CSVN – Mặc dù đã nghỉ hưu được 10 năm, nhưng với thâm niên 30 năm gắn bó với ngành cao su, hàng ngày ông vẫn luôn quan tâm, dõi theo từng bước đi của ngành. Ông cho rằng phát huy truyền thống đoàn kết của công nhân cao su, sẽ là sức mạnh, là động lực để ngành phát triển ổn định và bền vững.
Chúng tôi đến thăm nhà ông Lại Công Quyền (tên thân mật Ba Quyền) – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Nông trường Cao su Minh Thạnh (Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng) vào một ngày trung tuần tháng 8. Lúc chúng tôi đến, ông đang loay hoay cắt tỉa, chăm sóc mấy chậu cây cảnh trước sân nhà. Nhoẻn miệng cười ông nói: “Đây là niềm vui của tôi lúc tuổi già”.
Ông Lại Công Quyền sinh năm 1947, tham gia cách mạng tháng 5/1965. Trong quá trình tham gia cách mạng, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì. Sau khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, năm 1976 ông chuyển về làm công nhân Công ty Cao su Dầu Tiếng giữ chức vụ tổ trưởng sản xuất, rồi giữ chức vụ đội phó, đội trưởng, Phó Giám đốc Nông trường Cao su Trần Văn Lưu. Năm 1993, ông Quyền được lãnh đạo Công ty Cao su Dầu Tiếng điều về Nông trường Cao su Minh Thạnh giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc nông trường. Đến năm 2007, ông nghỉ hưu theo chế độ.
Với hơn 30 năm gắn bó với ngành cao su, ông Quyền nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở, cấp công ty và cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2005, ông đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” và vinh dự được dự Đại hội Đại biểu thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII. Với những công lao đóng góp xây dựng ngành cao su, ông Ba Quyền được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhì” và “Huân chương Lao động hạng Ba”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết trong quá trình công tác, lúc nào cũng luôn tích cực, tận tâm làm việc không biết mệt mỏi. Trong chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, phương châm của ông là công khai, dân chủ, phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ. Trong ứng xử hàng ngày, luôn hòa nhã với mọi người, quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Đồng thời xây dựng mối quan hệ mật thiết với chính quyền địa phương để hỗ trợ về mọi mặt hoạt động.
Tiếp nối truyền thống gia đình, các con của ông hiện có 2 người đang làm CN tại NTCS Minh Thạnh và 1 người làm bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Cao su Dầu Tiếng. Với hơn 42 năm công tác (10 năm tham gia cách mạng), giờ đã về nghỉ hưu nhưng ông luôn quan tâm, dõi theo sự phát triển của ngành cao su. Tâm sự với chúng tôi, ông Ba Quyền mong rằng ban lãnh đạo VRG, ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng phải tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của công nhân cao su. Đó là tinh thần đoàn kết, bởi đó vừa là sức mạnh, vừa là động lực cho ngành cao su phát triển ổn định và bền vững.
“Thực tế đã chứng minh, nhờ sự đoàn kết, nhất trí mà ngành cao su đã nhiều lần vượt qua khó khăn và đạt được nhiều thành tựu đáng phấn khởi. Trong bối cảnh hiện nay, cần quan tâm hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động. Nhất là giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ công nhân cao su vững mạnh, ngày càng thể hiện vai trò của người công nhân, vai trò tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có như vậy, nhất định ngành cao su sẽ mãi là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, ông Quyền bày tỏ.
Bài, ảnh: Nguyễn Hải
Related posts:
- Cuộc đời sang trang nhờ 3 đời gắn bó với cao su
- Bùi Quốc Hùng: Gương điển hình từ sức trẻ
- Anh Trịnh Văn Thông – Tổ 6, Nông trường 1, Cao su Phú Riềng: Dự kiến vượt sản lượng 3 tấn
- "Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"
- Tận tâm, góp sức cùng đơn vị phát triển
- Nỗ lực của Nàng Bức
- Khát khao vươn tới cuộc sống tươi đẹp
- Vận dụng hiệu quả phong cách của Bác vào công việc và cuộc sống
- Đọc “Chuyện nghề”, nghĩ về truyền thống
- Những bông hồng trên vườn cây ngày 8/3