CSVN – Anh là một người hết lòng vì công việc. Ngày nắng cũng như mưa, mùa cạo hay nghỉ cạo, đều thấy anh rong ruổi trong lô cao su. Dường như cây cao su đối với anh là những người bạn thân, rất thân mà ngày nào không gặp là không “chịu” được. Anh là Lê Văn Trường – Phó TGĐ Công ty TNHH Phát triển Cao su Bà Rịa – Kampong Thom.
“Vốn” kinh nghiệm quý báu
Tháng 4 năm 2009, đang là đội trưởng của một đội sản xuất thuộc Nông trường Xà Bang, Công ty CPCS Bà Rịa, anh cùng 7 cán bộ khác của công ty và Công ty CPCS Hòa Bình được cấp trên giao trọng trách “mở mang bờ cõi” cho Công ty CPCS Bà Rịa – Kampong Thom – một công ty được VRG giao nhiệm vụ đầu tư dự án trồng, chăm sóc và khai thác cao su tại tỉnh Kampong Thom, Vương quốc Campuchia.
“Đang yên đang lành”, công việc ổn định với cuộc sống đầy đủ điều kiện thì tháng 5/2009, anh lên đường cùng “đồng đội” đi K. Hành trang anh mang theo ngoài những đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày, còn có một thứ đáng quý nhất, đó chính là “vốn” kinh nghiệm quý báu được tích lũy qua hơn 20 năm gắn bó với cây cao su.
Những ngày đầu, sự khác biệt về khí hậu, thời tiết, đất đai thổ nhưỡng, chưa tường tận về phong tục tập quán, con người, sự khác biệt về ngôn ngữ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn… là những trở ngại mà anh và các cán bộ Việt Nam gặp phải. Để giải quyết hết những khó khăn ấy là cả một quá trình trường kỳ gian khổ.
Vùng dự án của công ty thuộc vùng đất trũng, khi vào mùa mưa dễ bị ngập úng. Năm 2009, công tác trồng mới được triển khai, khó khăn ban đầu gặp phải cho cây cao su là dễ bị chết khi gặp ngập úng. Thế nhưng, khó khăn ấy đã được giải quyết khi anh là người tiên phong trong công tác đào mương, khơi dòng thoát nước. Anh kể rằng anh đã từng làm tốt công tác chống úng cho cây cao su ở một nông trường, trước đây anh từng công tác.
Bằng kinh nghiệm của mình, nơi nào cần thoát nước, với bó cây rừng mang theo, anh đã cắm những hàng cọc tiêu làm chuẩn cho công nhân đào mương, công việc này tưởng chừng đơn giản thế nhưng nếu không có con mắt kinh nghiệm, thì những con mương đào không thoát được nước cũng trở nên vô dụng. Thế là, những con mương ngang dọc do anh “thiết kế” đã đưa nước chảy xuôi về suối, giải được bài toán chống úng cho vườn cây cao su và được công ty áp dụng trong những năm trồng và chăm sóc cao su sau này.
Sâu sát với công nhân
Năm 2010, Công ty TNHH Phát triển Cao su Bà Rịa – Kampong Thom thành lập hai nông trường. Anh Lê Văn Trường được giao nhiệm vụ Giám đốc Nông trường Ou Tuek Thla. Một lần nữa anh lại khăn gói, chuyển vào sống trong làng công nhân (CN) của nông trường để tiện cho công tác điều hành và quản lý. CN nông trường là người bản địa, vốn quen nghề trồng lúa nước, với thói quen lao động, phong tục tập quán lâu đời. Vì thế, khi vào làm CN cao su, nhiều người còn lạ lẫm và bỡ ngỡ.
Với lối sống giản dị, gần gũi anh đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động, hướng dẫn họ dần làm quen, thuần thục trong từng công việc. Nhờ làm tốt công tác điều hành và quản lý, đến năm 2013 Nông trường Ou Tuek Thla đã trồng được hơn 2.676 ha cao su, công tác chăm sóc vườn cây được chú trọng, tỷ lệ cây sống cao, cây sinh trưởng, vanh phát triển tốt tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khai thác sau này.
Năm 2016, công ty chuyển sang giai đoạn khai thác, công việc mới mẻ và cần đến một người có kinh nghiệm trong công tác khai thác. Một lần nữa anh được giao nhiệm vụ mới – phó tổng giám đốc công ty, phụ trách công tác kỹ thuật vườn cây. Người CN phải làm quen với quy trình kỹ thuật cạo mủ và những công việc khác, cho nên việc đào tạo, huấn luyện cho CN là khâu đầu tiên cần được quan tâm.
Lãnh đạo công ty chỉ đạo cho hai nông trường thường xuyên tổ chức các lớp học cạo, kiểm tra, uốn nắn kịp thời để nâng cao tay nghề cho CN, nâng cao ý thức trong công tác vệ sinh nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm… Rất nhiều công việc trên vườn cây cần phải được quan tâm, kiểm tra thường xuyên, để những chỉ đạo, chủ trương kịp thời và đúng đắn mang lại hiệu quả cho công tác SXKD, và chính anh lại là người phụ trách trực tiếp công việc này.
Hết lòng với công việc
Đảm nhận cương vị phó tổng, anh được giao một chiếc ô tô để đi lại, nhất là đi kiểm tra công tác trên vườn cây. Tuy nhiên, dường như ít khi nào anh sử dụng cho công việc này, với chiếc xe máy, anh độc hành, rong ruổi trong lô cao su. Bất kể, ngày nắng hay mưa, vào mùa cạo hay lúc nghỉ cạo, nhiều CN vẫn thấy anh lặn lội kiểm tra trên vườn cây.
Cứ mỗi buổi sáng, chuẩn bị cho một chuyến đi “dạo” vườn cây, anh lại cặm cụi đổ xăng cho chiếc xe máy của mình. Vườn cây công ty với hơn 400 lô cao su, không có lô nào chưa in dấu chân anh và nhờ thế anh phát hiện ở lô này có dịch bệnh cần phải phun thuốc trị, ở lô kia có cành nhánh gãy đổ cần dọn dẹp, hoặc đoạn đường nọ cần phải sửa chữa ngay, cần phải đặt cống thoát nước để CN đi lại đảm bảo an toàn… Ở khu tập thể cán bộ nhân viên của công ty, cứ 6 giờ sáng lại thường nghe sang sảng cái giọng Quảng Trị đặc sệt của anh. Đó là những lúc anh điện thoại chỉ đạo cấp dưới khi có những công việc cần làm ngay.
Cứ như thế, công tác khai thác của công ty vượt qua những khó khăn ban đầu đã từng bước đi vào ổn định, sản lượng khai thác hàng năm đều vượt kế hoạch. Năm 2018, sản lượng khai thác công ty đạt 143% so kế hoạch. Và là năm đầu tiên công ty có lãi, đem lại niềm vui, phấn khởi cho toàn thể NLĐ đơn vị. Có được niềm vui ấy là nhờ sự quản lý, điều hành tốt của ban lãnh đạo công ty, trong đó có sự đóng góp công sức không nhỏ của anh, với tất cả tinh thần trách nhiệm, hết mình vì công việc.
Chiều nay gặp anh trên đường lô cao su, chỉ kịp vẫy tay chào vì mỗi người một công việc. Ngoái nhìn dáng anh cưỡi xe máy đi về phía cuối đường, tôi lại thầm nghĩ: “Chà! Sáng mai 6 giờ lại được nghe cái giọng Quảng Trị sang sảng của anh đây”.
Kampong Thom, tháng 4/2019
ĐỨC HUY
Related posts:
- Người "có duyên" với danh hiệu Bàn tay vàng
- Xuân xa quê vì nhiệm vụ
- Chuyện tờ tiền lẻ
- Tổ Công đoàn "đặc biệt"
- Trịnh Đình Luận – Cao su Chư Prông: Khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn
- Thạo Cợt - gương sáng công nhân khai thác trên đất bạn Lào
- Đón giao thừa trên lô
- Nhà truyền thống công nhân cao su: Nơi tái hiện và lưu giữ lịch sử ngành cao su
- “Đoàn kết để phát triển bền vững”
- Người công nhân giỏi việc nước, đảm việc nhà