động.
Vâng, có thể thấy được chất tình rất nặng của người cao su, không chỉ những món quà quê đạm bạc mà còn là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong những lúc ốm đau hoạn nạn. Ba thường kể về những nghĩa cử cao đẹp tối lửa tắt đèn có nhau, những miếng vá nghĩa tình khi bánh xe bị thủng trong lô, chia nhau bữa ăn sáng củ khoai, tấm bánh, những lần cạo choàng cho đồng nghiệp khi trái gió trở trời…Chao ôi, nghe sao mà ngọt lành đến thế!.
Một năm mới đang về, lặng ngắm những vì sao trời mà cứ ngỡ ánh đèn lung linh trong lô của các cô chú công nhân cạo mủ. Lại nhớ có lần xe chuyển bánh về phố, gói măng rừng giúi vội “măng sạch đấy!”, có người nói măng rừng rất độc, riêng tôi lại cảm nhận vị ngọt đầu lưỡi, vị ngọt nghĩa tình của người cao su khi mùa Xuân đang đến rất gần.
Khôi Nguyên
Related posts:
- Nghề làm lân sư rồng giữa Sài Gòn
- Đội văn nghệ Cao su Dầu Tiếng: Giải nhất hội thi tỉnh Bình Dương năm 2019
- Xuân trên bản làng đồng bào Rơ Mâm
- Doanh nghiệp ứng phó với sự cố truyền thông
- Tặng quà Tết cho 300 công nhân khó khăn ở Cao su Hà Tĩnh, Hương Khê - Hà Tĩnh
- Bác sĩ Yersin quan tâm đến cây cao su vì mục đích gì?
- Khối thi đua sản xuất tỉnh Gia Lai giao lưu thể thao
- Đội Công ty CP TMDV&DL Cao su giành giải nhất Hội thi tìm hiểu “85 năm truyền thống ngành cao su VN”...
- Những tiết mục công diễn Hội thi "Tiếng hát công nhân cao su" KV III
- Trẻ biết chữ trước khi vào lớp 1: nên hay không?