“Ngành cao su cần chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ”

CSVN – Mặc dù đã về hưu, nhưng ông Đinh Vạn Tiến – Nguyên Trưởng Ban XNK VRG vẫn dõi theo và trăn trở khi ngành cao su gặp khó khăn. Ông đã chia sẻ với PV Tạp chí Cao su về những điều ông tâm huyết về lĩnh vực xuất hập khẩu của ngành cao su hiện nay.
Ông Đinh Vạn Tiến
Ông Đinh Vạn Tiến

Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xin ông cho biết, VRG phải làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay?

Ông Đinh Vạn Tiến: Nhìn theo góc độ của một người nhiều năm làm việc ở lĩnh vực xuất nhập khẩu cao su, theo tôi cơ cấu sản phẩm phù hợp, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm khách hàng mới, có nhiều chính sách ưu đãi cho khách hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng cao su, cắt giảm chi phí giá thành… sẽ phần nào giúp ngành cao su vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Nhiều năm qua, VRG đã triển khai cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp. Nhưng có lẽ, khi giá cao su xuống thấp, cung nhiều hơn cầu thì chúng ta mới triệt để thay đổi cơ cấu sản phẩm. Khi tôi còn làm ở Ban Xuất Nhập khẩu VRG, nhiều khách hàng lớn vẫn thường thắc mắc về cơ cấu sản phẩm của chúng ta: vì sao VRG lại chọn sản phẩm truyền thống là SVR 3L với cơ cấu quá lớn (45%)? Trong khi đó, chủng loại SVR 10, 20 lại được tiêu thụ bởi các hãng lốp xe lớn trên thế giới, thì chúng ta sản xuất quá ít (20%)?

Theo tôi biết, hiện nay, lãnh đạo VRG đã triệt để thay đổi cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với thị trường tiêu thụ, giảm mạnh chủng loại SVR 3L và tăng SVR 10, 20. Điều này sẽ giúp VRG mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong tình hình hiện nay, nhiều khách hàng mua bán và tiêu thụ cao su đang mang “tâm lý giá giảm” về thị trường cao su. Họ cho rằng giá cao su trên thị trường sẽ tiếp tục giảm nên chần chừ, chờ đợi. Vì vậy, chúng ta phải tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm khách hàng mới và chăm sóc tốt khách hàng truyền thống. VRG có thị trường xuất khẩu trên 40 nước, khoảng 70% sản lượng mủ của VRG được xuất khẩu sang thị trường EU, Nga, Nhật, Mỹ, Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… chứ không phải lệ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc như trước đây.

Ngành cao su Việt Nam đã và đang tìm cách “thoát” dần thị trường này. Nếu năm 2011, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ đến 65% thì năm 2012 còn khoảng 50%, năm 2013 còn 40%, năm 2014 còn 32%. Các thị trường khác như Malaysia, Ấn Độ đã tăng lượng tiêu thụ cao su của Việt Nam lên đáng kể, đơn cử như Malaysia hiện là bạn hàng đứng thứ 2 về nhập khẩu mặt hàng này, chiếm khoảng 21% tổng giá trị xuất khẩu. Sau khi mở rộng thị trường xuất khẩu sang Malaysia và Ấn Độ. Vừa qua, VRG đã thành lập Công ty CP Xuất khẩu Cao su VRG Nhật Bản, đó là một tín hiệu tốt.

Với tình hình thị trường bất lợi như hiện nay, ông có chia sẻ gì với ngành cao su?

Ông Đinh Vạn Tiến: Trong xu hướng cung vượt cầu có thể kéo dài sang vài năm tới, giá cao su thiên nhiên khó tăng lên, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên sẽ trở nên gay gắt hơn về giá thành, hiệu quả đầu tư kinh doanh, nhất là về chất lượng sản phẩm và uy tín thương mại.

Chất lượng mủ cao su sơ chế chưa ổn định và chưa đồng đều cũng là một trở ngại trong việc nâng cao uy tín cho ngành cao su Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp cao su chưa quan tâm hoặc chưa có điều kiện xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế, làm giảm năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong khu vực. Hệ thống quản lý cấp quốc gia về chất lượng cao su thiên nhiên chưa chặt chẽ trên cả nước, chỉ mới áp dụng tốt ở những công ty lớn của VRG.

Chính vì vậy, việc xúc tiến thương mại mở rộng thị trường mới là rất cần thiết. Qua các tổ chức cao su quốc tế, ngành cao su nói chung và VRG nói riêng được thu nhận nhiều nguồn thông tin tin cậy, minh bạch để nghiên cứu thị trường, dự báo xu hướng giá cả và có cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng tiềm năng.

Với kinh nghiệm của mình, VRG đã có sự chuẩn bị và phương án dự phòng cho giai đoạn khó khăn như hiện nay. Tôi tin rằng, với truyền thống 85 năm với biết bao thăng trầm, ngành cao su vẫn phát triển vững vàng, với trí tuệ, bản lĩnh, sự đồng lòng chung sức, chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Cẩm (thực hiện)