Các công ty lớn ngày càng lớn mạnh hơn

(tiếp theo kỳ trước)

Từ đồn điều, cao su thành phẩm được đưa xuống tàu thủy
trở về Pháp

Vào những năm 40, đồn điền Lộc Ninh có 5 người Pháp. Mỗi người được cấp một villa có đầy đủ tiện nghi hiện đại. Khi trời nóng quá thì đồn điền đưa họ đi nghỉ mát Đà Lạt. Ngoài lương cao, họ còn được chia lãi hằng năm. Bên cạnh 2 khoản thù lao ấy, mỗi người còn làm chủ một quỹ bảo hiểm. Nhân viên người Âu ở Lộc Ninh không phải lo toan về đời sống và về tương lai của mình, điều này tác động tốt đến sự nỗ lực của họ trong công việc (Victor Forbin trong cuốn Le caoutchouc dans le monde trang 209-210).

Các cán bộ người Việt Nam phục vụ trong các công ty/đồn điền thường không qua một trường lớp nào cả. Họ nhờ sự kèm cặp “cầm tay chỉ việc” và nhờ sự nỗ lực bản thân nên dần dần đáp úng yêu cầu của công ty/đồn điền. Mọi người đều cố gắng học tập để vươn lên vì sợ bị mất việc. Các giám đốc đồn điền chỉ yêu cầu cán bộ dưới quyền “chỉ đâu làm đó, bảo sao làm vậy”, ông ta không thấy cần thiết phải nói cho cán bộ thừa hành biết rõ cái “đạo lý” của việc phải làm.

Trong tất cả các công ty/đồn điền đều có sự phân biệt đối xử giữa người Pháp và người Việt đó là việc dĩ nhiên trong khi Nam Kỳ còn là thuộc địa của Pháp và cao su là của người Pháp. Trong con mắt của người Pháp thực dân (colonialiste français) thì người Việt Nam chưa có đủ trình độ cần thiết để ông chủ Pháp tin cậy và người Việt Nam chưa có thể tin cậy được, ông Bimie

– Tổng Thanh tra Công ty SIPH đã nói rõ trong báo cáo niên khóa 1939 của mình: Vì trong đồn điền không thể để có tình trạng thiếu người Pháp (ông Birnie là người Ecosse) chẳng thà tuyển mộ một số người không biết gì về trồng trọt còn hơn là không. Trong 7 người Pháp thu nhận trong lúc đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai thì chỉ có một người có ít nhiều kinh nghiệm về trồng trọt. Và số người Pháp cần cho việc tuyển chọn lúc ấy không phải là thiếu, ông Đỗ Văn Chuẩn đã từng phục vụ lâu năm ở Công ty SIPH cho biết: từ năm 1960 trở về sau này, SIPH mới tuyển chọn nhũng người phụ tá có học, có nghề, và tính tình tốt.

Dưới thời thực dân Pháp, rất ít người Việt Nam “ngoi” lên được trong ngành cao su. Và những thành tích của từng công ty, từng đồn điền đều là do ông chủ Pháp nghĩ ra và làm ra. Bạn có thể đọc quyển “Ainsi vint au monde la SIPH” dày 410 trang của ông A. de Vogué, một người có công lớn xây dựng Công ty SIPH cho đến năm 1939, nhưng bạn không thể tìm ra được một tên người Việt Nam nào đã có đóng góp ít nhiều cho sự thịnh vượng của SIPH.

Trong khi đó thì người Pháp rất tự hào về các công ty và đồn điền cao su của mình, nhất là trong thời trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Người ta cho rằng về mặt tổ chức, kỹ thuật, năng suất cây trồng, chất lượng mủ khô, hạ tầng kiến trúc, đời sống công nhân và lao động, công tác vệ sinh phòng bệnh… thì các đồn điền cao su Việt Nam có thể sánh vai với các cơ sở tốt nhất của Đông Nam Á.

Niềm tự hào ấy là chính đáng. Và ngày nay nhìn lại, chúng ta phải thán phục những người trước đây đã khắc phục gian khổ và hiểm nguy để xây dựng các đồn điền trong giai đoạn đầu đầy khó khăn. Năm 1937, ông P. Michaux Giám đốc kỹ thuật của Công ty đồn điền Đất Đỏ (SPTR) đã viết trong cuốn “L’Heveaculture en Indochine”: “Đông Dương có những đồn điền trẻ hơn và to hơn rất nhiều và rõ ràng đẹp hơn phần lớn các đồn điền các nước láng giềng. Các nhà máy sơ chế cao su là những kiến trúc cao ráo, thoáng mát và sạch sẽ; thiết bị chế biến tối tân, đang hoạt động với năng suất lao động cao và cho ra sản phẩm tốt”.

Chúng ta có thể tin rằng ông P. Michaux đã không “nói mò” và cũng không thổi phồng vì trước khi sang Việt Nam, ông đã phụ trách kỹ thuật của nhóm Socíĩn (chi nhánh của SPTR ở Sumatra và Malaysia) và những nhận xét trên đây của ông là có căn cứ. Có một thời, người Pháp (và cả người Việt) ca ngợi đồn điền Quản Lợi (thuộc Công ty SPTR) hết lời về mẫu mực tổ chức và kinh doanh của nó. Nơi đây, chính quyền thực dân đã tổ chức các chuyến viếng thăm có tính chất tuyên truyền, như chuyến đi của Paul Reynaud Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp, của tướng De Lattre de Tassiguy năm 1951 …

Nhờ sức người và của dồi dào, các công ty cao su lớn đã “cắm” được trên các vùng xa xôi và hẻo lánh của đất nước ta và xây dựng dược những vùng kinh tế mới ngày càng trù phú ở những nơi ngày xưa “ma thiêng nước độc”, bất chấp khó khăn và trở ngại. Các công ty ấy không ngừng lớn mạnh.

Trường hợp của Công ty các đồn điền cao su Đông Dương (SIPH)

Năm 1907, Công ty Nông nghiệp Suzannah được thành lập; năm 1908, Công ty các đồn điền cao su An Lộc, ở sát nách đồn điền Suzannah ra đời.

Đến năm 1924 – 1925, đồn điền Cam Tiêm được thành lập và bộ ba Suzannah – An Lộc – Cam Tiêm tập trung dưới sự lãnh đạo của ông Tổng Giám đốc Emile Girard và trở thành nòng cốt của Công ty SIPH về sau. Năm 1925, sau đợt bùng nổ thứ 2 của cao su, giới tài chính Pháp bắt đầu tỉnh ngộ, tỏ ra quan tâm đến các đồn điền cao su. Năm đó ở Paris một số ngân hàng lớn theo sự lãnh dạo của Ngân hàng Đông Dương xúm nhau thành lập một tổ chức lấy tên là Công ty Đông dương kinh doanh Thương mại, Nông nghiệp và Tài chính (viết tắt là SICAF) một tổ chức như vậy là theo kinh nghiệm của Malaysia và Indonesia khi thành lập các công ty lớn, kinh doanh nhiều ngành hàng như Harrisson and Crossfield, Guthrie, Sime Darby…Công ty SICAF ở Việt Nam tập họp một số ngành hoạt động, bắt đầu từ cao su, dự định dần dần sẽ bao gồm chè, café v.v…Công ty “mẹ” SICAF phụ trách quản lý chung và tiêu thụ sản phẩm, điều hòa tài chính giữa các công ty “con”; các nhà ngân hàng có cổ phần trong SICAF là nguồn cung cấp tài chính cho các công ty đồn điền cao su.

(Xem tiếp kỳ sau)

CSVN

(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)

Giám đốc đồn điền và những người giúp việc