Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su

CSVN – Điểm danh xong, công nhân phải ra lô làm việc ngay. Khi cạo phải vừa nhanh vừa khéo tay. Nhanh để cho đủ mức khoán và khéo tay để không cạo phạm. Cạo xong cây này phải chạy vụt sang cây khác, nhanh như một cái máy.
Công nhân cao su thời Pháp thuộc.
Công nhân cao su thời Pháp thuộc.

Từ 5 giờ đến 9 giờ sáng, mỗi người phải cạo xong trên dưới 400 cây, mỗi cây cách nhau từ 5 đến 6 mét. Như vậy họ phải đi lại khoảng 2.500 mét. Thông thường thì cứ 7 công nhân làm là có một tên cai đi theo để kiểm soát. Làm không vừa ý chúng là bị đánh ngay tại chỗ. Nhiều người đã bị chúng đánh chết. Cạo xong số cây khoán vẫn chưa được nghỉ, còn phải xách thùng đi trút mủ ở bát, trút mủ phải vét cho thật khéo. Nếu để mủ rơi xuống đất thì bị đánh và phải bồi thường. Trút mủ xong, người công nhân phải gánh cả hai thùng nặng từ 40 đến 50 ký, đến nộp ở nhà chứa mủ.

Thông thường giao mủ xong thì đã 12 giờ trưa. Người công nhân tranh thủ mở mo cơm ra ăn với   cá khô và uống nước lã rồi trở về sở để tiếp tục làm việc khác. Có khi đã xong phần việc cạo mủ, họ vẫn phải ở lại lô để làm cỏ hoặc đắp đê ngăn nước cuốn đất màu. Từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều họ phải “làm khoán” một đoạn đê dài 3 mét, rộng 0,7 mét, cao 0,4 mét. Đắp xong, bọn cai, sếp dùng giày đinh giẫm đạp lên mà không bị sụt lở thì mới được chấp nhận. Qua những điều trên, rõ ràng là, để có thể bóc lột được tối đa sức lao động của người công nhân cao su, bọn chủ tư bản đồn điền đã dùng mọi biện pháp tăng cường độ lao động của họ.

Về những khó khăn, nguy hiểm mà người công nhân cao su gặp phải trong khi làm việc ở ngoài lô, trước tiên phải kể đến nạn muỗi, vắt, kiến, mòng, mối càng và rắn độc. Những thứ này có rất nhiều trong rừng cao su. về muỗi có loại “muỗi đòn xóc” gây ra bệnh sốt rét dẫn đến chết người. Tại Đồn điền Phú Riềng, trong năm 1929, xảy ra bệnh dịch sốt rét, số công nhân bị nhiễm bệnh chiếm tới 100%, trong số đó có tới 6% đã chết. Về kiến thì có loại kiến vàng to bằng cọng rơm bám đầy vào cây, bò chật đất, đốt đau nhức không kém gì ong đốt. Còn con mòng trong các khu rừng miền Đông Nam Bộ có màu đỏ tía, tròn to như hạt thầu dầu. Chúng cắn vào chỗ nào là chỗ ấy bị sâu quảng ngay.

Một tài liệu lưu trữ tại “Công ty quốc doanh cao su Đồng Nai” cho biết số công nhân cao su mắc bệnh sâu quảng từ năm 1930 đến năm 1935, chiếm 55% so với tổng số công nhân cao su miền Đông. Với điều kiện thuốc men rất hạn chế lúc bấy giờ, nhiều người bị sâu quảng không chữa khỏi, phải cưa chân, cưa tay. Cùng với muỗi, kiến vàng, mòng, mối rừng cũng là một giống vật nguy hiểm đối với người công nhân cao su. Giống mối này rất độc, cắn vào ai thì người đó thường lên cơn sốt. Chúng lại rất thích ăn thịt người. Trong cuốn Phú Riềng Đỏ, Trần Tử Bình có kể lại trường hợp một công nhân lên cơn sốt bị mối rừng ăn chỉ còn bộ xương trắng.

Sự cực nhọc trong lao động khi làm việc ngoài lô thường quá sức chịu đựng của người công nhân cao su, tuy vậy đỉnh cao của sự nặng nhọc, sự nguy hiểm làm chết người chính là công việc phá rừng để trồng cao su. Công nhân đi làm thường không có quần áo, họ chỉ đóng độc một chiếc khố bằng bao tải rách, lại phải làm việc quần quật dưới làn roi vun vút của cai, xu, sếp. Nhiều người bị chết vì bị rắn “chàm quạp” cắn. Rất nhiều người bị thương vì ong đốt, kiến, vắt, mòng cắn, gai cào, búa phang vào tay, cây đổ vào người…

CSVN

(Xem tiếp kỳ sau)

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)