Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam

Ghép cao su. Ảnh: Phạm Thuận
Ghép cao su. Ảnh: Phạm Thuận

Kỳ 3

Hạt cao su do ông Raoul gửi về Sài Gòn là “hạt tươi” (graines fraiches) theo lời ông Vernet, và trong tình trạng rất tốt (excellent état), theo báo cáo của ông Capus gởi cho toàn quyền Đông Dương năm 1910. Vào thời điểm năm 1897 – 1900, hạt cao su do các công ty William and Brother hay Vilmorin – Andrieux cung cấp không thể “tươi” hay trong tình trạng “rất tốt” được.

Năm 1899, Cty Vilmorin – Andrieux đã có một thông báo cho những khách hàng của mình như sau: “Những hạt của cái cây quý này mất sức nảy mầm rất nhanh; hạt sẽ nảy mầm một thời gian ngắn sau khi rơi xuống đất, trong những hạt nhặt trong mùa có lẫn một số ít hạt không có nhân của mùa trước, khó phân biệt vì trọng lượng của chúng không chênh lệch nhau nhiều và vỏ hạt vẫn tốt. Các bạn hàng của chúng tôi không nên lấy làm lạ nếu có một tỷ lệ hạt không nhân nào đó trong lô hàng của mình. Chúng tôi sẽ cố gắng giảm số lượng hạt hỏng bằng cách dặn dò cẩn thận những người thu nhặt hạt”.

Rõ ràng vào thời điểm này, công ty giống Vilmorin – Andrieux chưa thật thành thạo trong việc thu nhặt hạt cao su. Công ty này bán hạt cao su khá đắt: 10.000 hạt giá 2000 francs, 2.000 hạt nảy mầm giá 2000 francs. Tức là hạt nảy mầm đắt hơn hạt thường đến 5 lần. Điều này chứng tỏ rằng hạt cao su thường của V-Andrieux rất kém.

Một dẫn chứng cụ thể khác là vào cuối năm 1898, Dr.Yersin nhập 2 đợt giống Ceylan của Cty William and Brothers: theo ông G.Vernet thì hạt nảy mầm rất kém. Phòng Nông nghiệp Nam kỳ năm 1899 nhập 10.000 hạt của công ty giống W. and B. chỉ nảy mầm được 10% và Cty W & B phải gởi bù 5.000 hạt.

Năm 1898, ông Belland ở Phú Nhuận đã nhập của Ceylan 1.000 hạt cao su để trồng làm cây che bóng cho cây cà phê, chỉ đạt một tỷ lệ nảy mầm rất thấp: 3,3%. Tóm lại vào những năm cuối của thế kỷ XIX, chưa có một tổ chức có khả năng cung cấp hạt giống tốt, mặc dù bao bì đã được chú ý đúng mức (các công ty dùng thùng Ward, theo kiểu thùng gởi cây con từ Kew đến Colombo năm 1876).

Một lý do khác là về thời gian thu nhặt hạt cao su. Ceylan nằm trong vùng nhiệt đới; hạt cao su rụng vào khoảng tháng 7 đến tháng 9. Như vậy khó có thể có “hạt tươi” để chở về Sài Gòn và ương ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn và sau đó phân phối cây con vào tháng 10 – 11 năm 1897 cho các nhà trồng tỉa và cho Dr. A. Yersin. Ngược lại Java nằm trong vùng xích đạo, mùa khô hanh ở đây không rõ nét, cây cao su ra hoa một cách thất thường, có khi quanh năm (P. Compagnon), như vậy hạt giống có thể sẵn hơn ở Ceylan.

Trong khi ở Colombo, các công ty giống (như Vilmorin – Andrieux, William and Brothers) phải thông qua một số người nhặt hạt (có khi không phân biệt được hạt đương mùa với hạt năm trước) thì ở Vườn thực nghiệm Buitenzorg, một nơi có nhiều nhà khoa học Hà Lan làm việc, chắc chắn hạt giống phải được chọn lựa nghiêm túc.

Đường chuyên chở giống cao su từ Java về Sài Gòn dài 1.025 hải lý, trong khi đi từ Colombo về Sài Gòn phải mất 2.226 hải lý. Như vậy nếu mua hạt cao su từ Batavia (Java) thì về đến Sài Gòn chắc chắn hạt sẽ tươi hơn.

Để có thêm tài liệu nghiên cứu chúng tôi đã tiếp xúc với hai nơi: một là Thảo Cầm Viên TP.Hồ Chí Minh, nơi đã ương hạt cao su do ông Raoul gửi về năm 1897, hai là liên lạc bằng thư với Vườn thực nghiệm Bogor, nơi mà nhiều người cho rằng đã cung cấp hạt cao su cho phái đoàn Raoul. Rất tiếc là kết quả không có gì!

Thảo Cầm Viên TP.Hồ Chí Minh, từ ngày giải phóng miền Nam, đã trải qua nhiều đổi thay trong lãnh đạo. Nét chung là không ai quan tâm đến các hồ sơ lưu trữ nên hiện nay không còn. Vì vậy mà không tìm ra được những ghi chép về các hoạt động của Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XIX.

(xem tiếp kỳ sau)

T.S (trích từ sách “100 năm cao su ở Việt Nam” của ông Đặng Văn Vinh)