CSVN – Trong cuộc đời mỗi người đều có những chuyến đi, nhất là những người làm báo. Nhưng đối với tôi, có lẽ hành trình Tháng Năm để lại nhiều dư vị ngọt ngào về quê hương đất nước hùng vĩ và con người hồn hậu của vùng cực Bắc Tổ quốc. Chúng tôi thường nói với nhau rằng: Cung đường vang vọng – Hành trình về phía mặt trời
Không phải ngẫu nhiên mà đoàn chúng tôi chọn điểm đến là vùng cực Bắc Tổ quốc trong hành trình về nguồn Tháng Năm lịch sử. Bởi trong mỗi thành viên đều khát khao về với “cội nguồn cách mạng”, chinh phục “nóc nhà của Việt Nam” nơi mà “cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời”. Điểm dừng chân đầu tiên là khu di tích lịch sử Tân Trào, chính nơi này, Bác Hồ đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.
Không gian tĩnh lặng chỉ nghe tiếng nước róc rách và ve ngân trong nắng hè. Lần theo 79 bậc thang lên lán Nà Nưa (Nà Lừa), cả đoàn thắp nén nhang thành kính tưởng niệm Người cha già kính yêu của dân tộc, lòng rưng rưng, lặng nhìn căn lán nhỏ đơn sơ mái lá, vách nứa. Nhưng chính nơi đây Bác đã ra đời nhiều quyết sách mang tính chiến lược của cách mạng Việt Nam. Sau lưng tôi có tiếng thổn thức của một bác cựu chiến binh ở miền Nam ra: “Vĩ đại thay, một con người giản dị thế mà đã làm biết bao điều lớn lao cho dân, cho nước”.
Giọng hướng dẫn viên Trương Mỹ Duyên như nghẹn lại khi nói đến những ngày Bác Hồ ở lán Nà Nưa. Lúc đó, điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ, khó khăn và bệnh tật, những bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh. Tại đây, chúng tôi đã gặp những người từ mọi miền Tổ quốc nhưng họ có một điều chung nhất – lòng thành kính và sự ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong không gian thiêng liêng và thuần khiết, có lẽ trong sâu thẳm trái tim, ai cũng tự hứa với lòng mình, sẽ làm tròn bổn phận và trách nhiệm, góp phần nhỏ bé thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Bác là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”.
Chia tay Tuyên Quang, cả đoàn lên đường trong tâm trạng háo hức đi dưới cờ hoa của những ngày Kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác nhưng vẫn nghe đâu đây lời người miền ngược nhắn gởi về xuôi: “Mình đi mình có nhớ mình/ Tân Trào, Hồng Thái, Mái đình, Cây đa…” (Việt Bắc – Tố Hữu).
Điểm đến thứ hai trong hành trình là mảnh đất Hà Giang – vùng đất gợi nhiều cảm xúc. Nhắc tới Hà Giang, không thể không nói tới chợ tình Khâu Vai. Đây là nét văn hóa đặc biệt trong nếp sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang nói riêng và miền núi phía Bắc Việt Nam nói chung. Chợ bắt nguồn từ một câu chuyện tình buồn của đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Họ hẹn ước mỗi năm vào 27/3 âm lịch gặp nhau để giãi bày, tâm sự mọi chuyện buồn vui trong suốt một năm dài. Ngày nay, bên cạnh việc giữ được bản sắc riêng vốn có, chợ là nơi để mọi người tụ tập, giao lưu và cũng là nơi trao đổi buôn bán các loại hàng hóa… Khi đoàn chúng tôi đến thì phiên chợ đã vãn, chút tiếc nuối và hoài niệm về một chợ tình chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Đâu đó, tôi như nghe lời trách móc ngậm ngùi: Em xuống bản/ Đi chợ tình Khâu Vai/ Chợ đã vãn/ Em biết tìm ai, tìm ai…
Phố cổ Đồng Văn vào đêm. Trong tiết trời se lạnh, đèn đường mờ ảo lung linh mời gọi, hương nồng nàn của men rượu ngô khiến chúng tôi cũng lâng lâng say say. Ngắm Đồng Văn trong đêm, trong tôi trào dâng cảm xúc kỳ lạ, niềm tự hào xốn xang, ngẩn ngơ thả hồn theo tiếng khèn, tiếng sáo bay bổng : Bên đống lửa bập bùng/Em uống rượu ngô/ Nghe khèn anh bay bổng/ Anh là trai rừng/ Uống rượu ngô không say/ Anh yêu ai, như cây thông mọc thẳng…
Đến Cao nguyên đá Đồng Văn – Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam, chúng tôi thật sự choáng ngợp, cả một vùng núi đá dữ dội. Những nương đá, rừng đá, vách đá nối tiếp mê mải… Theo dòng sông Miên uốn lượn, những nương ngô xanh mướt trên sườn núi, chúng tôi đến Cổng trời Quản Bạ, bốn mùa gió núi, mù sương. Giữa không gian bao la trùng điệp núi đồi, nổi lên hai trái núi tựa bầu ngực của người thiếu nữ đang độ xuân thì, đó là Núi đôi Quản Bạ – “tác phẩm nghệ thuật” của thiên nhiên ban tặng. Cả đoàn thưởng thức cốc trà Shan Tuyết với vị ngọt miên man, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ đất trời và nghe truyền thuyết “Núi Cô Tiên” thi vị…
Người ta nói rằng, chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến Đồng Văn, bởi nơi đây vẫn luôn được xem là biểu tượng của chủ quyền quốc gia, biểu tượng cho cực Bắc của Tổ quốc. Chính nơi này khơi nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sỹ và Lũng Cú là địa danh để cảm xúc thăng hoa. Người ta đến Lũng Cú để được tận hưởng cái cảm giác đứng trên mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc yêu thương – Nơi có lá cờ đỏ sao vàng diện tích 54m2, biểu tượng ẩn dụ 54 dân tộc anh em, phần phật tung bay trong gió, để nghe Tổ quốc thiêng liêng trong trái tim của mỗi người dân đất Việt. Tự hào, xúc động đến rưng rưng, dưới khoảng trời lồng lộng ta như nghe thấy lời của sông núi: “Hỡi Sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng…”.
Chia tay đỉnh Lũng Cú, cả đoàn lại rong ruổi trên những chặng đường đã định, trong lòng mang theo cảm giác lâng lâng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong bút ký “Trở lại Mèo Vạc”, nhà văn Nguyên Ngọc viết:
“… Rất đột ngột, bỗng thấy mình đã đứng trên một đỉnh cao chót vót, đỉnh cao nhất. Và trước mặt, một kỳ quan chưa từng thấy: không còn ngọn núi đất nào nữa. Chỉ còn toàn đá. Một cao nguyên đá. Mênh mông, trùng điệp, lô nhô, lởm chởm, cuồn cuộn hàng triệu đợt sóng đá dồn dập như những bức trường thành đá vô tận, nhọn hoắt, sắc lẹm, nham nhở, lở lói, khô cằn, khắc nghiệt… Đá, đá, đá bạt ngàn, hút chân trời. Đá vôi đen xỉn. Và tuyệt không còn gì khác. Cao nguyên Đồng Văn – Mèo Vạc đấy”.
Đường từ Đồng Văn sang Mèo Vạc dốc và gập ghềnh, nhiều “cua tay áo”. Giữa cao nguyên mênh mông mây gió, cái tên Mã Pí Lèng ghi dấu mạnh mẽ với danh xưng một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng núi phía Bắc nước ta. Mã Pí Lèng có nghĩa là sống mũi của con ngựa. Gọi như vậy là cách để người ta nói về sự hiểm trở của con đèo này. Có biết bao con ngựa đã phải tắt thở giữa đường vì dốc cao hiểm trở.
Ngày trước, để làm nên con đèo này mà hàng nghìn công nhân ngày đêm miệt mài đục đẽo đá, cũng có những người đã hi sinh để làm nên con đường Hạnh phúc hôm nay. Giữa biển trời mênh mông đá bao quanh, đèo Mã Pí Lèng uốn mình như dải lụa mềm ôm lấy núi. Trong đoàn chúng tôi đùa với nhau rằng: “Phải lên tận đỉnh đèo mới tìm thấy hạnh phúc!”. Và quả thật, từ trên đỉnh ngắm nhìn mây núi, dòng Nho Quế lượn lờ với màu nước xanh ngọc như một thiếu nữ nép mình trầm tĩnh, lặng lẽ, mơ màng, khêu gợi mê hoặc khiến lòng người có cảm giác sung sướng đến ngẩn ngơ.
Đến cực Bắc của Tổ quốc là thử thách cũng vừa là đam mê. Chúng tôi đã chạm tay vào niềm đam mê ấy, trải nghiệm đam mê ấy, thấy mình trưởng thành và có góc nhìn mới về Tổ quốc. Trước mắt là những cung đường mới, bao khám phá mới, xin mượn lời thơ của nhà thơ Chế Lan Viên để khép lại hành trình: “Đất nước mênh mông đời anh nhỏ hẹp/Tàu gọi anh đi sao anh chửa ra đi/Chẳng có thơ đâu giữ lòng đóng khép/Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”.
Hạ Nguyên
Related posts:
- Công ty 732: Hỗ trợ trồng 610 cây cao su, tạo sinh kế cho trẻ em mồ côi
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- "Cờ Tổ quốc biên cương" đến với vùng biên giới Bình Phước
- Tiếp bước cha anh, làm rạng danh ngành cao su
- Cám ơn dòng nhựa trắng đã nuôi lớn ước mơ con!
- Cao su Chư Păh: Thi đấu bóng bàn khối văn phòng
- Các tiết mục đạt giải Hội thi Tiếng hát CN cao su KV II (phần I)
- Hội thi Tiếng hát Công nhân cao su
- Cao su ở bảo tàng và mơ ước một bảo tàng cao su
- Cao su Chư Păh giành giải nhất Hội diễn khu vực II