Dòng chảy của đời người

CSVN – Mùa thu năm 2019, toàn ngành hướng về Phú Riềng, nơi diễn ra nhiều sự kiện chào mừng kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su. PV Tạp chí CSVN tìm đến gặp ông Phan Đắc Bằng – Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cao su VN để tìm hiểu thêm về thế hệ những người đã từng gắn bó, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển ngành cao su từ thời gian khó. Ông chia sẻ:
Ông Phan Đắc Bằng – Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cao su VN.
Ông Phan Đắc Bằng – Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cao su VN.
Ngôi nhà đại đoàn kết Bắc – Trung – Nam

Đối với tôi, ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam 28/10 là một ngày có nhiều ý nghĩa đặc biệt. Không chỉ được đánh dấu bằng mốc thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên tại Phú Riềng, xác định chiều dài lịch sử lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp công nhân trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhờ có sự lãnh đạo  của  Đảng,  giai  cấp  công nhân đã chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác, đấu tranh có tổ chức, có đường lối. Theo tôi, những người đã – đang – sẽ làm cao su có quyền tự hào rằng giai cấp công nhân cao su là giai cấp giác ngộ cách mạng sớm nhất. Thêm vào đó, ngày 28/10 như một lời nhắc nhở, tiếp lửa cho các thế hệ sau về những dấu ấn, về quá trình phát triển của ngành.

Chặng đường 90 năm của ngành được chia làm hai dấu mốc (1929 – 1954) là giai đoạn đấu tranh bất khuất, hi sinh gian khổ để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Giai đoạn từ 1954 đến nay cũng là một giai đoạn hào hùng không kém, khi ngành cao su tiếp quản vườn cây, nhà máy của thực dân để lại, bắt tay vào công cuộc khôi phục, ổn định và phát triển. Giai đoạn này cũng rất gian khổ, không những mồ hôi mà có cả nước mắt, cả hi sinh xương máu khi tàn tích chiến tranh còn sót lại.

Ngay từ slogan của ngành “Cao su – Dòng chảy cuộc sống” đã thể hiện tính liên tục và bền vững, một dòng chảy không ngừng, xuyên suốt. Ngành cao su là ngôi nhà đoàn kết ba miền Bắc – Trung – Nam. Theo tôi, ngành có hai cuộc di cư đó là thời gian đầu bắt đầu trồng cao su tại Việt Nam, thực dân Pháp đã có một cuộc “tổng tuyển phu công tra” từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào những đồn điền cao su ở Đông Nam bộ và thời điểm ngành cao su khôi phục sau chiến tranh, nhiều gia đình đã khăn gói lên đường trong tư thế mới, tư thế của người làm chủ làm kinh tế mới.

Trong dòng chảy lịch sử  của ngành, tôi vẫn còn nhớ giai đoạn tôi và   anh Đặng Văn Vinh, anh Nguyễn Hữu Chất được cử sang Hải Nam, Trung Quốc để khảo sát xem người ta làm cao su như thế nào. Sau đó, Bộ Chính  trị quyết định cho 1 vạn bộ đội đi xây dựng 100 nông trường, trong đó có  14 nông trường cao su để khai thác nguyên liệu, phục vụ cho quốc phòng và cho những nhu cầu dân sinh. Và các nông trường cao su được hình thành từ Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Bình cho đến Quảng Trị.

Những chiến tuyến giao tranh ác liệt, Nông trường cao su cũng có những cái tên gắn liền với các sự kiện lịch sử và địa danh ấy như Nông trường Tuyến Lửa, Nông trường Quyết Thắng… Từ năm 1958 đến năm 1964, diện tích cao su mà ta trồng được là 6.000 ha. Sản lượng cao su của 14 nông trường tuy ít nhưng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thời điểm Việt Nam bị Mỹ cấm vận, nguồn cung cấp nguyên liệu chính của nhà máy cao su Sao Vàng sản xuất săm lốp cho quốc phòng, dép cao su cho bộ đội…

Dòng chảy liên tục, vững bền

“Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” cũng là hình ảnh dưới bom đạn của kẻ thù, những cánh rừng cao su là nơi che giấu bộ đội từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam. Mỗi nông trường bảo vệ cho một Binh đoàn vượt Trường Sơn, là nơi giấu xe tăng, cơ giới chi viện vào Nam. Và có thể khẳng định rằng “Không có cao su thì bộ đội sẽ gặp nhiều khó khăn khi Nam tiến”. Cũng dưới những tán cao su ấy có rất nhiều kỷ niệm vui của bộ đội ta,  tại Nông trường Tuyến Lửa ấy bộ đội đã để lại cả kho xe đạp, kho giày cao cổ và chiếc võng chia đôi để hành quân được dễ dàng. Người dân nơi ấy có câu thơ đùa rằng:

“Có võng Tô Châu cho bọ một nửa Có giày cao cổ cho bọ một đôi”.

Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng trong dòng chảy lịch sử của ngành cao su không thể phủ nhận đóng góp quan trọng của cao su miền Bắc ngày ấy. Nguồn gốc những nông trường cao su miền Bắc ra đời rất đáng tự hào, vừa có ý nghĩa về chính trị, vừa có ý nghĩa về kinh tế. Và cũng chính từ những nông trường ấy sau giải phóng cung cấp cán bộ khung cho các công ty cao su miền Nam ổn định và phát triển.

Ngày 30/4/1975 khi tôi đang ở Cuba thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ nước bạn phát triển kinh tế, trồng cây công nghiệp thì được điều động về nước để nhận nhiệm vụ mới.

Về công tác tại Tổng Cục Cao su Việt Nam trên cương vị Cục trưởng Cục Kỹ thuật từ tháng 9/1975. Là trưởng ban tiếp nhận máy móc của Liên Xô và các nước Đông Âu hỗ trợ Việt Nam thực hiện chỉ tiêu của Bộ Chính trị yêu cầu ngành cao su phải là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển 1 triệu  ha cao su. Trong ký ức của tôi, thời gian đó vô cùng khó khăn, thế nhưng với quyết tâm của biết bao nhiêu thế hệ, đã xây dựng nền tảng vững chắc   để ngành cao su từng bước gặt hái được nhiều kết quả như ngày hôm nay.

Tôi rất tự hào về ngành cao su Việt Nam, từ 44.000 ha cao su tiếp nhận của thực dân để lại, các thế hệ CB.CNVC – LĐ ngành đã khôi phục, dựng xây để cao su Việt Nam có vị thế như hôm nay, năng suất đứng thứ 2 trên thế giới, sản lượng đứng thứ 3 và xuất khẩu đứng thứ 4 trên thế giới.

Dòng chảy ngành cao su là một dòng chảy phát triển liên tục, dù cũng  trải qua những lúc thăng trầm, truyền thống ngành đã có những trang sử hào hùng, những mốc son chói lọi, vì vậy thế hệ đang và sẽ công tác trong ngành cao su phải tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống đó. Tôn trọng cơ chế thị trường, muốn phát triển bền vững bắt buộc phải thâm canh, hàng hóa sản phẩm phải có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, nghiên cứu thị trường, xem thị trường cần gì, nếu không hòa nhập thì không được, sản xuất phải tuân theo tự nhiên và chủ động hợp tác quốc tế.

Ai làm trong ngành cao su đều có quyền tự hào rằng bản thân mình đang tham gia vào quá trình sản xuất những mặt hàng hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, là dòng chảy của đời người và khi nhân loại cần thì ngành cao  su vẫn sống, vẫn phát triển.

QUỲNH MAI (ghi)