Mẹ tôi là công nhân cạo mủ 

CSVN – Mẹ tôi làm công nhân cạo mủ cao su từ khi tôi còn rất nhỏ. Trong ký ức non nớt của tôi, ngày nào mẹ cũng đi làm từ lúc 2 giờ sáng đến chiều mới về.
Ảnh: Tùng Châu.
Ảnh: Tùng Châu.

Có lẽ thời gian mẹ ở ngoài rừng cây còn nhiều hơn cả ở nhà. Bởi nghề cạo mủ chẳng giống như bao nghề khác, cứ tầm nửa đêm là mẹ lại lục đục chuẩn bị đèn pin, dao cạo, thùng đựng mủ để bắt đầu công việc của mình.

Tôi nhớ những ngày còn thơ ấu. Khi gà còn chưa cất tiếng gáy báo hiệu ngày mới thì mẹ đã đánh thức tôi dậy để trông em cho mẹ đi cạo. Trong trạng thái nửa mơ nửa tỉnh của một đứa trẻ, tôi chỉ biết ẵm em đứng nhìn mẹ lặng lẽ dắt xe đi làm giữa màn đêm lạnh buốt. Lớn lên dường như tôi chỉ thấy mẹ quanh quẩn với rừng cao su mà biết bao nguồn chi tiêu đều trông chờ vào đó. Biết bao giọt mồ hôi của mẹ đổ xuống trên những cánh rừng cao su được đổi bằng những dòng nhựa trắng tinh nuôi mấy chị em tôi khôn lớn từng ngày.

Nghề công nhân cạo mủ của mẹ tưởng chừng như đơn giản nhưng lại cực kỳ khó. Mẹ thường bảo cạo mủ không chỉ quan tâm tới việc khai thác được nhiều nhựa cây mà còn phải luôn phải chú ý đến yêu cầu kỹ thuật. Hai tay phải luôn nắm chặt dao, cạo thành đường vòng cung thật ngọt và uyển chuyển để cho mủ chảy theo máng vào chén hứng. Cứ thế hết cây này sang cây khác, hàng này qua hàng khác. Vì thế tay mẹ lúc nào cũng đỏ hoe, trầy xước ngang dọc. Đặc biệt, khi đi cạo mủ ban đêm mẹ còn phải tiếp xúc thường xuyên với muỗi, rắn, rết, côn trùng… dễ bị mắc các bệnh về da và bệnh truyền nhiễm. Dù vậy tôi chẳng bao giờ nghe mẹ than mệt, hôm nào cây cao su cho ra nhiều sản lượng, tay mẹ vẫn cạo thoăn thoắt như được lập trình.

Dù bận rộn với công việc, nhưng mẹ rất quan tâm đến việc học mấy chị em tôi và chăm sóc mảnh vườn nhỏ luôn xanh tươi. Ba bảo ngày xưa mẹ học rất giỏi nhưng gia đình quá khó khăn nên mẹ phải nghỉ học sớm. Vào mỗi buổi tối, mẹ luôn dạy cho mấy chị em tôi học bài. Vì thế tôi luôn cố gắng tự giác trong việc học.

Ở quê tôi phần lớn các hộ gia đình đều làm nghề công nhân cạo mủ cao su. Vào lúc chiều tà, trên con  đường lô toàn sỏi đá và dốc là hình ảnh những người mẹ, người dì cần mẫn đạp xe đạp trở về sau một ngày vất vả. Họ vừa đi vừa hát làm cho nhịp điệu cuộc sống nơi thôn quê bỗng trở nên tươi vui và tràn đầy sinh khí. Thế nhưng mấy năm gần đây, mủ cao su lại liên tục rớt giá khiến đời sống của người công nhân cao su vô cùng bấp bênh. Nhiều người bỏ nghề thợ cạo với hy vọng tìm được công việc khác với mức thu nhập cao hơn.

Mẹ tôi vẫn luôn hăng say làm việc, bởi đối với mẹ để gia đình tôi có được cuộc sống ấm no hạnh phúc thì cần phải cố gắng chăm chỉ hơn nữa. Dẫu biết rằng, đời sống của người công nhân cạo mủ luôn phải chịu cảnh thức đêm, chấp nhận rủi ro và tai nạn nghề nghiệp, nhưng mẹ vẫn vững tin rồi một ngày giá mủ sẽ bình ổn trở lại như “sau cơn mưa trời lại sáng”.

Thời gian cứ thế trôi đi, chị em tôi đều đã trưởng thành, rừng cao su vẫn thay lá từng mùa. Thế nhưng mỗi lần đứng áp sát má mình vào lớp da sần sùi của cây cao su, cảm nhận được hơi ấm từ dòng nhựa trắng giống như màu tóc bạc dần trong sương sớm của mẹ. Chợt thấy thương dáng mẹ gầy gầy trong màu áo xanh công nhân, tay xách từng thùng mủ nuôi mấy chị em tôi nên người.

HỒ THỊ THÙY TRANG

(Thôn 3 Thị trấn Phú Hòa, Chư Păh, Gia Lai)