Hoàn cảnh ra đời bài thơ “Những phút xao lòng” của Thuận Hữu

CSVN – Có lần tình cờ tác giả bắt gặp một bức thư của vợ do người bạn trai viết gởi cách đây vài chục năm. Đọc xong, ông cất bức thư vào chỗ cũ. Ông nghĩ: Đây có thể là kỷ vật của vợ mình.thuan huu

Nội dung bức thư rất chân thành, trong sáng, giống như biết bao chàng trai gởi cho bao cô gái thuở còn cắp sách đến trường. “Bức thư không hề ảnh hưởng đến tình hình an ninh, kinh tế thế giới”, nghĩ xa rồi lại nghĩ gần, “Có thể chàng trai này là người yêu đầu của vợ mình…”. Rồi ông lại mỉm cười tự hào: Hóa ra thời con gái vợ mình cũng có cái nhan sắc “mây nước hương trời” để biết bao chàng trai say mê “trồng cây si”, để rồi mộng mơ “kết tóc và se tơ” mà có thành đâu? Ông thầm cám ơn trời đất đã ban thưởng cho mình “báu vật”, đó chính là người vợ xinh đẹp và dịu dàng.

Suy bụng ta ra bụng người, rồi nhà thơ cũng thầm nghĩ: “Trước đây mình cũng từng yêu một người… Nghĩ về quá khứ để sống cho hiện tại, ở đời chẳng ai hoàn hảo…”

Riêng nhà thơ, trong nhà ông cũng luôn treo hình người con gái thời xa xưa ông thường mơ mộng. Nhiều lúc con cháu hỏi: “Thế bà không ghen à?”, bà thường cười rồi trả lời: “Dù treo ảnh trước ảnh sau/Trăm năm không sống với nhau cũng thừa”. Bà lại nói tiếp: Dù công khai hay bí mật, ai cũng vậy thôi. Tôi và muôn triệu người trên thế gian này ai mà chẳng có một thời sống mà “để thương, để nhớ”! Ai mà chẳng có những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ, trách cứ chi nhau những giây phút xao lòng!

Từ đó Thuận Hữu trào dâng cảm xúc để viết ra bài thơ “Những phút xao lòng”, trong bài thơ có những câu: “…Hình như trước đây vợ tôi cũng có một người yêu. Có thể cho đến bây giờ người đó vẫn gọi vợ tôi là người yêu cũ. Có những phút xao lòng vợ tôi vẫn nghĩ: Có những điều mình không có được như người xưa…Cũng giống như tôi thôi, tôi trước đây cũng có một người yêu…Tôi cũng chẳng nói ra vì chỉ sợ vợ buồn…

Ai cũng vậy thôi, ai cũng có một thời sống để mà thương mà nhớ. Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ. Trách cứ chi nhau những phút xao lòng…”.

Nguyễn Văn Hoa (sưu tầm và biên soạn)