Đó là mong mỏi về thế hệ trẻ VRG của ông Trần Bình Luận – Nguyên Giám đốc Quỹ Bảo hiểm Xuất khẩu cao su.
Ông Trần Bình Luận gắn bó với ngành cao su năm từ 1985. Năm 2012, ông về hưu trên cương vị Giám đốc Quỹ Bảo hiểm Xuất khẩu Cao su. Công tác ở ngành cao su trên nhiều lĩnh vực nên khi về hưu, ông vẫn dõi theo, trăn trở khi giá cao su xuống thấp, băn khoăn khi cây cao su bị gãy đổ bởi thiên tai.
Ông hy vọng thế hệ trẻ ngành cao su sẽ đoàn kết, chung vai cùng VRG vượt qua khó khăn.
Tự hào được góp sức mình cho ngành cao su
Ông Luận là sỹ quan quân đội đi học ở Liên Xô. Năm 1984 tốt nghiệp về nước, làm việc ở Quân khu 7 (Phòng Cán bộ quân khu). Năm 1985 với quân hàm thượng úy, ông chuyển ngành về Tổng cục Cao su và được phân công về Công ty Xuất nhập khẩu Cao su – Rubexim.
Đến năm 2001 ông làm việc ở Công ty Cao su Tân Biên. Năm 2012, ông chốt sổ hưu ở Quỹ Bảo hiểm Xuất khẩu Cao su.
Ông Luận nhớ lại: “Những năm đầu trong ngành cao su, tôi làm ở bộ phận đối ngoại (Phòng Khu vực) phụ trách pháp chế và theo dõi giao dịch với khối xã hội chủ nghĩa, đặc trách thị trường Liên Xô. Việc mới tất nhiên có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Những năm 80 của thế kỷ trước quy mô của ngành cao su còn nhỏ, khối lượng cao su xuất nhập khẩu chưa nhiều, nhưng khó khăn thì không ít. Công ty Rubexim được tổ chức rất khoa học theo mô hình của Bộ Ngoại Thương ngày đó nên công việc trôi chảy, các khó khăn của tôi luôn được hỗ trợ kịp thời vì quanh tôi là những đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ”.
Ông điểm lại thời gian làm việc trong ngành cao su với biết bao kỷ niệm buồn vui: những vườn cây, những đường lô, những chén mủ trắng, những bành cao su thành phẩm, những cuộc giao dịch với khách hàng trong và ngoài nước, những bản hợp đồng, những vụ khiếu nại tranh chấp…
Kể cả những kỷ niệm vui buồn với tình người, thấm đậm những thăng trầm của cuộc sống! “Điều còn lại trong tôi là niềm vinh dự và tự hào được góp sức mình cho sự phát triển của ngành cao su Việt Nam. Tôi tự hào đã vững vàng và bản lĩnh trong thử thách, nhất là những tác động nghiệt ngã trong cơ chế thị trường”, ông chia sẻ.
Phải đoàn kết vượt qua giai đoạn khó khăn
Ông Luận chia sẻ thêm: “Vấn đề tâm huyết nhất của tôi với ngành cao su là con người, là công tác cán bộ – nghe có vẻ lý thuyết quá, nhưng ở đâu cán bộ lãnh đạo có tâm huyết ở đó hoạt động có hiệu quả. Tôi về hưu nhưng vẫn quan tâm rất nhiều đến ngành cao su”.
Theo ông, với bề dày lịch sử, cây cao su đã làm thay đổi nhiều vùng miền, đem lại cuộc sống sung túc cho hàng ngàn hộ gia đình. Cây cao su đã cùng con người – thế hệ cha anh chúng ta đồng hành vượt qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Bởi vậy trong giai đoạn hiện nay, mỗi CNVC LĐ VRG phải gắn bó, cùng nhau vượt qua khó khăn, xứng đáng với truyền thống quý báu của ngành.
Ngọc Cẩm
Related posts:
- Một lòng với nghề
- Tiến sĩ mê cao su giống
- Người lãnh đạo luôn gần gũi công nhân
- Hoàng Hải Hiền: Người thầy đam mê sáng tạo
- Thành công nhờ tâm huyết và sáng tạo
- Nữ công nhân "ba đảm đang"
- Chưa bao giờ suy nghĩ sẽ nghỉ làm công nhân
- Công nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của ngành cao su
- Tự hào với truyền thống 4 thế hệ công nhân cao su
- Đất mến người